Giáo hoàng của tinh thần hài hước

1594
Giáo hoàng của tinh thần hài hước

soirmag.lesoir.be, Bernard Meeus, 2017-08-09

Giáo hoàng Phanxicô thích giễu, thích cười, thích nói đùa một cách tế nhị và đúng lúc. Thêm một điểm cọng cho hình ảnh của ngài và cho Giáo hội.

Từ khi ngài gắn tấm bảng “Cấm than phiền” trước cửa phòng ngài ở Nhà Thánh Mácta thì Đức Phanxicô không ngớt gây xôn xao trên mạng. Tấm bảng bằng tiếng Ý “Vietato lamentarsi” của bác sĩ tâm lý gia nổi tiếng Salvo Noè tặng ngài. Một lới khuyên gởi cho tất cả ai thích rên… hy vọng lời khuyên của ngài sẽ được mọi người nghe! Đức Phanxicô thích cười đùa, ngài nổi tiếng là giáo hoàng vui cười và thích chích một chút. Không giáo hoàng nào xin Chúa như ngài xin: “Lạy Chúa, cầu bàu cho con và cho con sức mạnh để lúc này lúc khác con cười được”.

Ông Tommy Scholtès, Giám đốc hãng tin “Cathobel”, phát ngôn viên Hội đồng giám mục Bỉ và là chuyên gia trong vấn đề thông tin tôn giáo với truyền thông xác nhận: “Đúng vậy, Đức Giáo hoàng thường cười vang và không cưỡng lại được. Ngài thích cười. Nhưng cẩn thận, không phải lúc nào ngài cũng cười, cũng có những lúc ngài nói chuyện rất nghiêm túc và sâu đậm với khách. Dù sao tấm bảng ‘Cấm than phiền’ của ngài cũng làm mọi người cười, lan truyền nhanh trên mạng và họ thấy vui”.

Từ khi được bầu chọn năm 2013, ngài tiến hành một loạt cải cách ở Vatican và thiết đặt một phong cách trực tiếp, gần với giáo dân và nhất là ít khoa trương. Tính hài hước góp một phần vào công việc này, làm hạ xuống (một chút) cái bệ của mình để có một khuôn mặt xứng hợp. Quên đi số tuổi 80 của mình, Đức Jorge Mario Bergoglio không bỏ qua dịp nào mà không làm nhẹ bầu khí. Mới được bầu xong, ngài ra khỏi tình dè dặt của mình và dám tự trào để cuối cùng được các hồng y chấp nhận. Ngài sớm cho thấy nét đặc sắc này của mình. Ký giả Arnaud Bédat thuật lại: “Khi ban nghi lễ đề nghị ngài mặc áo với nhiều cụ bị, ngài phản ứng ngay: Không, không, lễ hội đã xong”. Ký giả Bédat là tác giả quyển sách “Phanxicô, một mình chống lại tất cả” (Flammarion). Cũng trong tinh thần này, ngài nói với các hồng y bầu cho ngài: “Xin Chúa tha tội cho các anh!” Từ đó, trung thực với chính mình, ngài còn nói đùa, ngài sẽ không từ chối rửa tội cho người ở Sao Hỏa, rằng “tòa giải tội không phải là tiệm giặt ủi có thể tẩy vết nhơ của tội”, rằng, người ta không thể “rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu” với bộ mặt đưa đám ma”… Còn hơn cả tài tử giễu với những lời ý nhị pha nét châm biếm.

Ông Tommy Scholtès nói tiếp: “Ngài quen như vậy, ngài thích đùa nhất là với các anh em Dòng Tên”. Nhà Vatican học Bernard Lecomte, tác giả quyển “Tự điển thương yêu của các giáo hoàng” (Plon) cũng nhận xét như vậy. “Ngược với Đức Gioan-Phaolô II, người thường dùng nét hài hước để diễn tả theo mục đích mục vụ với một chiều kích tri thức, còn Đức Phanxicô thì cần cười, đó là một phần trong đời sống của ngài, ngài là người của xúc giác, ngài cần chạm đến giáo dân”. Và ngay cả khi ngài rất nghiêm túc, một vài người đối thoại với ngài cũng nghĩ ngài đang nói đùa. Cũng thế, chỉ vài ngày sau mật nghị, ngài gọi điện thoại cho cựu Bề trên Cả Dòng, ngài nói với người trực điện thoại mình là giáo hoàng, xin nói chuyện với bề trên của anh, anh trả lời với ngài: “Vậy hả? Còn tôi, tôi là Napoléon!”. Ngài không bực vì chính ngài cũng áp dụng cho mình một liều lượng hài hước. 

Một chút khôi hài cũng không sao, dù đó là người đứng đầu Giáo hội

Dứt khoát là ngài khác với các vị tiền nhiệm của mình, Đức Gioan-Phaolô II có một tấm lòng nhân vĩ đại… nhưng rõ ràng là ít hài hước hơn Đức Phanxicô. Còn Đức Bênêđictô XVI thì khắc khổ suốt triều giáo hoàng của mình. Không có gì giống Đức Phanxicô, mang nét vui tính của người latinô, cởi mở, sáng tạo, đặt lại thứ trật trong Giáo hội, cười đùa khi có dịp nhưng dứt khoát không để mất uy quyền của mình.

Nói cách khác, mình cưới và Chúa cười lại với mình! Đức Phanxicô thích những câu dí dỏm, các nét sắc bén, một hình thức châm biếm nào đó, ngài không thích các hình ảnh kẹt cứng. Thời còn là Tổng Giám mục Buenos Aires, ngài cũng không khác, ngài cười khi tiếp xúc với giáo dân. Tính hài hước cũng là cách để nối kết các quen biết và làm gần lại các quan điểm khác nhau, một tính cách được những người ngoài giới công giáo rất mến chuộng. Trong nghĩa này, ngài gần với những người không phải là kitô hữu. Một cách nào đó, tiếng cười không mặc cảm lộ ra cho thấy một ít tính khiêm tốn. Đức Phanxicô thích kể chuyện đùa và thích người khác kể chuyện đùa cho mình nghe. Ngài dễ chịu và bản chất là cười khi có dịp. Ký giả Arnaud Bédat xác định: “Đó cũng là một cách của ngài để Giáo hội mở ra”.

Ngài cũng đùa với đá banh, trong mùa Cúp Thế giới năm 2014, khi đội Argentina đấu với Thụy Sĩ, ngài được một cận vệ Thụy Sĩ mời cùng xem truyền hình, ngài từ chối và cười nói: “Sẽ là chiến tranh mất!” Ngày 21 tháng 11 năm 2016, trong cuộc phỏng vấn với báo “Vatican Insider”, ngài trả lời: “Hài hước là một ơn mà tôi xin mỗi ngày và tôi đọc lời cầu nguyện của Thánh Thomas More: ‘Lạy Chúa xin cho con tính hài hước… Hài hước làm dịu xuống, làm cho mình thấy mọi chuyện ở đời này là tạm thời và xem chúng trong một tinh thần cứu chuộc. Thái độ này là thái độ của con người nhưng nó làm cho mình gần với ơn Chúa’”. Một lần khác, trên máy bay trong một chuyến tông du, các ký giả ngạc nhiên thấy ngài cầm cặp đen, ngài nói: “Dù sao thì đây không phải chiếc cặp nhỏ có chìa khóa bom nguyên tử”. Ngay khi người khác lấy chỗ mình, ngài cũng hòa nhã.

Bằng chứmg trong ngày Lễ Gia Đình tháng 10 năm 2013, Didier, chú bé 7 tuổi bị bệnh tự kỷ đến gần Đức Phanxicô, ôm ngài rồi ngoan ngoản lên ghế của ngài ngồi cho đến cuối bài diễn văn. Cảnh này được chiếu khắp toàn cầu. Chẳng phiền hà gì, ngài tươi cười với em Didier ở bên cạnh mình. Khi giáo dân bắt chước ngài, ngài lại còn vui. Trong chuyến đi Mỹ tháng 9 năm 2015, ngài không ngạc nhiên khi thấy “em bé giáo hoàng” mặc áo giống hệt ngài, cha mẹ em làm mọi cách để lôi kéo sự chú ý của ngài. Cười ngất, Đức Phanxicô ôm em bé vào lòng trước khi trả em lại cho cha mẹ em, ngài nói với người cận vệ để nhắn lại với cha mẹ em, sau này họ nói, “giáo hoàng nói chúng tôi có óc hài hước siêu hạng”.

https://www.youtube.com/watch?v=gDj7Ps3dyJA

Thích cười, Đức Phanxicô không ngần ngại đội mũ của ảo thuật gia khi gặp các nghệ sĩ đường phố.

Tiếng cười là thiêng liêng, nó củng cố cho ý tưởng một Giáo hội không co rúm

Chắc chắn Đức Phanxicô dùng tiếng cười để làm nhẹ đi nghi thức chung quanh   con người của mình hay đơn giản để bớt stress. Ngài cũng không lạm dụng nó. Ngài biết phân biệt giữa niềm vui và nụ cười, giữa cảm nhận sâu đậm và biểu cảm chóng qua. Ngài luôn chừng mực. Và đừng quên ngài có 35 triệu người theo ngài trên tài khoản Twitter và 4 triệu người theo trên Instagram. Ngài xứng đáng là người kế thừa Đức Gioan XXIII, người nổi tiếng về mặt hài hước. (Một ngày nọ, khi đi thăm một bệnh viện, ngài hỏi một bé trai sau này con muốn làm gì. Cậu bé trả lời: “Dạ, con muốn làm cảnh sát hoặc giáo hoàng!” Và Đức Gioan XXIII thú nhận: “Nếu cha là con, cha sẽ làm cảnh sát. Bất cứ ai cũng có thể làm giáo hoàng, nhìn cha nè…”)

Đức Phanxicô giữ phong cách tươi sáng khi cười về mình một chút, các trạng huống tình cờ buồn cười, các lời nói chán tai. Mùa xuân vừa qua, trong một buổi tiếp kiến chung, một em bé gái 3 tuổi đã thó cái mũ chỏm của ngài. Ngài bật cười. Ngược với các cận vệ bên cạnh ngài, họ không xem hài hước là… thiêng liêng! Một giáo hoàng thiêng liêng đùa với với các trò hề của mình củng cố cho ý tưởng một Giáo hội không co rúm. Ông Tommy Scholtès kết luận: “Đức Giáo hoàng đôi khi cũng tỏ ra tức cười”. Vì hài hước cho Chúa, ngài giữ vững đức tin. Giáo dân mến chuộng ngài cũng từ đó mà ra!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch