Olivier Mordefroid minh họa các câu tweet của Đức Giáo hoàng

333

Olivier Mordefroid minh họa các câu tweet của Đức Giáo hoàng

lavie.fr, Gwénola de Coutard ghi lại, 2017-01-25

Từ năm 2013, các câu tweet của Đức Phanxicô được minh họa và được đăng trên các trang mạng xã hội đã làm mới lại việc phúc âm hóa trên Net. Olivier Mordefroid, người thương gia kín đáo 42 tuổi là tác giả các hình vẽ này. Minh họa các câu tweet của Đức Giáo hoàng đã khơi dậy đức tin nơi ông.

Tháng 7 năm 2013, công ty phát triển các trang web mà tôi thành lập cách đây bảy năm phát triển tốt, thúc đẩy tôi tích cực hơn trên các trang mạng xã hội. Tôi thấy các câu mang Lời Chúa đôi khi gây tranh luận làm tôi chán ngán, nhưng cũng có những ý tưởng hay nhất là các câu của đạo tin lành. Cùng lúc đó, các câu tweet của Đức Phanxicô, vừa được bầu lên vài tháng, lại thành công vượt bực. Tính đơn giản và chiều sâu của nó làm tôi xúc động; trong vài hàng, lời của ngài chạm đến tâm hồn của nhiều người, với một ngôn ngữ hiện nay, đưa người đọc tự vấn về tương quan của mình với người khác, với cầu nguyện, với các bí tích, về tiến trình của họ trên con đường đức tin. Điều này làm tôi nhớ lại niềm khao khát đi tìm ý nghĩa cho công việc của mình, tôi nhớ đến dụ ngôn các nén bạc (Mt 25, 14-30), dụ ngôn như chất vấn riêng tôi, tôi làm gì với nén bạc của tôi.

Tôi đặt mình trong địa vị người khốn khổ phải đi giấu nén bạc và nghĩ, tôi sẽ là người ngu khi phạm lại lỗi lầm này! Tôi làm gì với tài năng của mình để cộng tác vào việc làm cho người khác biết Chúa? Lúc đó tôi nhớ lại kỷ niệm đau khổ, hệ quả của làm việc quá sức sáu năm trước đó trong một công ty. Một kinh nghiệm đau lòng, nhưng cũng cho tôi bài học, tôi phải xin Chúa giúp tôi biết sự thật.

“Lạy Chúa, xin cho con ơn biết khóc cho sự dửng dưng của con, cho sự độc ác có trên thế giới và trong lòng chúng con”. Câu tweet ngày 12 tháng 7-2013 là điểm ngoặc: tôi tưởng tượng ngay lập tức hình ảnh minh họa này, như nhiều người khác có thể đọc sau đó. Ngôn ngữ của Đức Phanxicô cực kỳ tượng hình, hoàn toàn phù hợp. Cũng tốt nếu những gì tôi hình dung mang tính chất của tờ quảng cáo ngân hàng hơn là hình ảnh đạo đức: tôi muốn nhấn mạnh vào sự lệch pha này để chất vấn, để đặt câu hỏi, để gặp người khác trong đời sống hàng ngày của họ. Vì thế tôi mở trang Facebook mang tên “Pontifex bằng hình”, một tài khoản Twitter và một trang web đi cùng. Từ đó, song song với công việc nghề nghiệp, tôi minh họa các câu tweet của giáo hoàng và đăng trên các trang mạng xã hội.

Sau đó bạn bè năn nỉ và tôi chấp nhận làm việc trên các chương trình công giáo khác. Trước đó tôi từ chối vì sợ sự thiếu tính cách nghề nghiệp nơi các tổ chức Giáo hội… Khi thành lập các trang net của các hiệp hội Fidesco và Lazare, tôi mới thấy ngược lại, một vài tổ chức thật sự đã có một chiến lược truyền thông để làm việc.

Đặt khả năng của mình để phục vụ việc phúc âm hóa cũng là công việc có truyền thống gia đình. Cha mẹ tôi ở trong số các thành viên đầu tiên của Cộng đoàn Emmanuel, một trong các đặc sủng của họ là rao giảng Phúc Âm. Khi tôi còn nhỏ, các mùa hè của tôi một phần là dành cho các khóa ở Paray-le-Monial (Saône- et-Loire). Tôi còn nhớ bầu khí huynh đệ vui vẻ ở đó, các bài hát trong “quyển sổ xanh” của Cộng đoàn Emmanuel theo gia đình tôi trong các chuyến xe du hành! Giai đoạn này mang lại cho đức tin của tôi một chiều kích sâu đậm về suy niệm và ca tụng. Khi tôi ở trong phong trào hướng đạo, biết bao nhiêu lần tôi kinh ngạc trước thiên nhiên! Đối với tôi, Thánh Phanxicô Axixi là một gương mẫu. Nếu tôi hướng về Chúa là Chúa Cha trong những lúc tôi gặp khó khăn lớn thì trong đời sống hàng ngày, tôi tín thác vào Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện, như một người bạn.

Dù vậy, ngoài cái bọc kén Cộng đoàn Emmanuel và hướng đạo, nói chuyện về đức tin với một cậu bé vị thành niên là tôi hồi đó thì cũng khá tế nhị! Tôi còn nhớ, tôi sống kinh nghiệm sâu đậm khi thêm sức, đó là lúc tôi ý thức về trách nhiệm “truyền giáo” của tôi, nhưng thật sự tôi không làm gì để tiếp tục, lại còn cẩn thận để đức tin qua một bên trong những năm tôi học kỹ sư về sinh lý-kỹ thuật. Cuộc gặp gỡ với Marie, vợ tương lai của tôi đã giúp tôi đặt lại thứ trật cho cuộc đời tôi. Chúng tôi lập gia đình năm 1997, chúng tôi cùng làm thiện nguyện viên trong Ngày Thế giới Trẻ ở Paris. Chúng tôi có năm đứa con, trong gia đình chúng tôi, đức tin công giáo đã và luôn chiếm một chỗ trọng tâm. Nhưng lúc đó, tôi sống đức tin này một cách rất nhạy cảm, thích ca tụng và xúc cảm hơn là một suy nghĩ sâu đậm…

Và… các câu tweet của Đức Phanxicô đã làm tôi suy nghĩ về ý nghĩa của Giáo hội và tầm quan trọng trong sự dấn thân làm việc cho giáo xứ. Qua công việc đồ họa của tôi, tôi mong các câu này sẽ làm lay động độc giả cả về mặt nghề nghiệp cũng như về mặt thiêng liêng, cũng như chúng đã lay động tôi. Từ hai năm nay, tôi được đào tạo về mặt thần học ở giáo phận. Tôi là người không bao giờ học hành chăm chỉ, nhưng bây giờ tôi say mê học các bài viết của các thánh lớn, của Công đồng Vatican II, các thông điệp… Theo tôi, quan trọng là nắm được truyền thống và sự giảng dạy của Huấn quyền. Tôi cũng lồng hình ảnh vào các bài tôi thích như thông điệp Niềm vui Tin Mừng và Thông điệp Chúc tụng Chúa (Evangelii gaudium, Amoris laetitia) của Đức Phanxicô, hoặc gần đây là thông điệp của các giám mục Trong thế giới thay đổi, tìm lại ý nghĩa của chính trị (Dans un monde qui change, retrouver le sens du politique)

Cuối cùng, với “Pontifex bằng hình ảnh” đã giúp tôi suy nghĩ lại, là người công giáo thái độ của tôi phải như thế nào, nhất là trên các trang mạng xã hội. Chúng ta không thể nào cứ mãi ăn miếng trả miếng, ngay cả khi trả lời với người có lời lẽ hung hăng, chúng ta cũng phải giữ thái độ ôn hòa. Phản ứng ăn miếng trả miếng bằng mọi giá, hoặc muốn làm lùm xùm sau màn hình đều đi ngược với tinh thần Phúc Âm. Những gì tôi viết hoặc nói có làm cho tâm hồn người khác được lớn lên không? Nó có mang đến chỉ dẫn để người khác khám phá được Chúa không? Đó là câu hỏi chúng ta phải đặt mỗi khi đăng bài. Gây sức ép và phúc âm hóa là hai chuyện khác nhau. Và cá nhân tôi, chính sự loan báo vui vẻ mà tôi cảm thấy mình được gọi để làm.

Câu tweet biểu tượng của Đức Giáo hoàng

“Giáo hội không lớn lên bằng đường lối chiêu dụ nhưng bằng ‘sức hấp dẫn’”. Câu tweet ngày 7 tháng 12-2016 này nói với tôi rất nhiều. Chiêu dụ là áp đặt lên người khác, bác bỏ những gì họ có. Phúc âm hóa thì ngược lại, là tìm cách đến với giáo dân nơi họ ở. Kitô hữu chúng ta không phải là người nắm sự thật, chúng ta là người phục vụ. Chúng ta không loan báo lời của mình, nhưng lời của Chúa. Chúng ta chỉ làm chứng cho niềm vui hành động của Ngài trên đời sống chúng ta, nhưng chính Ngài dùng chúng ta làm việc và chính Ngài hoán cải chúng ta.

Xin mời các bạn xem trang Facebook của ông Olivier Mordefroid:

Pontifex en images

Marta An Nguyễn chuyển dịch