“Cô con gái nhỏ” của Cha Piô và Wojtyla (2/4)

603

Trích sách “Bí mật của Cha Piô”, Antonio Socci, Nxb Pierre Téqui 

Ngay cả trong số các giám mục, cũng có mốt thích chế giễu các tín điều và thậm chí còn cho sự hiện hữu của Chúa là không chắc (…). Theo tôi, chắc chắn Giáo hội phải chịu các giai đoạn khó khăn. Ngày nay cơn khủng hoảng thật của Giáo hội chỉ mới bắt đầu. Joseph Ratzinger (1970)

Tạ ơn Chúa, vì trong suốt bao nhiêu thế kỷ, Ngài đã ban cho chúng ta những người, mà vì tình yêu Ngài, họ đã rời tất cả, trở nên dấu hiệu sáng tỏ tình yêu của Ngài! Chỉ cần nghĩ đến những người như Biển Đức và Scholastique, như Phanxicô và Clara Axixi, (…) cho đến những người như Mẹ Têrêxa và Cha Piô (…) chúng ta cùng cầu nguyện để xin Chúa cũng ban cho thời buổi chúng ta có nhiều người can đảm bỏ tất cả để phục vụ. Bênêđictô XVI (9 tháng 9-2007)

Qua năm tháng, các tin tức về các đặc sủng đặc biệt của xơ Rita lọt ra ngoài tu viện. Ngày 4 tháng 1 năm 1980, Tổng Giám mục địa phận Florence, hồng y Giovanni Benelli viếng thăm tu viện Âugutinô Santa Croce sull’Arno nhân dịp kỷ niệm 700 năm thành lập tu viện; hồng y muốn nói chuyện riêng với nữ tu mà ngài đã biết qua một trong các thư ký cộng sự của ngài.

Có thể do tình cờ, nhưng trong một bài giảng cho các nữ tu, ngài nhắc lại câu Thánh Phaolô đã nói: “Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan; và những gì thế gian cho là yếu kém thì Thiên Chúa lại chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt, không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có.”

Một chân dung hoàn hảo của nữ tu Rita. Những lời nói này mang tính ngôn sứ vì nó loan báo chuyện sẽ xảy ra trong năm sau, ngày 13 tháng 5 – 1981 tại quảng trường Thánh Phêrô, nơi như chúng tôi đã nói, nữ tu Rita đã ở hai nơi, và theo chính lời của xơ, cùng với Đức Mẹ, xơ làm trệch đường bắn của kẻ giết giáo hoàng. Giai đoạn này khẳng định một cách nổi bật những gì Đức Gioan-Phaolô II luôn nói về vụ ám sát này và ngài cũng khẳng định những gì Cha Piô nói với Đức ông Galeone về sứ mệnh đền tội và cầu bàu của mình mà Cha Piô tiếp tục qua các con cái thiêng liêng của mình.

Mặt khác, việc cứu lạ lùng này mở ra câu hỏi về các tương quan huyền ẩn đã có giữa Cha Piô và Karol Wojtyla. Chắc chắn có một cái gì sâu đậm ngay từ đầu giữa hai người.

Tháng 4 năm 1948, Karol Wojtyla đến San Giovanni Rotondo; khi đó cha mới là một linh mục trẻ. Cuộc gặp này đã đánh dấu sâu đậm trong lòng ngài, có những chuyện lạ lùng đã xảy ra. Đầu tiên hết là Cha Piô thố lộ những chuyện thân tình và lạ lùng với linh mục Ba Lan này (ngay cả cha cũng chưa nói với các anh em gần mình nhất).

Khi Karol Wojtyla hỏi dấu thánh nào làm cha đau nhất, nghĩ rằng đó là dấu ở quả tim nhưng sau này giáo hoàng kể, Cha Piô đã làm ngài ngạc nhiên vô cùng khi nói: “Không, dấu làm tôi đau nhất là ở vai. Không một ai biết có dấu ở vai và vết thương này lại không được săn sóc.” Chúng ta thấy chi tiết này trong quyển sách của Stefano Campanella Đức Giáo hoàng và tu (Il papa e il frate). Tác giả nhấn mạnh chưa bao giờ Cha Piô nói đến vết thương ở vai. Nhưng tại sao nó lại ngoại lệ? Tại sao Cha Piô lại thố lộ bí mật này cho một người chưa quen biết? Thái độ của Cha Piô lại càng lạ lùng hơn khi cha chưa bao giờ nói đến vết thương này, ngay cả với những người gần nhất. Chúng ta có thể đoán rằng, thập giá Cha Piô mang bắt đầu từ vết thương ở vai, cho thấy một ý nghĩa đặc biệt đối với vị linh mục trẻ người Ba Lan này chăng?

Một điều chắc chắn: Cha Piô biết rõ số phận của linh mục trẻ Ba Lan 28 tuổi, có cặp mắt màu xanh lơ và ánh nhìn sâu đậm này. Như thế, cha đã tiên đoán và nói với hồng y Montini (giáo hoàng Phaolô VI tương lai), cha biết Karol Wojtyla sẽ trở thành giáo hoàng và là một giáo hoàng lớn, cha biết sứ mệnh nặng nề của ngài; cha biết người ta sẽ ám sát ngài và cha biết người này sẽ phong thánh cho mình. Những chỉ dẫn cho thấy thì không nghi ngờ gì. Thêm nữa, bí mật về vết đau ở vai thố lộ với giáo hoàng tương lai là không còn nghi ngờ gì nữa (như lời hứa bí ẩn để giúp ngài gánh vác sứ mệnh nặng nề của mình), Cha Piô cũng cho một dấu chỉ hùng hồn cho một chủng sinh trẻ ở Pouilles cũng có mặt lúc đó và sau này là một trong các người con thiêng liêng của cha, Đức ông Pietro Galeone; nhưng đến năm 1962  thì nghi ngờ này không bao giờ còn là nghi ngờ nữa với ông Angelo Battisti!”

Tháng 11 năm 1962, linh mục trẻ Ba Lan bây giờ là giám mục phụ tá và tổng đại diện giáo phận Cracovia đến Rôma dự Công đồng. Một trong các bạn Cracovia của mình, Andrzej Poltawski cho cha biết, bà vợ Wanda của mình, người rất thân với Wojtyla đã nhập viện vì bị ung thư.

Và như thế tại Rôma, chính xác lúc Cha Piô bị một vụ bức bách thứ nhì giáng xuống khủng khiếp thì Wojtyla viết thư cho cha, xác tín vào sự thánh thiện của Cha Piô, xin cha cầu nguyện cho một phụ nữ 40 tuổi ở Cracovia, mẹ của bốn đứa con, người trong cuộc chiến tranh vừa qua đã nếm cảnh trại tập trung Đức, và hiện đang bị ung thư. Cha xin Cha Piô cầu nguyện để “Chúa, qua lời cầu bàu của Đức Mẹ sẽ chứng tỏ lòng thương xót của Ngài qua bà Wanda và gia đình bà”.

Bức thư được gởi đến San Giovanni Rotondo qua trung gian ông Angelo Battisti, ông là nhân viên của Tòa Thánh nhưng cũng là “con thiêng liêng” của Cha Piô. Ngày 18 tháng 11, ông Battisti mang thư đi, ông không biết nội dung cũng như người gởi. Cha Piô im lặng đọc thư và nhờ ông Battisti trấn an người gởi, là cha sẽ cầu nguyện rất nhiều cho người mẹ này. Rồi cha nói thêm: “Angelino, với người này, mình không thể nói không.” Ông Battisti hỏi Cha Piô tại sao, cha đứng dựa ở cửa phòng, thì thầm một câu gì đó. Cha Pierino Galeone cũng có mặt lúc đó; cha không nghe câu trả lời nhưng thấy “Battisti bỗng thấy khoan khoái“, cha Galeone hỏi riêng ông Battisti xem Cha Piô nói gì. Cha Galeone ngạc nhiên không những Battisti không hiểu Cha Piô nói gì, cũng không giải thích được vì sao mình khoan khoái.

Đầu óc Battisti vẫn còn suy nghĩ về lời của Cha Piô. Tại sao mình không thể nói không với người này? Giám mục Ba Lan này là ai? “Về Rôma, tôi sẽ hỏi các đồng nghiệp của tôi ở Vatican xem họ có biết giám mục Wojtyla này không, nhưng không ai biết.”

Cha Piô còn nói với ông Battisti một chi tiết khác về một giám mục đang ở bệnh viện và người này là người trung gian phục vụ cho Wojtyla: “Nói với giám mục Deskur, cha sẽ lành và sẽ còn làm việc nhiều năm cho Tòa Thánh.” Lời nói này là lời tiên tri vì bạn của Wojtyla lành và sau này được bạn Wojtyla phong hồng y ngày 25 tháng năm 1985 (trùng với ngày sinh của Cha Piô), và là người hợp tác thân cận của Đức Gioan-Phaolô II. Hai người là bạn học khi còn nhỏ với nhau (chuyện tình cờ là giám mục Deskyr nằm bệnh viện vào tháng 10-1978, khi Karol Wojtyla được bầu chọn giáo hoàng. Và ngay lập tức, chuyến “thoát” đầu tiên của tân giáo hoàng ra ngoài Vatican là đến bệnh viện thăm bạn mình). Chúng ta có thể xem lời tiên đoán này là bằng chứng Cha Piô biết Wojtyla sẽ là giáo hoàng tương lai.

Và bây giờ là câu chuyện của bà Poltawska, người không biết bức thư Wojtyla gởi Cha Piô. Sáng 21 tháng 11, bà vào phòng mổ ở bệnh Cracovia thì bà bỗng thấy bác sĩ ung bướu tươi cười đi vào, nói rằng không cần phải mổ nữa. Các hình chụp quang tuyến cuối cùng cho thấy khối u không còn.

Ngay khi nghe tin, Wojtyla cầu nguyện tạ ơn. Rồi ngài viết thư báo tin cho Cha Piô biết, bạn mình đã lành nhờ ơn Chúa nhưng cũng nhờ Cha Piô, “người Cha Đáng kính” mà ngài hết lòng cám ơn. Như bức thư đầu, bức thư này ngài cũng nhờ ông Battisti chuyển vào ngày 1 tháng 12. Sau khi đọc thư, Cha Piô nói: “Tạ ơn Chúa.” Rồi Cha Piô đưa hai bức thư cho ông Battisti giữ và nói: “Anh giữ hai bức thư này, có ngày anh cần đến nó.”

Đâu là ý nghĩa của những lời này? Chắc chắn Cha Piô không nghĩ đến việc phong chân phước, bởi vì chỉ những phép lạ sau khi qua đời mới đáng kể. Lý do vẫn còn bí ẩn, nhưng một điều chắc chắn: với việc giữ hai bức thư này, bây giờ chúng ta mới hiểu mối liên hệ sâu đậm đã nối Cha Piô và Đức Karol Wojtyla với nhau. Và có thể đó là điều chúng ta cần phải biết. Và cũng tình cờ – đặc biệt chuyện gì dính đến Cha Piô đều tình cờ – là ông Battisti hoàn toàn quên hai bức thư này và khi ông đang tìm các tài liệu khác thì thấy hai bức thư này, lúc đó chính xác là đầu tháng 10 năm 1978, một vài ngày sau, ngày 16 ông kể: “Khi tôi nghe hồng y Felici báo cho thế giới biết tên tân giáo hoàng, tôi bị sốc. Tên giám mục Ba Lan “Karol Wojtyla” người nhờ tôi đưa thư cho Cha Piô (…). Tôi nghĩ ngay đến lời Cha Piô: ‘Angelino, với người này, mình không thể nói không’. Và tôi đã khóc.

Marta An Nguyễn dịch 

Hình ảnh ngày phong thánh Cha Piô tại Rôma 16-6-2002