Khi chúng tôi nói chuyện với anh Romain và chị Réna về chuyện mình làm gì hay đáng lý phải nên làm gì cụ thể cho tổ chức Misericordia, một tổ chức mà anh chị thành lập hơn một năm nay ở Santiago, Chili thì các ý tưởng tuôn trào ra: tái thành lập mạng lưới xã hội, lên chương trình phòng ngừa các tác hại của ma túy rượu chè, lần hạt ngoài đường, giúp thờ phượng Thánh Thể, tạo điều kiện để ổn định lại các khu phố bị nạn thanh toán nội bộ tác hại, tổ chức một trung tâm giáo dục, kèm trẻ em học, tạo một trung tâm y tế, tạo khung nền uốn nắn cho các em vị thanh niên mang thai, là sự hiện diện của Giáo hội trong khu phố… Cặp vợ chồng truyền giáo rất quảng đại và gần như sẵn sàng đáp ứng cho tất cả nhu cầu của sự khốn cùng, tất cả đau khổ của khu phố La Pincoya, khu phố họ sống hơn một năm ở đây.
Khi chúng tôi xin họ tóm tắt các ưu tiên và các đặc sủng của tổ chức Misericordia, họ chỉ có hai chữ để nói: Lòng Thương xót và Phúc âm hóa. Khi chúng tôi muốn để biết thêm, anh Romain trả lời một câu khó hiểu “Trọng tâm của tổ chức Misericordia, đó là các cuộc viếng thăm buổi sáng”.
Mỗi thiện nguyện viên của Misericordia có một nhiệm vụ đặc biệt riêng, nhưng tất cả đều làm một việc chung là tham dự vào cuộc viếng thăm này. Ba buổi sáng mỗi tuần, chúng tôi từng nhóm 2 đến 3 người đi và gõ cửa từng nhà để nói chuyện với người dân. Chúng tôi chỉ đến để biết tin tức, nói chuyện và cầu nguyện với họ một chút. Chúng tôi không mang gì ngoài nụ cười của mình, nhưng tất cả người dân đều đón chúng tôi, đôi khi chúng tôi đứng ở ngưỡng cửa, đôi khi họ mời vào nhà.
Gần như một cách có hệ thống, câu chuyện tầm phào chung quanh sức khỏe của con chó hay chung quanh thời tiết đều dẫn đến tâm tình riêng tư hơn. Rất nhiều người trong khu phố bị bỏ rơi này, các láng giềng của chúng tôi, có cuộc đời gãy đổ vì ma túy, rượu và bạo lực. Họ kể cho chúng tôi nghe. Chúng tôi không làm gì khác là lắng nghe họ và đôi khi khóc với họ. Cuối cùng đó là Lòng Trắc Ẩn: chấp nhận trong giây lát nỗi bất lực của chúng tôi, không nói đến chuyện chống ma túy, rượu, thanh toán nội bộ. Chỉ ở đó, bên cạnh người đau khổ, cảm thấy mình nhỏ bé và cùng đau khổ với họ. Các lời an ủi của chúng tôi đôi khi được họ đón nhận nhưng thường là vô ích hoặc không phù hợp. Bây giờ thì chúng tôi im.
Mỗi lần Quentin, Jean và tôi cảm thấy khó khăn khi đi viếng thăm, chúng tôi phải tự buộc mình, lấy hết can đảm để gõ cữa một căn nhà xa lạ. Lúc nào chúng tôi cũng có cảm tưởng mình làm phiền họ và mình có thể hữu ích ở chỗ khác hơn. Khi nào chúng tôi cũng có một lý do để thoái thác. Nhưng sau mỗi lần đến đó, khi ra về chúng tôi đều cảm nhận một niềm hạnh phúc sâu đậm. Một mặt chúng tôi học được nhiều điều – khi bà Gladys, 60 tuổi giải thích cho biết bà phải nuôi cô con gái 30 tuổi bị hội chứng Đao và cháu ngoại 2 tuổi của một cô con gái khác bị sa vào ma túy, không tự nuôi thân được và phải bán tất cả những gì người ta cho mình để mua ma túy thì lúc đó chúng tôi tưởng tượng hết nỗi đau khổ của người đàn bà, người mẹ này và không còn muốn than phiền cho những hạt bụi trong đời sống hàng ngày của mình. Mặt khác, chúng tôi ý thức, qua chúng tôi là Chúa Kitô đến thăm những người này. Qua dự hiện diện, qua sự lắng nghe của chúng tôi, chúng tôi đã làm cho họ hiểu, họ được Chúa thương qua con người thật của họ, với những yếu đuối, những tổn thương của họ. Không kiêu hãnh nhưng một cảm nhận chóng mặt, rằng, Chúa dùng tôi, với những bất toàn, thấp hèn của tôi để làm theo ý Chúa, để nói và tỏa tình thương của Ngài. Và cuối cùng là nói vâng với Chúa, thuận theo ý Chúa, buông bỏ các tiện nghi, các điều mình tin chắc: và cuối cùng đó là Phúc âm hóa.
Bây giờ tôi hiểu hơn câu của anh Romain nói, “các chuyến viếng thăm là trọng tâm của tổ chức Misericordia”: chỉ một lòng trắc ẩn và phúc âm hóa, không tuyên truyền vô ích. Tôi hiểu rằng, để nói về Chúa thì trước hết phải biết im, biết lắng nghe, biết yêu thương. Tôi hiểu trong những lúc nghèo khổ, buông bỏ, trần trụi này, đó là chúng tôi đã thật sự đáp trả cho tiếng gọi của tín hữu Kitô: loan báo Chúa Kitô và để Ngài hành động trong cuộc sống chúng ta. “Giáo hội không phải là một tổ chức nhân đạo Phi Chính Phủ” (lời Đức Phanxicô nói), tổ chức Misericordia cũng không phải. Tổ chức không khẳng định mình qua các trung tâm giáo dục và y tế, nhưng trước hết là qua mong muốn phát triển toàn bộ con người. Và điều này thể hiện qua các cuộc viếng thăm tưởng vô ích, phù phiếm dưới mắt người đời nhưng nó lại cho chúng tôi có dịp, trong vài giờ “thể hiện cho người khác cũng những cử chỉ mà Chúa Giêsu đã làm khi viếng thăm dân Người: gần gũi, trắc ẩn và mang lại hy vọng”*.
Trong ba ngày nữa chúng tôi sẽ từ giã La Pincoya và tổ chức Misericordia, rất buồn nhưng rất hạnh phúc với tất cả những gì chúng tôi đã sống và đã khám phá ở đây. Mong rằng chúng tôi sẽ giữ được cái nhìn yêu thương và trắc ẩn với tất cả những người chúng tôi sẽ gặp trong năm nay.
*Đức Phanxicô, bài giảng buổi sáng 16 tháng 9 năm 2014.
Geoffroy
Marta An Nguyễn dịch