Ở Ai Cập, Đức Phanxicô lên án “thói đạo đức giả” của người công giáo

1479

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, Cairô, 2017-04-29

Theo Đức Phanxicô, “cực đoan duy nhất có thể chấp nhận được nơi tín hữu là cực đoan của đức ái”, ngài có một sứ điệp rất đòi hỏi đối với thiểu số công giáo Ai Cập, một thiểu số bị bức bách ở đây. Ngài kêu gọi họ chân thực hơn.

Đó là vết máu của con người. Một vết không tẩy sạch được. Vết đã bị đạn bắn lên một trong các tường bằng cẩm thạch của nhà thờ Coptic Al Boutrosiyya, ở Cairô ngày 11 tháng 12 năm 2016. Vết máu từ thân thể của một trong sáu mươi nạn nhân kitô hữu đang cầu nguyện ở đây, khi một tên khủng bố hồi giáo đến tiêu diệt họ, trong số các nạn nhân này có 29 người chết.

Dấu vết đau đớn của một vụ thảm sát cực kỳ hung bạo đã trở thành dấu vết cực mạnh của một sự kháng cự hòa bình. Nó được gìn giữ bằng một tấm lắc bằng thủy tinh. Ở trên là hình các vị tử đạo chính thống kitô hữu Coptic. Co rất nhiều khuôn mặt trẻ rạng rở trên tấm hình này. Nơi đây trở thành nơi tưởng niệm hòa bình và cầu nguyện. Trong thinh lặng, Đức Phanxicô đã đến đây vào cuối ngày thứ sáu 28 tháng 4, ngày đầu tiên trong chuyến đi Ai Cập của ngài. Ngài đến đây thắp nến và cầu nguyện. Ánh sáng chập chờn nhưng vững mạnh của ngọn nến là biểu tượng cho sứ điệp lớn lao thứ nhì của Đức Phanxicô ở xứ sở các vua Pharaông.

Sứ điệp đầu tiên của ngày thứ sáu 28 tháng 4 là sứ điệp ngài gởi đến cho thế giới hồi giáo. Chưa bao giờ ngài gằn mạnh như thế, kể cả với người hồi giáo, “không được giết người nhân danh Chúa”, ngài nói ở Đại học hồi giáo al-Azhar: “Cùng nhau, chúng ta cùng nói ‘không’ mạnh và rõ ràng, không với mọi hình thức bạo lực, trả thù, hận thù nhân danh tôn giáo hay nhân danh Chúa. Cùng nhau chúng ta khẳng định sự bất tương đồng giữa bạo lực và đức tin, giữa tin và thù ghét”.

Nhưng sứ điệp thứ nhì của ngài là sứ điệp ngài ngỏ lời với các tín hữu kitô, những người làm chứng đức tin sống động của mình không “lấy ác báo ác”. Trước hết, chiều thứ sáu 28 tháng 4, ngài nói với các tín hữu chính thống Coptic, những người đặc biệt bị người hồi giáo nhắm đến, mà chúa nhật Lễ Lá 9 tháng 4 vừa qua, hai nhà thờ của họ đã bị tấn công làm cho 46 người bị thiệt mạng.

Đại kết

Ở Ai Cập, chính thức họ chiếm 9 % trên tổng số dân 92 triệu, nhưng họ không đồng ý với con số này. Theo con số thống kê rửa tội, họ có 15 triệu tín hữu, vào khoảng 17 % đa số. Dù sao, tín hữu chính thống Coptic là nhóm thiểu số kitô hữu quan trọng nhất ở Trung Đông. Và đó là một trong các Giáo hội kitô xưa cổ nhất, đã tách ra với Rôma từ thế kỷ thứ 5, vì Tòa Thượng phụ Alexandria được Thánh sứ Máccô xây dựng lên.

“Đáng tiếc thay, gần đây máu vô tội của tín hữu không vũ khí tự vệ vẫn còn đổ ra: máu vô tội của họ kết hiệp chúng ta lại với nhau”.

Đức Phanxicô

Đứng về mặt biểu tượng, Đức Phanxicô đã xác nhận với họ, Giáo hội công giáo kết hiệp sâu đậm với họ vì cái mà ngài gọi là “đại kết của máu”, ngài nói: “Bao nhiêu là vị tử đạo trong đất nước này, từ các thế kỷ đầu tiên của kitô giáo, họ đã anh dũng sống đức tin đến cùng, họ không nhường bước trước ảo ảnh của sự dữ hay theo cám dỗ lấy ác báo ác. Tiếc thay gần đây máu vô tội của các tín hữu không vũ khí tự vệ vẫn còn bị đổ ra: máu vô tội của họ kết hiệp chúng ta”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Giáo hoàng Tawardros II của Giáo hội chính thống Coptic đã làm cho hai Giáo hội của mình xích lại gần nhau khi ký một thỏa thuận quan trọng về mặt pháp lý: lần đầu tiên trong lịch sử hai ngàn năm, người chính thống Coptic công nhận phép rửa tội của người công giáo. Vì có một thiểu số khoảng 200.000 người công giáo Coptic ở Ai Cập.

Sáng thứ bảy 29 tháng 4, Đức Giáo hoàng đã kết hợp tất cả các giáo phái công giáo trong một thánh lễ ở sân vận động ngoài trời và được an ninh canh gác nghiêm ngặt. Một dịp để Đức Phanxicô đưa ra một sứ điệp mang tính đòi hỏi rất cao với một cộng đoàn bị bách hại, chứ không phải để an ủi họ.

“Đức tin thật”

Trước hết, Đức Phanxicô nhắc lại, “Chúa chỉ chỉ thích đức tin được tuyên xưng bởi đời sống, vì cực đoan duy nhất có thể chấp nhận được nơi tín hữu là cực đoan của đức ái! Mọi hình thức cực đoan khác không đến từ Chúa và không làm cho Chúa hài lòng!”.

“Đối với Chúa, thà không tin còn hơn là tín hữu giả hình, là người đạo đức giả!”

Đức Phanxicô

Sau đó, ngài đả kích loại giả hình đội lốt tôn giáo: “Đừng nhọc công lấp  đầy nơi thờ thượng nếu tâm hồn chúng ta không biết kính sợ Chúa, không có sự hiện diện của Ngài. Đừng nhọc công cầu nguyện nếu lời cầu nguyện của chúng ta dâng lên Chúa không biến thành tình yêu cho người anh em. Đừng nhọc công mộ đạo nếu lòng mộ đạo này không được nuôi dưỡng bằng đức tin, bằng đức ái sâu đậm. Đừng nhọc công săn sóc bề ngoài vì Chúa chỉ nhìn vào tâm hồn và quả tim, Ngài chán ghét thói đạo đức giả. “Đối với Chúa, thà không tin còn hơn là tín hữu giả hình, là người đạo đức giả!”

Khi đó, Đức Phanxicô bắt đầu định nghĩa cái gọi là “đức tin thật”: “Đức tin thật là đức tin làm cho chúng ta bác ái hơn, thương xót hơn, chân thật hơn và có nhân tính hơn; đức tin chân thật là đức tin nuôi sống quả tim để yêu thương thế gian một cách nhưng không, không phân biệt, không ưu tiên; đức tin chân thật hướng dẫn chúng ta nhìn người khác không phải là kẻ thù để hơn thua, nhưng là người anh em để yêu thương, để phục vụ và để giúp đỡ. (…) Đức tin chân thật là đức tin hướng dẫn chúng ta đi đến việc bảo vệ quyền của người khác, cũng cùng một sức lực, một nhiệt huyết như khi chúng ta bảo vệ quyền của chúng ta”.

Marta An Nguyễn dịch

Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Giáo hoàng Tawardros II của Giáo hội chính thống Coptic đã làm cho hai Giáo hội của mình xích lại gần nhau khi ký một thỏa thuận quan trọng về mặt pháp lý: lần đầu tiên trong lịch sử hai ngàn năm, người chính thống Coptic công nhận phép rửa tội của người công giáo. Vì có một thiểu số khoảng 200.000 người công giáo Coptic ở Ai Cập.