Làm sao để có cuộc gặp giữa Đức Phanxicô với Donald Trump

411

Tiếp xúc cá nhân và các cuộc gọi điện thoại: làm sao để có cuộc gặp giữa Đức Phanxicô với Donald Trump

lastampa.it, Andrea Tornielli, 2017-05-22

Ngày thứ tư 24-5, Tổng thống Mỹ sẽ đi từ Israel đến Rôma và bà Callista Gingrich vừa được bổ làm đại sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh. Sáng thứ tư lúc 8h30, hai người Mỹ sẽ lần đầu tiên bắt tay Đức Giáo hoàng. Cuộc hội kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đức Giáo hoàng Argentina đã có được là nhờ hai bên làm việc ráo riết từ mấy tháng nay, vì cách đây ba tuần, chưa có một lời xin tiếp kiến nào từ phía Tòa Bạch Ốc. Có tin đồn là ông Trump thật sự muốn trì hoãn. Nhưng công chuyện đã thay đổi nhờ việc làm kiên nhẫn của một vài cố vấn của Tổng thống cũng như một số dấu hiệu rõ rệt từ Vatican.

Để làm thuận lợi cho cuộc tiếp xúc, khởi đầu là cuộc hội đàm của Sứ thần Tòa Thánh Mỹ Christoph Pierre và Ban Thư ký Tòa Thánh, Đức Giám mục Donald Wuerl, giáo phận Washington. Con đường tiếp xúc không chính thức với tân chính quyền là qua giáo hội phúc âm, chính xác là qua Buổi Điểm tâm Cầu nguyện (National Prayer Breakfast) mà phó tổng thống Mỹ Mike Pence là thành viên tích cực. Đó là lý do vì sao ông Salvatore Martinez, người Ý, chủ tịch Phong trào Tân tạo Thiêng liêng (Renewing Spiritual) đã đến Mỹ nhiều lần để giúp phá vỡ tảng băng. Trong số các cố vấn của Donald Trump có hai nhân vật chủ yếu, đó là các mục sư thuộc giáo phái phúc âm, ông Jay Strack và bà Paula White.

Ngày 13 tháng 3 là ngày có cuộc họp quyết định giữa Sứ thần Tòa Thánh và Hồng y Wuerl ở Tòa Sứ Thần ở Washington. Cuộc họp cũng đã có sự tham dự của một vài cố vấn của Donald Trump. Tòa Thánh cho biết Đức Giáo hoàng sẵn sàng tiếp. Tuy nhiên ông Trump có vẻ như bận bịu với các vấn đề Quốc gia và quốc tế nên có vẻ như không mấy quan tâm. Cho đến ngày 19 tháng 4, phát ngôn viên Sean Spicer của ông tuyên bố: “Chúng tôi sẽ liên lạc với Vatican” để tổ chức một buổi tiếp kiến. Sau đó, Tổng Giám mục Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh Angelo Becciu cho biết “Đức Phanxicô luôn sẵn sàng đón tiếp các nguyên thủ Quốc gia”. Lúc đó nước Mỹ chưa bổ nhiệm đại sứ của mình ở Tòa Thánh (bà Callista Gingrich vừa mới được bổ nhiệm vào ngày thứ bảy 20 tháng 5). Dù vậy, các dấu chỉ từ Vatican luôn rõ ràng: không có vấn đề.

Tuy nhiên mười ngày sau điện thoại vẫn chưa reo. Lúc đó đã là ngày 29 tháng 4 và trên chuyến bay từ Ai Cập về, Đức Phanxicô lặp lại: “Tôi sẽ tiếp tất cả nguyên thủ Quốc gia nào xin tiếp kiến”, ngài cho biết thêm, cho tới lúc này chưa có lời xin yết kiến nào.

Sau một đèn xanh khác, vào đầu tháng 5, Tòa Bạch Ốc gọi điện thoại kèm theo là một thư chính thức. Và Donald Trump cũng đưa ra tín hiệu: buổi gặp với Đức Phanxicô nằm trong chương trình và sẽ sau chuyến đi Ả rập và Israel của Tổng thống Mỹ. Sau khi đi thăm các đồng minh Ả rập và Do Thái, Tổng thống Mỹ sẽ đến Vatican để gặp nhà lãnh đạo tôn giáo, còn hơn là người đứng đầu một Quốc gia. Trump đang chuẩn bị để lắng nghe Đức Giáo hoàng, bằng chứng, ông không muốn nghiên cứu bất cứ hồ sơ nào dù là họp với các nguyên thủ Quốc gia khác; nhưng cuối cùng các cộng sự viên của ông cũng làm một video để giới thiệu cho ông Đức Phanxicô là ai.

Sau các đối đáp tháng 2-2016 khi Đức Giáo hoàng nói: “Một người chỉ nghĩ đến xây tường thì không phải kitô hữu”, thì Vatican dịu giọng xuống vì Đức Phanxicô không bao giờ để mình rơi vào trong các cuộc tranh luận. Trên chuyến bay từ Fatima về Rôma, ngài tuyên bố: “Tôi không bao giờ phán xét ai khi chưa nghe họ”. Các quan điểm thì rõ ràng khác nhau, từ vấn đề di dân đến bảo vệ môi sinh. Vatican hy vọng nước Mỹ thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông và tăng thêm viện trợ cho các nước nghèo. Không tiên đoán được ông Trump sẽ đối diện như thế nào trước một người cởi mở, thẳng thắn và sẵn sàng lắng nghe. Khó có được các dự đoán.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch