Phỏng vấn đại sứ Anh Nigel Baker tại Tòa Thánh
cyberteologia.it, Antonio Spadaro, 24-9-2014
Tuần lễ Truyền thông Xã hội (Social Media Week) một sự kiện quốc tế dành cho web, kỹ thuật, phát kiến và truyền thông xã hội đang diễn ra. Từ ngày 22 đến 26 tháng 9, một tuần gặp gỡ và trải nghiệm sẽ diễn ra ở 11 thành phố trên thế giới: London, Berlin, Johannesburg, Los Angeles, Sao Paulo, Sydney, Mumbai, Miami, Rotterdam, Chicago and Roma. Như thế, đây là một sự kiện vừa toàn cầu vừa địa phương. Chủ đề của sự kiện này thật hấp dẫn: Tái hình tượng liên kết nhân loại. Cùng lúc, Văn phòng Ngoại vụ và Công ích ở Luân Đôn cũng tổ chức một tuần sự kiện về mạng lưới toàn cầu của mình, một phần trong chương trình lớn hơn nhằm huấn luyện nhân viên trong việc áp dụng số hóa các công việc giao tiếp, phục vụ và lập chính sách.
Hơn nữa, từ ngày 22 đến 24 tháng 9, Ủy ban Cải cách Truyền thông Vatican cũng sẽ nhóm họp. Ủy ban này gồm các thành viên không trực thuộc nội bộ Vatican, đang lên kế hoạch và phương pháp làm việc.
Trong bối cảnh của những sự kiện này, và khi biết Đại sứ Anh quốc tại Tòa Thánh, ông Nigel Baker rất quan tâm đến việc số hóa trong ngành ngoại giao, tôi đã hỏi ông một vài câu hỏi.
Khi nào và tại sao Đại sứ quán Anh tại Tòa Thánh quyết định sự có mặt đáng kể của mình trên mạng truyền thông xã hội? Ông đã tiến hành ý tưởng này như thế nào, và chính xác thì việc này được thực hiện ra làm sao?
Khi làm Đại sứ Anh ở Bolivia (2007-2011), tôi đã thấy tiềm năng của truyền thông xã hội. Tôi có một trang blog bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha, chủ yếu dành cho độc giả Bolivia, nhưng cũng có nhiều người trên khắp thế giới đọc. Tôi nhận ra, với một đại sứ quán hạn chế nguồn lực, thì truyền thông xã hội là cách hoàn hảo để đưa thông điệp của mình đến với số lượng đông đảo người đọc hơn, cũng như nghe được ý kiến của các độc giả quan tâm, và trả lời họ.
Công việc ngoại giao có cần nhiều thận trọng hay không? Làm sao ông tương hợp được truyền thông số hóa với sự cẩn trọng cần có?
Dù sự cẩn trọng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống và trong công việc ngoại giao, nhưng chúng tôi cũng phải là người của truyền thông, và phải bảo đảm rằng những gì chúng tôi làm phù hợp với thế giới năng động đang thay đổi chung quanh. Ví dụ như, nhân dân Anh quốc trả tiền cho đại sứ thông qua việc đóng thuế, họ có quyền được biết Đại sứ quán Anh ở Tòa Thánh đang làm gì nhân danh họ. Ngay khi mới đến Roma, tôi nhận ra rằng, cả một thách thức lớn lao để Đại sứ quán này không những chỉ tập trung vào nội bộ Vatican, mà còn liên kết và dự phần vào mạng lưới toàn cầu rộng lớn nhất thế giới, đó là mạng lưới của Tòa Thánh.
Truyền thông xã hội có vẻ không màng đến biên giới quốc gia…
Chắc chắn là không, truyền thông xã hội chính là công cụ hoàn hảo của một thế giới nối mạng, do đó, nó là phương thế lý tưởng để giao tiếp với Hội Thánh khắp toàn cầu, phá vỡ các cấp bậc và bí ẩn đang vây quanh Hội Thánh một cách không cần thiết, đồng thời thiết lập được điểm nối về nhiều vấn đề mà chính phủ Anh đang quan tâm muốn giải quyết với Tòa Thánh: từ phong trào quốc tế đòi xóa bỏ án tử hình, tình hình ở Trung Đông đến các quan tâm chung ở châu Phi. Đồng sự của tôi ở Beirut, đại sứ Tom Fletcher, đã làm rất tốt việc này trên blog số hóa cá nhân của ông, The Naked Diplomat.
Phản hồi từ công chúng cho đến bây giờ có tích cực hay không? Và ông đã rút được điều gì từ những phản hồi này?
Niềm tin ban đầu của tôi đã được các phản hồi xác nhận là đúng. Theo tôi biết, thì blog của tôi khi đưa lên Bộ Ngoại giao và các diễn đàn kinh tế, đã được nhiều người ở trong và cả ở ngoài Vatican đón đọc. Chúng tôi có độc giả từ Phi Luật Tân, Úc, Ấn Độ, Hoa Kỳ cũng như ở Vương quốc Anh, không một độc giả nào chúng tôi không vươn đến được. Từ năm 2011, chúng tôi đã làm việc để tài khoản Twitter của mình sống động, năng động và thu hút, và đã dùng nó để thực hiện nhiều sự kiện từ các bản Hỏi&Đáp cho đến các cuộc thi – con số hơn 6,300 người theo dõi cho thấy nó nên tiếp tục được hoạt động.
Ông nói về văn bản và độc giả, vậy còn phần hình ảnh thì sao? Hình ảnh còn mạnh mẽ gấp ngàn lần ngôn từ?
Hình ảnh là điều quan trọng sống còn để độc giả hiểu Tòa Thánh, mà Twitter và Flick là những công cụ tuyệt vời để truyền thông hình ảnh.
Tôi hình dung các diễn đàn số đang giúp ông phát triển mạng lưới liên hệ của mình …
Chúng tôi dùng LinkedIn vừa là diễn đàn cho blog, vừa để phát triển mạng lưới kết nối rộng hơn. Không có gì là cách mạng đặc biệt, và tôi thấy ngày càng nhiều tòa đại sứ ở Tòa Thánh đã bắt đầu theo hướng này của chúng tôi. Việc này cần có nỗ lực, và nguồn lực, nhưng tôi nghĩ là đáng để làm. Toàn bộ đội ngũ ở đại sứ quán của tôi đều tham gia vào việc này.
Ngày nay, chúng ta bắt đầu nói về Ngoại giao số hóa hay eDiplomacy. Bộ Ngoại giao và Công ích đã có chiến lược cho việc này, và xác định nó là “giải quyết các vấn đề chính sách ngoại giao bằng cách sử dụng internet.” Liệu ông có thể cho chúng tôi biết đôi điều về khái niệm này được không?
Một vài ví dụ tôi có thể đưa ra là, Bộ Ngoại giao cập nhật các lời khuyên căn bản khi du lịch cũng như các thông tin về các cơn khủng hoảng cho công dân Anh thông qua các kênh số hóa, điều hành những kênh này, đặc biệt là trong trường hợp có khủng hoảng, khi truyền thông xã hội cho phép chúng tôi cung cấp thông tin cấp thời, và phản ứng kịp thời với các vấn đề lớn. Các đại sứ dùng truyền thông xã hội để giải thích công việc của họ, để tăng cường tác động của Vương quốc Anh, và chỉnh đốn thông tin khi cần thiết. Bộ Ngoại giao dùng các kênh số hóa để giúp hỗ trợ cho mục tiêu của các hội nghị, sự kiện và công du chính yếu, ví dụ như thể hiện sự liên kết hơn của chúng tôi với cộng đồng Do Thái ở Somali khi hướng đến hội nghị Somali được tổ chức ở Anh, hay theo sát hơn nữa về mặt số hóa khắp toàn cầu trong hội nghị mới đây về Chấm dứt Xâm phạm Tình dục ở Vùng Xung đột. Chúng tôi đã có bước tiến khi đưa các báo cáo về nhân quyền lên mạng, cho phép chúng tôi báo cáo thường xuyên hơn và đón nhận được các bình luận từ công chúng. Bộ Ngoại giao cũng chi ngân sách cho các dự án để cải thiện tự do trên mạng. Và năm ngoái, chúng tôi đã chủ trì một hội nghị lớn để thúc đẩy công tác toàn cầu về tương lai của không gian số.
Một hoạt động rất mạnh, và chúng tôi có thể xem đây là sự đóng góp của nhiều người, dự phần ở nhiều mức độ khác nhau, từ các công dân quan tâm cho đến các chuyên gia …
Đúng vậy. Internet cho chúng ta nhiều cách tiếp cận hữu hiệu – trực tiếp hoặc gián tiếp – với những ai quan tâm đến các vấn đề quốc tế lớn, và những người có ảnh hưởng trong các cuộc thảo luận then chốt. Bằng cách lắng nghe và theo sát họ, chúng tôi hiểu rõ hơn về những vấn đề này và về cách chúng tôi có thể góp phần giải quyết chúng. Chúng tôi cũng có thể đưa người dân tham dự trực tiếp hơn với các chính sách, ví dụ như lấy phản hồi đại chúng về các báo cáo cho vấn đề Nhân Quyền. Chúng tôi có thể vươn đến các chuyên gia ngành ở địa phương qua các diễn đàn như Twitter và LinkedIn để có được một cái nhìn khác hơn về tác động của (chẳng hạn như) thương mại, năng lượng, hay các vấn đề xã hội, đối với người dân ở các quốc gia khác biệt, khác nhau như thế nào. Và như tôi đã nói, chúng tôi cũng dùng internet để truyền thông chính sách tốt hơn, sao cho người dân có thể hiểu được vì sao chúng tôi làm thế và cách nào giúp giải quyết các vấn đề đó. Với tôi, câu hỏi chính đối với bất kỳ sở ngoại vụ nào, không phải là: chúng ta có cần số hóa? Câu hỏi cho đúng phải là: chúng ta có thể xoay xở được không nếu chúng ta không tham gia vào không gian số hóa? Với Vương quốc Anh, câu trả lời có vẻ là không.
Những lợi điểm chính mà ông cảm nhận được là gì? Ông thấy những vấn đề hay khía cạnh nào cần cải thiện?
Tôi nghĩ những lợi điểm chính là việc có thể vươn đến những người mà ngoại giao truyền thống không thể liên kết với họ (cũng là một thách thức, vì rõ ràng, việc dùng công nghệ số nghĩa là chúng tôi đã phơi mình cho một thế giới rộng lớn hơn “các hành lang quyền lực” khép kín một thời). Nó cho chúng ta một nhận thức khác hơn về các địa phương, con người, và vấn đề mà chúng ta phải đối diện. Khả năng để hướng các thông điệp của chúng ta chính xác hơn, từ đó truyền tải thông tin theo cách phù hợp hơn với những đối tượng khác nhau. Truyền thông hiện nay là con đường hai chiều: chúng ta vừa nghe vừa nói, điều này giúp chúng ta xem xét một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn các chính sách dành cho một số lớn các nhóm đa dạng khác nhau. Khả năng phản ứng nhanh hơn với các sự kiện thay đổi, đặc biệt là khi có khủng hoảng. Một lần nữa, đây vừa là khả thể vừa là thách thức.
Tôi cho rằng việc lắng nghe có tác động trên các hoạt động của Chính phủ Anh. Lắng nghe nghĩa là để tâm chú ý đến các mong muốn đòi hỏi thực sự …
Bằng cách lắng nghe, chúng tôi có thể cho các công dân Anh được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ và quản lý của chính phủ. Điều này đặc biệt hữu ích khi họ đang ở nước ngoài. Và nó cũng có nghĩa là chúng tôi cũng có thể dùng mạng lưới các sứ quán mở rộng toàn cầu và các phái đoàn khác, một cách thực sự bao quát. Ví dụ như, khi đội ngũ của chúng tôi ở Luân Đôn làm việc về vấn đề án tử hình, muốn gởi một thông điệp đến đại chúng đa hợp, thì họ biết rằng sứ quán của tôi có một lượng thính giả Công giáo rộng lớn. Và cùng lúc đó, qua các phái đoàn và những người theo dõi số hóa khác, họ có thể truyền đi thông điệp đó đến một cộng đồng hoàn toàn khác biệt. Có lẽ, bằng cách này, lần đầu tiên, khi sử dụng tốt công nghệ số hóa, hoạt động ngoại giao trở nên thực sự mang tính toàn cầu.
Tôi cho là không dễ để học một ngôn ngữ mới, hay quen với môi trường số hóa …
Đúng thật, đây là một thách thức. Bộ Ngoại giao là một tổ chức khổng lồ, và là nơi tiến triển và vận động nhanh, nên luôn có không gian để phát triển. Không bao giờ dễ khi muốn áp dụng một cách thức mới và cởi mở hơn để nói về công việc của mình, khi học một ngôn ngữ mới để phù hợp với diễn đàn đang dùng, hay để hiểu hơn cách để theo sát người dân thay vì chỉ đơn thuần phát đi các thông điệp. Nhận thức của tôi về nghề nghiệp của mình khi trở thành một nhà ngoại giao năm 1989 vẫn còn nguyên vẹn, nhưng công nghệ số hóa buộc chúng ta phải làm việc cách khác và phải phát triển các kỹ năng mới – sự bí mật và giới hạn của chiếc cặp ngoại giao đã không còn hợp thời nữa rồi! Chúng ta cần phát triển một tiếng nói riêng trên mạng internet vốn đầy dẫy ý kiến.
Và ông cần phải hiểu lúc nào cần viết, lúc nào cần im lặng …
Tất nhiên, chúng tôi phải hiểu lúc nào không nên viết. Viết ra rồi, thì ý kiến của bạn không xóa đi được, bút sa gà chết mà.
Tòa Thánh cũng có bước tiến số hóa mạnh mẽ và Đức Thánh Cha cũng hiện diện trên Twitter. Ông đánh giá việc này như thế nào?
Giáo hoàng Phanxicô đã thể hiện rõ trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng. Nếu giáo hội không thể truyền thông điệp của mình, thì Giáo hội hấp hối. Lẽ sống của Giáo hội gắn chặt với Phúc Âm, với Tin Mừng, tôi nhấn mạnh chữ “Tin” ở đây (tin tức, news). Giáo hội cũng phải vận dụng mạng lưới toàn cầu với vô số ngôn ngữ, văn hóa, tư tưởng và ý kiến. Một trong những vấn đề mấu chốt của Tòa Thánh trước vấn đề số hóa, là lời của Giáo hội, những lời này thường bị diễn giải, lọc bớt, đôi khi còn truyền đạt sai, vì truyền thông toàn cầu là tác nhân trung gian nhưng rõ ràng nó lại được lắng nghe nhiều hơn cả nguồn tin gốc. Dấn thân vào công nghệ số hóa cho phép Tòa Thánh truyền đi tiếng nói của mình cách trực tiếp hơn. Là đại sứ ở Tòa Thánh, việc có được những thông tin chưa bị sàng lọc, một cách nhanh chóng và súc tích, là điều vô giá với chúng tôi.
Ông suy nghĩ gì khi Đức Bênêđictô XVI quyết định hiện diện trên Twitter?
Tôi vui mừng vì thấy Tòa Thánh thử nghiệm trên Twitter, rõ ràng đây là một thành công. Các nhà phê bình cho rằng không thể truyền đạt các thông điệp phức tạp trong phạm vi 140 ký tự. Tôi nghĩ Đức Bênêđictô XVI, giáo hoàng Phanxicô hiện nay đã chứng minh nhận định trên là sai lầm. Trước hết, không cần phải phức tạp hóa quá mức thông điệp. Quy định khiến chúng ta gọt tỉa bớt những gì muốn nói sao cho căn thiết nhất, thật là đáng giá, mà hẳn Chúa Giêsu cũng sẽ rất thoải mái với quy định ngắn gọn của Twitter? Thứ hai, việc này thực sự đặc biệt. Vài ngôn ngữ, hàng triệu người theo dõi, và với tất cả những câu tweet được đăng lại, giáo hoàng có thể vươn đến 60 triệu người chỉ trong vòng vài giây. Chúng tôi rất vui khi giáo hoàng Phanxicô quyết định đăng trên Twitter sự ủng hộ của ngài dành cho các nỗ lực của chính phủ chúng tôi nhằm chấm dứt nạn xâm phạm tình dục ở các vùng xung đột, và câu tweet này có tác động lớn đến tất cả mọi người tận tâm, từ các chính quyền cho đến những người bảo vệ nhân quyền. Là nhà giáo dục lớn, giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhìn ra nhu cầu này. Là nhà truyền đạt lớn, giáo hoàng Phanxicô đã đưa nó vào một chiều kích mới. Và chắc chắn việc này sẽ được tiếp diễn. Không bao giờ đi lùi..
J.B. Thái Hòa dịch