Các tu sĩ Dòng Xitô đặt câu hỏi về chỗ đứng của Internet trong đời sống tu trì

566

Trong lần họp Tổng công nghị ở Axixi

la-croix.com, N.S., 25-9-2014

Trong lần họp Tổng công nghị ở Axixi, các tu sĩ Dòng Xitô đã nghe khảo luận của hai tu sĩ Dòng Salêsiên về chỗ đứng của Internet trong đời sống tu trì, nhất là đối với người trẻ và ý nghĩa của sự thinh lặng.

Nhân dịp họp Tổng công nghị của các tu sĩ Dòng Xitô tại Ý vào ngày 11-9 vừa qua ở Axixi, các tu sĩ đã nghe bài khảo luận của hai tu sĩ dòng Salêsiên Franco Lever và Fabio Pasqualetti, Viện trưởng danh dự và giáo sư phân khoa Khoa học Truyền thông của Đại học giáo hoàng, về chỗ đứng của Internet trong đời sống tu trì.

Đúng vậy, dù sống khép kín trong dòng tu, Internet cũng có những hệ quả vì một cộng đoàn tu trì buộc phải tiếp xúc với xã hội chung quanh.

Về việc thông tin trong dòng, hai diễn giả nhắc lại, dù “thông tin từ dòng hay từ cộng đoàn, người thông tin phải luôn giữ trong đầu đây không phải là một hành vi cá nhân, một hành vi riêng lẽ nhưng là hành vi của cộng đoàn”.

Chất lượng của thông tin liên nhân sự

“Thông tin của chúng tôi được lĩnh hội và được kiểm bởi các nhân vật có khả năng, trên căn bản là chứng nhân của cộng đoàn, của tinh thần cầu nguyện, của sự cam kết lo cho người nghèo nhất, người yếu nhất, theo mức sống của họ, theo cấu trúc nhà của họ (để ý đến môi sinh, tiêu thụ nhiệt lượng, chọn lựa kỹ thuật), các diễn giả giải thích. Tất cả đều nói lên về chúng tôi, không phải chỉ có những chữ.”

Nhưng ngay cả những người thuộc cộng đoàn chúng tôi cũng chịu ảnh hưởng của các trang mạng. “Trong cộng đoàn tu trì, chất lượng thông tin giữa người này người kia tùy thuộc vào việc có hay không có các quan hệ sâu đậm, tinh thần chú tâm đến nhau, lòng tôn trọng và tình bạn, hai tu sĩ giải thích. Đời sống cộng đoàn phải có sợi giây liên kết mạnh mẽ giữa các thành viên trong cộng đoàn với nhau, một sợi giây đến từ việc họ có cùng lý tưởng, cùng sống chung, cùng làm việc, cùng cầu nguyện chung với nhau… những việc này giúp cho họ biết cách làm sao để nói lên sự việc.”

“Nội tâm phong phú”

“Nội tâm phong phú” là điều cần thiết giúp cho mỗi tu sĩ “giữ  được kỷ luật khi họ làm việc với hệ thống truyền thông này” và tùy thuộc vào “khả năng thấm sâu trong đặc sủng Nhà  Dòng” của họ.

Ngày nay khi các người trẻ vào nhà dòng “họ là những người được sinh và lớn lên trong môi trường văn hóa bị quyền lực và tiền bạc thống trị, nên họ có những gương mẫu mà nền văn hóa của môi trường này đem lại cho họ, nhưng họ lại thường không hưởng được sự che chắn của các chuyên gia khác nhau trong việc xử lý các khủng hoảng (gia đình, trường học, nhà thờ…)”.

Trong hệ thống này, các người trẻ “xử dụng truyền thông như một cách sống còn, một loại trung gian, một loại mộc khiên khi họ phải tiếp xúc với thực tế, như thử họ muốn tạo một khoảng cách an toàn”, các người trẻ “nghĩ rằng mọi sự trong cuộc đời có thể có được qua đầu ngón tay khi họ bấm “clic”, tất cả đều dễ dàng trong tầm tay. Trong suốt tuổi vị thành niên, Internet giúp các người trẻ có một quan hệ ẩn danh và đó là một chiến thuật để họ tự cho mình đã biết được thực tế chung quanh”.

“Tái chiếm trí tưởng tượng của người trẻ”

Từ đó câu hỏi được đặt ra là: “Làm sao đào tạo đời sống tu trì cho những người đến từ “thế giới số”?

“Chúng ta có thể đặt câu hỏi một cách khác, hai giáo sư tu sĩ Lever và Pasqualetti trả lời: Chúng tôi sẽ làm gì để khơi dậy niềm khát khao đời sống tu trì nơi một người trẻ đã quen sống trong thế giới số? Theo cách nói “nghiên cứu thị trường” (marketing) người ta sẽ tìm xem đâu là đề xuất quyết định làm cho một người bỏ hệ thống cũ để đổi qua hệ thống mới? Theo thuật ngữ Tin Mừng, câu hỏi đó sẽ là: đâu là “hạt ngọc quý” mà người trẻ sẽ bán hết những gì mình có để mua?”

“Nhìn dưới góc cạnh này, phẩm chất tốt của đời sống con người và đời sống tu trì trong cộng đoàn đóng một vai trò chủ chốt”, hai giáo sư chỉ ra cho thấy, phải mời những người trẻ này làm một việc gọi là “bỏ thùng rác, giải chiếm thế giới tưởng tượng mà họ đã sống, đã thở, theo đó họ suy nghĩ, nếu không có những chuyện này thì họ sẽ không hạnh phúc”.

“Trong mạng thì không có thinh lặng”

“Một người trẻ lớn lên trong đầu với ý tưởng nếu không có những thứ xa xỉ (điện thoại thông minh, các iPod, iPad, máy vi tính…), nếu không nối mạng Internet thì họ không thể sống, người đó cũng có thể cố gắng đi tìm cho mình một ý nghĩa cho cuộc sống, bây giờ và ở đây, cho mình và với những người chung quanh mình mà không cần dùng liên tục các kỹ thuật số này. Họ sẽ có thể nhận ra họ là một tạo vật giữa các tạo vật khác, trong một thế giới kỳ diệu dù đó là thế giới sống với Chúa. Họ sẽ học để nhìn với một cái nhìn mới, với một chú tâm mới và cảm thấy mình sống đích thực, sống một cách hạnh phúc, cho dù họ chỉ có những vật dùng thiết yếu cho sứ vụ của mình.”

Để kết thúc hai linh mục nói đến vấn đề chủ yếu của Nhà Dòng là vấn đề thinh lặng. “Trong mạng Internet không có thinh lặng, họ nhấn mạnh. Đó là giòng chảy liên tục của mọi sự”.

“Thinh lặng là một cái gì lạ đối với người trẻ, họ không hiểu thinh lặng có ý nghĩa gì, họ cũng không thực hành. Thường thường họ tạo lên một khoảng không gian riêng (để cô lập mình với người khác), mang ống nghe trên tai, hoặc vặn tối đa âm thanh; họ thích nghe nhạc đinh tai nhức óc để đắm mình vào trong các rung động, để quên, để cuốn hút vào nhịp điệu… Đối với họ, thinh lặng là một cái gì họ chưa bao giờ biết. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không biết nắm bắt một cái gì mới, hiểu giá trị của nó và muốn nếm nó.”

Nguyễn Tùng Lâm dịch