“Xe thức ăn” cho Julien, người khuyết tật

161

la-croix.com, Élise Descamps (Metz), 2017-01-27

Julien Paglia, ở Metz bị liệt nửa người, trong vòng một năm anh đi tìm thầy tập sự để có chứng chỉ làm việc (CAP) mà không được. Thân phụ của anh đã dùng thì giờ hưu để làm một công việc… với thời gian có hạn định!

Julien, 26 tuổi, bị liệt nửa thân, anh xém không được vào chương trình tập sự để làm việc. Trong vòng một năm, anh tìm không ra một thầy để tập sự để làm việc ba ngày một tuần trong một xưởng trong vòng hai năm!

Anh Julien cho biết: “Việc đi tìm này khó cho mọi người, với người khuyết tật lại còn khó hơn, dù có chương trình “giúp cho các hãng xưởng thâu nhận nhân viên khuyết tật”. Sau bảy năm làm công nhân ở Cơ quan và dịch vụ công việc ở Metz, anh muốn thay đổi công việc, anh muốn làm một việc có nhiều cơ hội tiếp xúc hơn và nhất là làm với những người mạnh khỏe.

Đặc biệt cho người khuyết tật

Dứt khoát phải được! Thân phụ của anh là ông Jean-Marie vừa về hưu, trước các khó khăn của con mình, ông nén giận để tưởng tượng ra một chương trình táo bạo: tạo hãng riêng để thâu nhận con mình vào tập sự. Ông từng buôn bán, quản lý một hãng và đã từng đào tạo các người tập sự.

Nhờ Internet mà ông biết bây giờ có phong trào làm “xe bán thức ăn lưu động”. Thế là tháng 3 năm 2016, chiếc mini van “Chez Jules” bắt đầu lăn bánh trên các con đường của thành phố Metz và Lorraine.

Ở đây, thực đơn thích ứng với người khuyết tật. Ông cho biết: “Ở nhà Julien tập làm các món có thể làm được với một tay”. Chúng tôi mua panini ở một hãng trong vùng làm sẵn. Các “hộp pasta”  chỉ cần hâm nóng lại. Các loại bột nhào chỉ cần trộn và thêm nước vào giờ cuối. Mùa hè thì bán kem đã có sẵn trong hộp. Càphê thì đã đo dung lượng trước.

Mỗi bữa trưa có khoảng 20 khách hàng

Phải khéo léo để tiết kiệm, tránh lưu trữ sản phẩm tươi mà gia đình không thể tiêu thụ hết. Giữ quân bình chi tiêu không phải dễ dù người cha làm… không lương: phải làm sao để Julien có lương tối thiểu theo luật là 777 €. Và anh không được hưởng trợ cấp dành cho người khuyết tật trong thời gian này. Để trang bị dụng cụ, may thay hãng được các cơ quan và tập thể tặng 20 000 €.

Từ tháng 9 năm 2016, Julien chính thức là người tập việc, anh làm hai ngày một tuần ở trung tâm đào tạo ở Nancy, anh tự lái xe đến đây. Trong lúc đó thì thân phụ anh làm việc một mình. Mỗi ngày, vào buổi trưa, chiếc xe phục vụ cho khoảng 20 khách ở bãi đậu xe của một khách sạn trong vùng kỹ nghệ ở Ennery, và ba chiều một tuần, chiếc xe đậu ở chợ Maizières-lès-Metz. Khi về nhà, cả gia đình cùng rửa xe và chuẩn bị thức ăn cho ngày mai.

Một cuộc phiêu lưu chóng qua

Trong một tháng, chợ trời bán đồ cũ sẽ nhóm vào cuối tuần. Cha và con đã ghi tên dành chỗ bốn cuối tuần. Trong một cuộc gặp gỡ với những người lái xe mô-tô, họ có 250 khách hàng! Vì thế Julien được lên tinh thần và biết mình có tài… giao tiếp!

Julien vui vẻ thố lộ: “Khi tôi nghĩ trước đây tôi rất rụt rè mà bây giờ tôi có thể nói chuyện với người khác, tôi rất vui! Trong lớp học, chính tôi là người đến với các bạn, tôi cảm thấy thật hạnh phúc!”. Anh cười tươi, hãnh diện đứng ỏ chiếc rờ-mọc đỏ, quần jean xệ theo kiểu bây giờ. Sau thời gian khó khăn học hành và không triển nở được bao nhiêu, bây giờ anh nếm được một đời sống mới vui vẻ hơn.

Chiếc xe sẽ không kéo dài công việc của nó. Trong vòng 2 năm sắp tới, Julien sẽ kiếm một việc làm bình thường với điều kiện là anh không quá mê chiếc xe bán đồ ăn để tiếp tục phiêu lưu với một người bạn đồng hành mới.

Chiếc xe mini van bán thức ăn lưu động “Chez Jules” bắt đầu lăn bánh từ tháng 3 năm 2016 trong vùng Metz và Lorraine. / Chez Jules

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch