aleteia.org, Jules Germain, 2016-01-21
Triết gia và nhà chính trị học Larry Siedentop nhấn mạnh tầm quan trọng của tư tưởng kitô giáo trong sự khai mầm của chủ nghĩa tự do của phương tây: một sự tái khôi phục được mong đợi từ lâu nhưng từ nay đã được thiết lập vững chắc.
Như các bạn đồng nghiệp Tagesanzeiger của chúng tôi kể, nơi các nhà trí thức phương tây, nói xấu về kitô giáo thì mới hợp thời. Kitô giáo thường bị xem như một tôn giáo của quá khứ, không biết thích ứng với các đòi hỏi của xã hội hiện đại và làm cản trở cho sự tiến bộ. Và khi nói về kitô giáo thì họ nói theo kiểu hống hách đầy châm biếm: họ chỉ để ý đến những khoảnh tối của lịch sử kitô giáo và họ còn gán cho kitô giáo một vài thói quen tâm lý lạc hậu.
Đối với sự biến đổi lớn lao về mặt tri thức mà kitô giáo đã khởi động, thì rất hiếm khi các nhà ưu tú sáng suốt của xã hội quan tâm đến. Đó là thiếu sót đã được quyển sách mới của Larry Siedentop bổ túc, Sự phát minh của cá nhân. Tác giả phản bác lại thành kiến mà lịch sử Âu Châu thời Ánh sáng xây lên, nhưng thành kiến không cự lại được với các phân tích của triết gia.
Một tài liệu chứng minh tỉ mỉ
Như thế tác giả Siedentop muốn dẫn độc giả đến đâu? Nhà chính trị học Mỹ, giáo sư đại học Oxford, phân tích ảnh hưởng của tư tưởng kitô giáo về sự biến đổi nền văn minh phương tây từ 2000 năm nay. Một công trình đầy tham vọng! Tác giả mô tả tỉ mỉ với một ngôn ngữ vừa tầm tay qua những hàng lớn của sự tiến hóa này. Các đề tài ngoài đời như ký hợp đồng có từ thời Trung Cổ cũng được đề cập rất hấp dẫn và Larry Siedentop không bao giờ đi trệch đường.
Trong suốt lập luận của mình, tác giả bảo vệ chủ đề theo đó hiện tượng thế tục hóa của Âu Châu là sản phẩm của kitô giáo. Độc giả cũng tìm thấy nơi tác giả Mỹ này một trong những tư tưởng lớn của triết gia Pháp Marcel Gauchet. Theo Siedentrop, chính kitô giáo đã chuẩn bị tính hiện đại khi đặt cá nhân vào trọng tâm và khi khuyên phải có bình đẳng giữa con người với nhau, dù đó là tình yêu cho người anh em được dựng thành luật nền tảng cho sự tồn tại của con người hoặc đặt cao giá trị của luật vàng (không được làm cho người khác điều mà mình không muốn người khác làm cho mình…). Nhà luật học Gratien thế kỷ thứ 12 cũng đã viết: “Luật tự nhiên, như đã viết trong luật và trong Phúc Âm, buộc mỗi người phải đối xử với người khác như họ mong người khác đối xử với mình như vậy”.
Mầm mống của một thứ trật xã hội mới
Tác giả Larry Siedentop nhấn mạnh đến sự khác biệt lớn giữa khái niệm về con người và thế giới theo tinh thần kitô và theo tinh thần thời Cổ Đại: “Trọng tâm tư tưởng của thời Cổ Đại cho rằng có một sự bất bình đẳng tự nhiên giữa con người. Dù trong lãnh vực gia đình hay chính trị, ý tưởng có một sự bình đẳng phẩm cách giữa con người với nhau là hoàn toàn xa lạ”. Chính Thánh Phaolô là người đầu tiên đã xem như một định đề, sự bình đẳng của các tâm hồn trước mặt Chúa, dựa trên mạc khải của Chúa Kitô. Và chính tinh thần kitô giáo với sự lên tiếng để có tình thương cho người yếu, người nghèo đã gieo mầm cho một thứ trật mới của xã hội. Theo tác giả, trong lịch sử thế giới, “kitô giáo là yếu tố xã hội có ảnh hưởng quyết định nhất cho sự biến đổi căn tính con người qua bao nhiêu thế kỷ”.
Chẳng hạn, phải nhớ lại trước khi có bậc sống độc thân cho các phụ nữ tận hiến, thì không có chuyện phụ nữ có được một đời sống độc lập ngoài khuôn khổ gia đình truyền thống. Chính kitô giáo đã cho phép có một khuôn mẫu phụ nữ như thế này xuất hiện – bề trên nữ của các tu viện lớn, các nữ thánh, các bà hoàng – và sự khẳng định của các nhân vật có cá tính mạnh như thánh nữ Hildegarde de Bingen, thánh nữ Catarina đệ Siênna hay thánh Giăng Đắc. Kitô giáo đóng vai trò phát động cho sự cổ động phẩm cách của phụ nữ trong lịch sử nhân loại.
Bác bỏ chứng cứ của học thuyết mác-xít
Theo Siedentop, như thế, tư tưởng kitô giáo không phải chỉ thuần thích ứng với chủ nghĩa tự do ở phương tây: chính nó làm cho chủ nghĩa này có thể thực hiện được. Chính vì lý do đó mà sự thế tục hóa và chính tính cách thế tục có nguồn gốc tôn giáo sâu đậm. “Các khái niệm đạo đức theo tinh thần kitô giáo cấu thành các lý do thật cho sự biến đổi xã hội đã làm cho Phương Tây là Phương Tây như bây giờ”, tác giả Siedentop giải thích. Theo ông, chúng ta không thể nào hiểu đúng các vấn đề mà bây giờ chúng ta đang đối diện, nếu chúng ta không bỏ đi tư tưởng xưa cũ là có sự đối kháng giữa kitô giáo và thế tục.
Tác giả Larry Siedentop chứng minh, lý tưởng của sự bình đẳng và tình yêu cho người anh em có thể là khuôn mẫu cho một xã hội trên đường dài và làm nảy sinh ra các giá trị không bị kinh tế khuất phục và không thể giải thích bằng kinh tế. Một vài người không đồng ý với tác giả, cho rằng tác giả đã quá nhấn mạnh đến tầm mức giải phóng của kitô giáo mà không không nhấn mạnh đến sức mạnh làm men cho sự trao truyền và cho ký ức của kitô giáo. Nhưng khi đi ngược với các tư tưởng thống trị có sẵn, cũng như các rút ngắn, các thành kiến vô căn cứ, tác giả Larry Siedentop cho thấy một tầm nhìn đúng hơn, trung thành hơn với những gì kitô giáo đưa ra cho xã hội hiện đại.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Thích điều này:
Thích Đang tải...