Anta Akhi, một cộng đoàn làm thiện nguyện phục vụ người khuyết tật

164

Anta Akhi, một cộng đoàn làm thiện nguyện phục vụ người khuyết tật

fr.aleteia.org, Marie Chareton, 2017-02-28

Báo Aleteia đã gặp bà Roula Najem, giám đốc cơ quan Anta Akhi và cô Amélie Jacqmart, thiện nguyện viên.

Tổ chức Anta Akhi ở cách miền Đông-Bắc Beyrouth (Liban) 40 cây số, được bà Yvonne Chami thành lập là nơi những người lành mạnh và khuyết tật ở chung với nhau. Các thiện nguyện viên đến đây sống một thời gian, họ chia sẻ với những người khuyết tật một đoạn đường sống.

Bà Roula Najem là giám đốc, cô Amélie Jacqmart là thiện nguyện viên cùng chia sẻ kinh nghiệm làm thiện nguyện của họ với báo Aleteia.

Aleteia: Thưa bà Roula, vì sao tổ chức Anta Akhi đón nhận các thiện nguyện viên? Vai trò của họ trong căn nhà của bà là gì?

Roula Najem: Làm việc thiện nguyện là một trong các tiềm năng và nền tảng của gia đình Anta Akhi chúng tôi. “Thiện nguyện là sự hiện diện.” Không phải là cho cái gì, nhưng là cho chính mình.

Thiện nguyện viên là người không có tuổi, không có vùng nhưng trước hết là người có quả tim, họ có khả năng cho, khả năng yêu thương. Họ đến làm cho gia đình chúng tôi được rộng lớn hơn, mở rộng chân trời cho chúng tôi, làm phong phú cuộc sống chúng tôi, và cùng với chúng tôi, họ dựa vào nguồn suối thiêng có thể làm dịu cơn khát cho tâm hồn của họ. 

Bà muốn chia sẻ gì với các thiện nguyện viên của mình?

Anta Akhi, mọi người, dù lành mạnh hay khuyết tật, tất cả đều biết chỗ đứng của mình. Sự kiện mọi người sống chung làm cho họ hiểu, tất cả chúng ta đều khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Ở Anta Akhi, chúng tôi nói: “Bạn lớn lên qua sự hiện diện của tôi, cũng như tôi lớn lên nhờ sự hiện diện của bạn.”

Các thiện nguyện viên sẽ tự chất vấn qua niềm vui và sự bình tâm nơi những người khuyết tật. Thái độ này là hoa trái của việc tháp tùng mà họ nhận từ khi còn tuổi thơ ấu, chúng tôi gọi đó là sự “đào tạo hiện sinh”. Sự đào tạo này giúp họ trả lời các câu hỏi không thể tránh được như: Tôi là ai? Đời tôi dùng để làm gì? Đời tôi có đáng để sống với khuyết tật của tôi không? Dựa trên các giá trị và nền tảng là Lời Chúa, đó là trọng tâm sứ vụ của tổ chức Anta Akhi. Sự suy nghĩ hợp lý này được đề nghị cho từng người, lành mạnh hay khuyết tật để có một đường hướng cho cuộc đời và để sống hạnh phúc và làm cho người khác hạnh phúc.

Xin bà nói cho chúng tôi biết về nước Liban một chút…

Liban là một nước tuy nhỏ nhưng rất phong phú về mặt văn hóa, truyền thống, tôn giáo và Liban có một lịch sử sinh động từ 6000 năm nay. Người Liban chịu thử thách qua bao nhiêu năm bị chiến tranh, bị chiếm đóng. Nhưng chúng tôi tiếp tục hy vọng dù tình trạng địa chính trị rất khó khăn. Đức tin là bệ đỡ cho nước chúng tôi.

Amélie, cô đã làm thiện nguyện ở Anta Akhi được 6 tháng, xin cô kể cho chúng tôi nghe mẫu chuyện nào đã đánh động cô trong thời gian cô ở đây.

Tôi còn nhớ ngày tôi bắt đầu tiếp xúc với Mikael, một thanh niên trẻ bị khuyết tật. Tôi rụt rè nắm tay anh và dần gỡ các ngón tay co quắp của anh. Khi anh trả lời tôi bằng cách nắm nhẹ lại tay tôi, nhẹ đến mức gần như tôi không nhận ra, tôi có cảm tưởng như đang nghe nhịp của hai quả tim chúng tôi cùng đập. Điều đánh động tôi là chúng tôi không chọn để chịu cảnh khổ này, cảnh khổ kia, nhưng chúng tôi có chọn lựa là mang đến cho nó một ý nghĩa. Chúng tôi sống với cuộc sống đã dành cho chúng tôi.

Điều gì làm bạn chú ý nhất ở Liban?

Tôi yêu xứ sở này với những chuyện trái ngược và sức mạnh đáng phục của họ, cuộc sống bộc phát nhưng đôi khi lại rất hung bạo. Tôi mến lòng quảng đại và sự đón nhận của dân tộc Liban, niềm vui, các bài hát, các điệu nhảy, tinh thần gia đình, đức tin sinh động đầy trách nhiệm. Tâm hồn tôi bây giờ vẫn còn tràn đầy tình yêu tôi nhận được, tình yêu được chia sẻ mang ý nghĩa lại cho cuộc sống.

Marta An Nguyễn dịch