Thinh lặng

1017

 

Aleteia | Elizabeth Scalia

Hôm trước tôi có viết về khuynh hướng nhút nhát của mình. Tôi rất vui khi có khách đến thăm, nhưng những lúc đó tôi luôn để tivi mở, dù cho chẳng có ai xem. Mọi người dường như cần tiếng động, và tôi bắt đầu tìm cách để lúc nào cũng có tiếng nhạc êm dịu trong nhà trước khi khách khứa của mình đến.

Nhưng đây là chuyện tôi không hiểu nổi. Khi chúng ta tụ họp và trò chuyện, tại sao người ta lại cần một tiếng động nền nào đó?

Chúng ta bị ngập trong tiếng động, nơi đâu cũng thế. Truyền hình cứ bủa vây chúng ta, cả khi đi mua sắm hay nghỉ tay ăn trưa. Những lời nhắc nhở không ngừng của các ứng dụng smartphone, tiếng ồn của truyền thông xã hội, khiến chúng ta trở nên quá quen, và quá lệ thuộc vào những tiếng động bên ngoài đến nỗi tôi không biết liệu có phải chúng ta đang cố nhận chìm tiếng động nội tâm của mình hay không.

Và trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta đánh mất một điều, là sức mạnh kết nối. Kết nối suy nghĩ với cảm giác, kết nối cảm giác với sự gì đó lớn lao hơn nữa, một sự chỉ đến khi chúng ta tìm được và ôm trọn thinh lặng.

Trong bài giảng thánh lễ hôm 06-4, Đức Phanxicô đã mời gọi các Kitô hữu hãy đưa sự thinh lặng vào ngày sống của mình.

“Cha mời gọi anh chị em dành năm mười phút, ngồi xuống, không mở nhạc mở tivi, ngồi xuống và suy niệm về chuyện đời mình, về những ơn lành và khó khăn, về tất cả. Về ơn phúc và tội lỗi, tất cả. Và hãy thấy ra sự trung tín của Thiên Chúa. Cha chắc chắn giữa đủ chuyện trong đời, nếu chúng ta biết nhìn ra sự trung tín của Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ được đầy niềm vui.”

Đúng là những lời quan trọng và đầy mời gọi! Nhưng chúng ta tìm thinh lặng ở đâu? Ngay cả thánh lễ cũng thường đầy những lời nói và âm nhạc vang lên không dứt, không có một khoảng dừng ngắn ngủi cho thinh lặng.

Một linh mục Phi châu thường đến thăm giáo xứ chúng tôi, và sau khi cho rước lễ xong, khi ca Hiệp lễ cũng đã dứt, cha ngồi đó thinh lặng cầu nguyện một lát và cộng đoàn cũng thing lặng.

Khoảng thinh lặng đó kéo dài không được lâu. Người ta trở nên bồn chồn, và khi đó cha bắt đầu hát, hát một mình với chất giọng nam trung, kêu lên Danh Chúa Kitô.

“Giêsu, Giêsu…” theo cung điệu của bài Amazing Grace, và cộng đoàn cũng hát theo, chỉ lặp đi lặp lại Danh Chúa Giêsu. Giữa mọi người cùng tham dự thánh lễ, có một sự kết nối. Và khi hát xong, chúng tôi chìm trong thinh lặng một cách sâu sắc hơn trước đó, và cha để cả cộng đoàn thinh lặng như thế thêm một hai phút.

Thật choáng váng, tươi mới, thân thiết, và thoải mái nữa. Mọi người điều thích khoảnh khắc này. Trong khoảng thinh lặng ngắn ngủi đó, chúng tôi tìm thấy kho báu nghỉ ngơi đi kèm với thinh lặng.

Hồng y Sarah trong tuần qua cũng đã nói về “sự độc tài của tiếng động” khi giới thiệu về quyển sách của ngài, Sức mạnh của Thinh lặng.

“Ngôn ngữ đầu tiên của Thiên Chúa là thinh lặng. Mọi sự khác đều là diễn giải nghèo nàn. Để hiêu ngôn ngữ của Thiên Chúa, chúng ta phải thinh lặng và nghỉ ngơi trong Chúa… Thinh lặng không phải là một tư tưởng. Mà là con đường cho con người đến với Thiên Chúa… Bị lôi kéo hướng ngoại với đủ chuyện mình muốn nói, con người lắm lời không thể không xa rời Thiên Chúa, họ không thể làm một hành vi thiêng liêng sâu sắc nào. Ngược lại, người thinh lặng là người tự do. Xiềng xích thế gian không giữ được người đó.

Chẳng một độc tài nào có thể làm gì người thinh lặng. Không ai có thể cướp sự thinh lặng khỏi người đó.”

Tuần Thánh là một lời mời đặc biệt muốn chúng ta thinh lặng, tắt hết những âm thanh quanh chúng ta, kháng cự lại con quỷ liến thoắng trong chúng ta.

Hãy thử thinh lặng trong tuần này. Tìm một thánh giá, một biểu tượng, ngồi bên Nhà tạm, và cố gắng làm quen với thinh lặng. Hãy tắt tivi khi nấu ăn, tắt các thông báo ứng dụng smartphone, và để mình được yên tĩnh. Hãy xin ơn thinh lặng với Chúa.

Ngài sẽ ban cho. Và bạn sẽ được vui mừng.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch