Chương 17 – Một trường học của ước muốn

310

Chương 17 – Một trường học của ước muốn

Trích sách: Cứ việc giễu các tu sĩ Dòng Tên, Hài hước và thiêng liêng, Nicolaas Sintobin, s.j. Nxb. Fidélité, Namur 2016

Hai tu sĩ Dòng Tên và Dòng Phan Sinh ngồi ăn chung với nhau. Tráng miệng là bánh ngọt. Có hai mẫu bánh, một mẫu lớn hẳn hơn mẫu kia.

Tu sĩ Dòng Tên lấy đầu tiên và lấy mẫu to nhất.

Tu sĩ Dòng Phan Sinh phản đối:

Thánh Phanxicô dạy chúng tôi luôn lấy phần nhỏ nhất.

Tu sĩ Dòng Tên trả lời liền:

-Thì đúng là anh đã nhận phần nhỏ!

«Hãy tự hỏi xem mình muốn gì.» Một cách hệ thống, khi vào giờ cầu nguyện, Thánh I-Nhã mời bạn nói lên những gì bạn mong muốn, những gì đang sống trong lòng bạn, điểm nào bạn đang ở trong lúc này. Ở đây không phải những gì bạn nghĩ mình phải ước muốn hay cảm nhận; cũng không phải những gì dáng lý mình phải muốn; cũng không phải những gì người khác nghĩ bạn phải muốn, dù những việc đó có thể quan trọng và có giá trị. Ở đây là những gì bạn muốn và cảm nhận thật sự trong giây phút này, dù điều này có vẻ như hơi lạ, dù đó có thể là chuyện «nói năng không đúng lý» hay dù động lực như thế nào, bạn không cảm thấy hãnh diện về chuyện đó.

Nó có thể đơn giản và cũng có thể không đơn giản. Đúng ra, thường thì bạn khó có ý thức rõ những gì mình muốn. Hoặc, vì tất cả mọi lý do, bạn không muốn thú nhận cái gì đang ở trong lòng mình, ngay cả với chính mình.

Vậy mà, tình yêu của Chúa chỉ có thể trọn vẹn đến với mình và biến đổi mình nếu mình sẵn sàng, nếu mình chuẩn bị dâng hiến mình cho Chúa và đứng trước mặt Chúa với con người thật của mình. Nếu bạn làm khác đi, dù với lý do gì, bạn cũng chỉ đến với Chúa với khuôn mặt biến dạng của bạn. Sự tăng trưởng cá nhân của bạn đòi hỏi bạn phải hiểu chính mình, trung thực và khiêm tốn.

Cầu xin là khó vì một lý do còn khác hơn. Quả vậy, bạn không thể vừa cầu xin vừa tự cho mình được. Nói một cách khác, cầu xin có nghĩa là một phần sự tự lập của bạn vượt khỏi bạn, bạn sẽ thấy mình lệ thuộc và bạn giao phó cho sự Quan Phòng không ngờ trước của Chúa. Quả vậy, cầu xin giả định bạn thừa nhận một người khác ngoài bạn đáp trả cho bạn. Dù người khác đó là Chúa, thì sự buông bỏ này cũng có thể làm mình khổ tâm. Vì mình thích kiểm soát mọi trạng huống.

Thánh I-Nhã mời gọi có một sự tự do nội tâm: tin tưởng vào những chỉ dẫn bạn có thể nhận khi cầu nguyện, nó có thể rất khác với những gì chính bạn đang chờ đợi, nó có thể mở ra cho bạn một con đường sống. Lời cầu xin không nhất thiết là lời cầu nguyện trẻ con, cho trẻ con hoặc cho mấy người già.

Đôi khi bạn không cảm thấy gì. Đôi khi bạn không thấy một ước muốn nào trong lòng. Không có gì ngoài sự trống rỗng, không có một tha thiết nào. Như thế có nghĩa là trong những giây phút này bạn không thể cầu nguyện sao? Vậy mà chính lúc này, bạn cần sự hỗ trợ và gần gũi với Chúa gấp đôi. Thánh I-Nhã chỉ dẫn ở đây một điểm tế nhị. Quả thật, có thể đơn giản là không có ước muốn ở đây. Nhưng lúc đó có thể mình xin để có một ước muốn. Và như Thánh I-Nhã khẳng định, ước muốn có ước muốn đã là một ước muốn. Bạn chỉ có thể khởi đi từ chỗ của bạn. Và ước muốn có ước muốn, dù nó mong manh và thầm kín thế nào, thì nó cũng có thể trở thành điểm khởi đầu mà từ đó bạn có thể hướng cuộc đời mình đi.

Để minh họa, đây là một câu trích của Thánh I-Nhã. Ngài khuyên bạn dám đặt lòng tin vào ơn của Chúa, dù gặp tất cả các lực đối nghịch.

Chỉ có một số ít người là ý thức được những gì Chúa sẽ làm với họ nếu họ đặt tin tưởng vào Ngài và để Ngài làm việc qua ơn sủng của Ngài. Một thân cây không có hình dáng gì sẽ không bao giờ tin mình sẽ trở thành một tác phẩm điêu khắc mà người ta xem đó là tuyệt tác của một bậc thầy. Nó sẽ không bao giờ muốn ở dưới nhát kéo của nhà điêu khắc, mà một cái liếc mất tài tình đã biết mình có thể làm gì với thân cây này. Rất nhiều người chúng ta biết, có những người cảm thấy khó khăn mình là kitô hữu. Họ không hiểu được, họ sẽ có thể là thánh, nếu họ để cho ơn Chúa nhào nặn họ, nếu họ không ngăn trở chương trình của Ngài, cự lại những gì Ngài muốn làm cho mình.

Marta An Nguyễn chuyển dịch