Theo Linh mục Samir Khalil, Ai cập có một “ý nghĩa tôn giáo rất mạnh”

278

Linh mục Samir Khalil, Giáo sư Giáo hoàng Học viện Đông phương tại Rôma  (Photo: Jacques Berset)

cath.ch, Aymeric Pourbaix, 2017-04-26

Trước ngày Đức Phanxicô đi Ai Cập, 28 và 29 tháng 4-2017, Linh mục Dòng Tên người Ai Cập Samir Khalil giải thích cho hãng tin I.MEDIA vì sao Ai Cập chiếm một chỗ đứng trong kitô giáo ở Trung Đông. Linh mục là Giám đốc Trung tâm tài liệu và nghiên cứu về Ả rập của kitô giáo (CEDRAC) ở Giáo hoàng Học viện Đông phương ở Rôma và là người nổi tiếng về các vấn đề Trung Đông.

Làm sao giải thích việc tái hồi chế độ tu sĩ ở Ai Cập?

Chế độ tu sĩ ăn sâu trong truyền thống Ai Cập. Đời sống tu hành ở ẩn và chế độ tu sĩ được sinh ra ở Ai Cập và điều này đánh dấu mạnh nơi kitô giáo toàn cầu. Và bây giờ vẫn còn phát triển mạnh ở Ai Cập. Phải đến xem một đan viện giữa Cairô và Alexandria vào một ngày lễ nghỉ: cả một đám đông hàng trăm người cùng với trẻ con, họ đến từ khắp các vùng để bồi dưỡng tâm hồn.

Chắc chắn, đó cũng là sự việc do áp lực của hồi giáo, nhưng cũng do nước này phát triển một tinh thần tôn giáo rất mạnh, hơn cả Liban hay các nước khác ở Trung Đông. Dù không phải ai cũng đi nhà thờ, nhưng họ có 200 ngày ăn chay một năm, không phải chỉ dành riêng cho các đan sĩ. Ngày thứ tư và ngày thứ sáu, trước các ngày lễ lớn như lễ Đức Mẹ Lên Trời, lễ Giáng Sinh… Đời sống tu viện tác động mạnh trên nước Ai Cập, vì thế thúc đẩy người Ai Cập trở nên người kitô hữu trọn vẹn hơn.

Người chính thống giáo, công giáo ở Ai Cập cũng có lòng tôn kính Đức Mẹ rất đặc biệt. Đáng kể là các lần Đức Mẹ hiện ra ở Zeitoun ở ngoại ô Cairô giữa các năm 1968 và 1971…

Từ năm 1968, các lần hiện ra này đã được Đức Thượng Phụ Chính thống Kyril của Alexandria công nhận. Nhưng cũng phải ghi nhận, các lần hiện ra này được rất nhiều người Ai Cập thấy và đã được chụp hình. Điều này giải thích việc Đức Mẹ hiện ra cũng thu hút rất nhiều người hồi giáo, với họ, Đức Mẹ là một hình ảnh quan trọng, có mặt trong Kinh Coran.

Cha nghĩ gì về các vụ trở lại kitô giáo ở Ai Cập và trong toàn vùng Trung Đông, các vụ này đã là đề tài thảo luận mãnh liệt trong nước, khi ông Mohamed Hégazi, người hồi giáo trở lại kitô giáo, đã lần đầu tiên năm 2007 đòi sự thay đổi tôn giáo của mình được ghi vào lý lịch dân sự?

Các vụ trở lại là có thật: đó là một hiện tượng được các mục sư tại chỗ xác nhận và thường xảy ra sau các vụ thị kiến. Riêng tôi, tôi đã thu thập hàng trăm tài liệu, nhiều nhất là video và đã được đăng lên Youtube.

Từ đâu có các áp lực hồi giáo mà cha nêu lên?

Các trào lưu chính thống được sinh ra từ những năm 30 khi Mustafa Kemal Atatürk bãi bỏ triều vua tượng trưng mà đế chế Thổ Nhĩ Kỳ đại diện. Lúc đó phong trào của người sunnit (salafisme và wahhabisme) lan rộng, họ chủ trương quay về giữ đạo nghiêm nhặt theo tiên tri Mohamed, và họ được tổ chức với sự đào tạo của Quốc gia Ả rập Xauđi. Như thế, đây là một phản ứng chống lại sự thế tục hóa của thế giới Ả rập với giấc mơ tái lập lại chế độ thủ lãnh hồi giáo thời Trung cổ của họ.

Trong thế kỷ 19, phương Tây được xem như một điểm đáng chú ý, đến mức nó đánh dấu thời kỳ Phục hưng (Nahda) Ai Cập, kể cả trong Hiến pháp của họ, lấy cảm hứng từ Thụy Sĩ và Pháp. Vào thời điểm đó, luật hồi giáo (charia) chưa được đưa vào Hiến pháp. Chỉ dưới thời Tổng thống Sadat, điều 2 mới được đưa vào (quy định hồi giáo là quốc giáo của Ai Cập). Người ta có thể cho rằng các cuộc tấn công gần đây có thể được xem là tấn công nhắm vào Tổng thống Al Sissi, người đã cho xây ở Cairô ngôi nhà thờ lớn nhất Ai Cập, bên cạnh nhà thờ Hồi giáo lớn nhất trong nước … Đối với người Hồi giáo, ông bị xem như người cướp ngôi.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch