“Mục sư của Tổng thống Trump” cho rằng tổng thồng có “quyền thánh” dội bom nguyên tử Bắc Hàn

658

cath.ch, Raphael Zbinden, 2017-08-14 

Mục sư Robert Jeffress là người thân cận của Tổng thống Donald Trump (Photo: Gage Skidmore/Flickr/CC BY-SA 2.0)

Mục sư người Mỹ Robert Jeffress, thân cận với Tổng thống Donald Trump cho rằng ông Trump đã nhận lệnh của Chúa cho phép tiêu diệt Bắc Hàn bằng vũ khí nguyên tử. Một linh mục công giáo uy tín bất đồng với quan điểm này.

Ngày 10 tháng 8 – 2017, trên kênh đài truyền hình CBN, mục sư Robert Jeffress cho rằng “Sách Thánh cho các nhà lãnh đạo quyền lực dùng các phương tiện cần thiết – kể cả chiến tranh – để chận đứng sự dữ”. Mục sư nói thêm: “Trong trường hợp Bắc Hàn, Chúa đã cho ông Donald Trump quyền để hạ Kim Jong Un”.

Mục sư Robert Jeffress, thuộc giáo phái ba-tít và ở trong nhóm những người có ảnh hưởng trên Tổng thống, là người chủ sự buổi lễ tôn giáo trước ngày nhậm chức 20-1-2017 của Tổng thống Trump. Mục sư Jeffers thuộc bang Texas nổi tiếng với các lời tuyên bố ghét người đồng tính, bài hồi giáo, bài công giáo. Năm 2019, mục sư cho Giáo hội công giáo là “mánh khóe của Satan”.

Giáo hội chống bom nguyên tử

Các lời tuyên bố của mục sư Robert Jeffress đã tạo nhiều phản ứng phẫn nộ trên nước Mỹ. Phát biểu trên hãng tin Công giáo Mỹ CNA, linh mục công giáo Mỹ Joshua Whitfield nhấn mạnh, quan điểm của mục sư Robert Jeffress cho thấy “rõ ràng có sự hiểu sai Sách Thánh”.

Trả lời trong mục xã luận của nhật báo Dallas Morning News, linh mục Whitfield cho biết: “Không, Chúa không cho ông Trump quyền tiêu diệt Bắc Hàn bằng vũ khí nguyên tử”. Linh mục nhắc lại, các nhà lãnh đạo công giáo, trong đó có các giám mục Hoa Kỳ và cả Đức Phanxicô đều thường xuyên nhắc lại việc giải trừ vũ khí nguyên tử. Các giáo hoàng trước đây của kỷ nguyên bom nguyên tử cũng nhiều lần lên tiếng chống loại vũ khí giết người này.

Chú giải sai lời Kinh Thánh

Linh mục Whitfield nhấn mạnh, quan điểm của mục sư Jeffress đến từ việc chú giải sai chương 13 Thư Thánh Phaolô gởi tín hữu La Mã. Chương 13 viết: “ Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt”.

Theo linh mục Whitfield, quan trọng là phải hiểu bối cảnh của đoạn này. Thánh Phaolô nói với những người sống “dưới quyền thống trị của một chế độ lương dân độc đoán và thường là bài Do Thái”. Linh mục cho rằng, Thánh tông đồ mang lại cho các đồng hữu của mình một đường lối để có thể sống còn về mặt lương tâm, liên quan đến việc tuân hành luân lý yêu thương của Chúa Giêsu, trong khi chờ đợi Ngài đến trong vinh quang. Theo linh mục, đoạn Thư Thánh Phaolô này không thể được đọc như một “thần học chính trị, một hiến chương tham dự của kitô hữu trong các vấn đề Quốc gia, cũng không phải là lời kêu gọi cho một sự lệ thuộc”.

Linh mục Whitfield cho rằng, Thánh Phaolô sẽ không bao giờ nghĩ một nhà lãnh đạo chính trị được Chúa “thánh hiến” lại gây chiến tranh nhân danh các tín hữu. Cha kết luận: “Thánh Kinh rõ ràng kêu gọi chúng ta đi theo con đường hòa bình, con đường đã được Chúa Giêsu vạch ra chứ không phải thiêng liêng hóa các nhà lãnh đạo quốc gia”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch