Giáo hội là nơi trú ẩn

343

Giáo hội là nơi trú ẩn

Ronald Rolheiser, 12 Tháng Mười Hai 2016

Là Kitô hữu, chúng ta mở rộng các nhà thờ của mình làm nơi trú ẩn cho người nghèo và người gặp khốn cảnh. Và chính đó là những lúc chúng ta Kitô hữu nhất. Chúng ta có một lịch sử lâu đời và đáng tự hào, khi các nạn dân, người vô gia cư, người nhập cư bị trục xuất, và những người đang gặp khốn cảnh, đến nương náu nơi nhà thờ của chúng ta. Nếu chúng ta tin vào những lời Chúa Giêsu nói về Ngày Phán xét trong chương 25 Phúc âm theo thánh Matthêu, thì chính đây là việc sẽ giúp chúng ta được đứng vững trước mặt Chúa trong ngày sau hết.

Đáng buồn thay, các nhà thờ của chúng ta không phải lúc nào cũng là một nơi trú ẩn như thế cho những người tị nạn, nhập cư và vô gia cư. Và lại có hàng triệu người đang tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn để xác định lại đức tin và mối liên hệ với giáo hội. Đáng buồn thay, thường thì những luận thuyết cứng ngắc về chính thống, giáo hội, đại kết, phụng vụ và bí tích, cũng như giáo luật, những thứ dù có ý định tốt nhưng đã khiến các nhà thờ của chúng ta không còn là những nơi trú ẩn cho những người như thế, và đồng thời như thế là chúng ta không noi theo gương Chúa Giêsu. Các nhà thờ của chúng ta thường chỉ là nơi trú ẩn cho những ai đã cảm thấy an toàn, thoải mái, cho những ai đã yêu mến giáo hội và có chỗ đứng trong giáo hội rồi.

Đây thật không thể là đường lối mục vụ của Chúa Giêsu. Ngài là nơi trú ẩn an toàn cho tất cả mọi người, dù có đạo hay không. Ngài không lờ đi những người tận tâm cho đạo quanh mình, nhưng mục vụ của Ngài luôn vươn ra và bao hàm tất cả những người hành đạo yếu ớt hay không theo đạo. Hơn nữa, Ngài đặc biệt vươn đến những người sống một cuộc đời không ăn khớp lắm với việc hành đạo thời đó, những người bị xem là tội lỗi. Và đặc biệt là khi ngồi cùng bàn với những người bị xem là tội lỗi, Ngài không yêu cầu họ sám hối. Ngài không đặt ra điều kiện đạo đức hay giáo luật nào mà họ buộc phải tuân theo để được gặp gỡ và dùng bữa với Ngài. Nhiều người sám hối sau khi gặp gỡ và dùng bữa với Ngài, nhưng sự sám hối đó không bao giờ phải theo một điều kiện nào cả. Trong con người và việc mục vụ của Chúa Giêsu, Ngài không kỳ thị ai. Ngài cho tất cả mọi người một nơi trú ẩn an toàn.

Ngày nay, chúng ta cần giáo hội phải thách thức chính mình về điều này. Từ các linh mục, hội đồng giáo xứ, đến các chức sắc giáo phận, các hội đồng giám mục, những người chịu trách nhiệm áp dụng giáo luật, cho đến những thái độ riêng của mỗi người, chúng ta đều cần phải tự vấn rằng: Giáo hội chúng ta có phải là một nơi trú ẩn cho những người tị nạn, vô gia cư, và nhất là những người nghèo? Các việc mục vụ của chúng ta có theo gương Chúa Giêsu không? Chúng ta có mở rộng vòng tay như Chúa Giêsu không?

Đây không phải là những ý tưởng nghe hay ho. Đây là Phúc âm mà chúng ta thường hay quên mất, dù là quên vì những lý do nghe thật chính đáng. Tôi còn nhớ một hội nghị giáo phận mà tôi từng tham gia cách đây 20 năm. Chúng tôi được chia thành từng nhóm nhỏ và mỗi nhóm nhận câu hỏi thế này: Trên tất cả, đâu là điều mà giáo hội cần phải nói với thế giới ngày nay?

Các nhóm nộp lại câu trả lời, và tất cả mọi người, mọi nhóm đều đưa ra ưu tiên hàng đầu của mình là giáo hội nên nói những lời thách thức về đạo đức và giáo hội với thế giới: Chúng ta cần phải thách thức thế giới về công lý! Chúng ta cần phải thách thức mọi người cầu nguyện hơn nữa! Chúng ta phải lên tiếng về tội lỗi Chúng ta cần phải thách thức mọi người về tầm quan trọng của việc đi lễ! Chúng ta cần ngăn chặn tội ác phá thai! Mọi gợi ý này đều tốt đẹp và quan trọng. Nhưng không một nhóm nào dám nói: Chúng ta cần phải an ủi thế giới!

Bản Messiah của Handel bắt đầu với những lời trích từ chương 40 sách Isaiah: “Hãy an ủi dân Ta, Chúa phán.” Và tôi tin đây chính là nhiệm vụ đầu tiên của tôn giáo. Rồi sau đó mới là thách thức. Một bà mẹ trước hết phải làm cho con mình thoải mái bằng cách bảo đảm tình yêu thương dành cho nó và xoa dịu những hỗn loạn của nó. Chỉ sau đó, khi có một nơi trú ẩn an toàn cho nó, bà mới có thể đưa ra những thách thức khó khăn để nó lớn lên qua đấu tranh theo bản năng.

Người ta luôn động lòng rất nhiều khi thấy mình có được điều gì đó. Trong giáo hội chúng ta ngày nay, chúng ta có thể phản đối rằng chúng ta đang bị nền văn hóa này đối xử bất công, nói rằng họ phán xét chúng ta một cách thù địch, hạn hẹp và giả nhân giả nghĩa. Chắc chắn có sự bất công, nhưng chúng ta phải có can đảm tự vấn lý do vì sao lại có nhận thức thế này trong giới hàn lâm, trong truyền thông và văn hóa đại chúng. Tại sao chúng ta không được xem là một “bệnh viện dã chiến” cho những người bị thương, theo ý của Đức Giáo hoàng Phanxicô?

Tại sao chúng ta không mở cánh cửa giáo hội rộng hơn nữa? Sự dè dặt của chúng ta do đâu mà ra? Do sợ mình đang quá hào phóng ơn Chúa sao? Hay sợ mình bị băng nhiễm từ xã hội này? Hay sợ tai tiếng?

Chúng ta phải tự hỏi xem, liệu mọi người, nhất là người trẻ và người bị xa lánh, họ có yêu mến giáo hội ngày nay hơn nếu như chúng ta được đại chúng xem là một nơi trú ẩn cho những người tìm kiếm, những người đang mơ hồ, người bị thương cả thể xác và tâm hồn, những người không tôn giáo, thay vì chỉ cho những người đã vững vàng trong đạo và những người đã đi xong con đường tìm kiếm lòng đạo rồi.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch