Đức Phanxicô: “Chúng ta tất cả đều là tù nhân mà chúng ta không nhận ra”

219

Đức Phanxicô ở nhà tù Paliano ngày Thứ Năm Tuần Thánh 13 tháng 4-2017

cath.ch, 2017-04-13

Trong bài phỏng vấn với nhật báo Ý La Repubblica ngày 13 tháng 4-2017, Đức Phanxicô khẳng định: “Chúng ta tất cả đều là tù nhân mà chúng ta không nhận ra”.

Ngày Thứ Năm Tuần Thánh 13 tháng 4, Đức Phanxicô đã đến nhà tù Paliano, Ý để dâng thánh lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân.

Đức Phanxicô xin chúng ta nhìn vào chính lỗi lầm trong tâm hồn mình, ngài khẳng định: “Có một hình thức đạo đức giả nào đó khi chúng ta nghĩ rằng chỉ có các tù nhân mới là người phạm các lỗi lầm và vì thế con đường duy nhất của họ là con đường ở tù. Tôi, tôi lập lại Lời Chúa nói, ai không phạm tội thì hãy cầm cục đá mà ném”.

Ngài lấy làm tiếc “chúng ta không suy nghĩ đến điều đó để thay đổi cuộc sống của mình”, ngài cũng lấy làm tiếc xã hội đã không làm nhiều hơn cho việc tái phục hồi và hội nhập vào xã hội cho các tù nhân.

Theo ngài, đó là một cách để quên rằng “chúng ta tất cả đều là tù nhân mà chúng ta không nhận ra. Đặc biệt khi chúng ta khép kín mình trong các thành kiến hoặc khi chúng ta là nô lệ của một hình thức giả tạo”. Ngài tuyên bố: “Không có tự do mà chân lý mang lại, chúng ta trở nên tù nhân của thói ích kỷ và tự đủ”. Vì thế ngài kêu gọi chúng ta phó thác vào Chúa Giêsu để mỗi người chúng ta có thể chữa lành từ thể xác đến tâm hồn và nhận lại phẩm vị mình là con của Chúa.

Cầu nguyện nhiều hơn nữa cho hòa bình

Đứng trước tình trạng căng thẳng cao độ của bối cảnh quốc tế, Đức Phanxicô xin giáo dân “cầu nguyện nhiều hơn nữa cho hòa bình thế giới, một thế giới bị những người buôn vũ khí thống trị, những người sống nhờ máu của đồng loại”. Trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 9 tháng 4, Đức Phanxicô đã xin tín hữu cầu nguyện để Chúa hoán cải tâm hồn của những người chế tạo và buôn vũ khí. Trước đó vài giờ đã có hai cuộc tấn công khủng bố ở hai nhà thờ của người Cốp ở Ai Cập làm cho 45 người thiệt mạng.

Ngài nhận thức: “Không đơn giản để biết thế giới ngày nay nhiều hoặc ít hung bạo hơn thế giới ngày xưa, cũng không biết được các phương tiện hiện đại (…) đặc trưng của thời buổi chúng ta có làm cho chúng ta ý thức hơn về sự hung bạo hay làm cho chúng ta bị nhiễm độc hơn về sự hung bạo”. Đức Phanxicô lấy làm tiếc, nếu lấy bạo lực trả cho bạo lực thì chỉ dẫn đến nạn cưỡng bức phải ra đi và dẫn đến không biết bao nhiêu là đau khổ.

Mặt khác, Đức Phanxicô phó thác vào khí cụ giáo hoàng của mình, là khẩu hiệu “Được chọn vì được thương xót”, nó là “ngôi sao dẫn đường” chứ không còn là một câu khẩu hiệu thuần túy. Nơi ngôi sao dẫn đường này chứa đựng mầu nhiệm của một Thiên Chúa sẵn sàng hứng chịu sự dữ của thế giới để chứng tỏ tình yêu của mình cho nhân loại.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch