Tinh thần và thể xác bị nghẽn

229

Trích sách: “Vượt qua chứng trầm cảm. Các xung động thiêng liêng”. Tác giả: Anselm Grün

Người bị trầm cảm thường cảm thấy mình bị xích tay, xích chân, bị kẹt trong các động tác của mình. Họ có cảm tưởng như đeo cục chì ở chân. Cách đi đứng của họ chậm, ánh nhìn cố định, theo giáo sư bác sĩ tâm thần Daniel Hell thì họ bị một loại “nghẽn toàn bộ”. Họ biết nhúc nhích sẽ tốt cho họ, nhưng đối với họ, đi ra khỏi giường là cả một khó khăn, đi ra khỏi nhà lại còn khó khăn hơn nữa. Hai chân của họ nặng như khối đá và họ không cách nào nhấc khỏi trọng lực này. Sự chậm chạp các động tác thường là dấu hiệu đầu tiên của chứng trầm cảm. Quan sát họ, người ta có cảm tưởng như cái gì nơi họ cũng khó khăn, ngay cả đi đứng cũng là cả một cố gắng.

Người bị trầm cảm thường có mặc cảm tội lỗi, họ nghĩ đời họ vứt đi, họ thất bại tất cả. Thậm chí họ có mặc cảm vì đã sống, họ thấy cần phải xin lỗi người khác không ngừng vì đã làm cho đời của những người này thêm rắc rối. Nhưng sự tự trách này lại không làm cho họ thay đổi thái độ. Người thân của họ rất quan tâm đến họ, nhưng những người này thường có cảm giác mình chỉ làm trái ý họ. Người bị suy thoái tinh thần cảm thấy tội lỗi vì không gượng dậy được, tự cho mình như một người thất bại vì không làm chủ được đời mình, tự cho mình không có đức tin đủ sâu vì đã cầu nguyện, đã đọc Thánh Kinh, đã đi lễ mà vẫn không hết bệnh. Họ nghĩ, nếu mình tin ở Chúa hơn thì mình sẽ có thể vượt qua được cơn bệnh. Tất cả những cảm nhận tội lỗi sâu đậm và lệch lạc này đều là dấu chỉ quan trọng của căn bệnh trầm cảm. Nhưng đôi khi nó cũng cho thấy sự từ chối không nắm lấy đời mình trong tay của người bệnh: họ tự trách mình đã không đối diện được với các lời chỉ trích bên ngoài và vì thế họ dùng mặc cảm tội lỗi như tường thành để bảo vệ mình.

Nhà tâm thần học người Đức Emil Kraepelin, người hành nghề vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, người có công rất nhiều trong các tiến triển quan trọng của ngành tâm thần nói đến các “ý tưởng hoang tưởng” hoặc “ám ảnh bởi tội”. Trong tình trạng suy thoái tinh thần, người bị trầm cảm có đức tin sâu đậm thường có khuynh hướng đảo lộn các tư tưởng này. Họ nghĩ mình giống như người “phạm thượng đến Thánh Thần” trong Phúc Âm Thánh Máccô (Mc 3: 28) và họ không còn đọc Thánh Kinh được nữa, họ luôn bị đụng với các chứng tá về tội, về án phạt và về hỏa ngục. Họ đọc những đoạn này với hậu ý về các tội riêng của mình, và tự cho mình là người có nhiều tội, mọi chuyện đã thất bại và họ đáng xuống hỏa ngục. Một nhân viên ngân hàng đến gặp tôi, anh nói, anh không dám mở quyển Thánh Kinh. Anh nghĩ mình bị nguyền rủa, vì anh không theo ý Chúa, anh thường ích kỷ, hung hăng và có những hoang tưởng về tình dục. Tôi không thể giúp anh với những lập luận thần học. Cái nhìn của anh về Thánh Kinh chỉ là dấu hiệu của một tình trạng suy thoái tinh thần đang chế ngự anh. Thay vì giải thích anh phải đối diện với mặc cảm tội lỗi giả tưởng thì phải làm cho anh biết căn bệnh của mình và chấp nhận nó để chữa trị nó.

Hai khía cạnh của tình trạng trầm cảm – cảm thấy mình tội lỗi và đi đứng chậm chạp – xuất hiện trong đọan Phúc Âm Thánh Máccô (2: 1-12) về người bị liệt được chữa lành. Không đi đứng được, người bệnh lệ thuộc vào người chung quanh. Bốn người khiêng chõng  đưa ông đến gặp Chúa Giêsu. Trong khi người bại liệt bị “bất động” trong các cử động của mình thì những người khiêng chõng rất năng động. Câu chuyện kể: đám đông chen chúc nhau trong căn nhà Chúa Giêsu đến thăm làm cho bốn người khiêng chõng không thể nào đến gần Chúa được. Lúc đó họ lên mái nhà, dỡ mái ngay chỗ Chúa Giêsu ngồi, làm thành một lỗ hổng rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Chủ nhà hẳn phải tốn phí, cũng như những người đến nghe Chúa giảng hẳn thấy tự nhiên có bụi rớt xuống và thấy mình bị làm phiền. Thánh Kinh mô tả ở đây một hình ảnh rất sống động, một người bị trầm cảm tạo cả một chấn động chung quanh ông: bệnh của ông lan ra như một đám mây bụi cho những người chung quanh, làm họ phải ho để khỏi bị lây; thường thường họ không còn cảm nhận các trạng thái trầm cảm qua làn bụi này và cũng không thấy rõ cái gì đang tác động.

Chúng ta chờ Chúa Giêsu chữa người bị bại để ông có thể đi được. Nhưng Chúa Giêsu lại phản ứng một cách khác. Ngài nói đến lỗi và đến mặc cảm tội lỗi: “Này con, con đã được tha tội rồi (Mc 2, 5). Dù có nhiều phương tiện, thuốc men và ngành trị liệu về ứng xử, nhưng các phương tiện này, một mình chúng, cũng không chữa lành được bệnh suy thoái tinh thần. Sự chữa lành chỉ can thiệp được trong tận sâu thẳm tâm hồn nếu người bệnh loại bỏ được mặc cảm tội lỗi, họ ngưng cảm thấy mình tội lỗi vì bệnh của một người bạn, vì bệnh ung thư của người phối ngẫu, vì nhồi máu cơ tim của người cha. Một phụ nữ bị trầm cảm kể cho tôi nghe, bà bị mặc cảm vì chồng bà không có khả năng trả nợ. Khi tôi xin bà giải thích, bà nói, với chứng bệnh trầm cảm của mình, bà cảm thấy mình là gánh nặng của chồng, làm cho chồng mắc nợ, bà cảm thấy một bầu khí nặng nề và tiêu cực chế ngự, và rồi cuối cùng dẫn đến sự phá sản của chồng bà.

Trong đoạn Phúc Âm Thánh Máccô, rõ ràng Chúa Giêsu hiểu căn bệnh bại liệt. Vì thế Ngài bắt đầu bằng cách nêu ra các mặc cảm tội lỗi và tha thứ cho ông. Ngài không đòi hỏi ông phải bỏ hết mặc cảm này, điều này vượt quá sức của ông. Nhưng Ngài dùng quyền năng của mình để tha thứ và nói với người bệnh: “Con vẫn là con. Chúa chấp nhận con với căn bệnh trầm cảm của con. Chúa tha tội cho con, vậy bây giờ, con phải tha tội cho con. Con đừng xoay vòng vòng chung quanh mặc cảm tội lỗi của con!” Nhưng rất nhiều người trầm cảm không tin vào ơn tha thứ, họ nghĩ tội của họ không thể tha được, họ nghĩ họ có tội chống Thần Khí. Họ nghĩ họ: “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời!” (Mc 3, 28). Họ lầm, vì khi nói những lời này, Chúa Giêsu muốn nhắm đến những người pharisêu vì họ không nghe Lời Chúa, họ cho rằng Chúa bị thần ô uế ám. Nhưng những người trầm cảm thấy mọi lời chỉ trích như ngắm riêng đến mình, không kể đến thực sự là lời đó như thế nào.

Để vượt lên sự chống cự lại với ơn tha thứ và các mặc cảm tội lỗi của mình, người bị trầm cảm cần một nghi thức. Có thể là đi xưng tội, bí tích hòa giải có thể giúp họ tự tha thứ cho chính mình, nhưng vì họ không ngừng tự nhận lỗi nên có thể họ sẽ lạm dụng nó; hoặc họ quên những gì họ vừa xưng vào lần cuối, họ nghĩ nó không có hiệu lực, họ không thể đi ra khỏi cái vòng luẩn quẩn, họ cứ quay vòng vòng trong mặc cảm tội lỗi của mình. Những người bị ý tưởng tội lỗi ám ảnh, như người bị bại liệt trong Thánh Kinh, họ đi hết linh mục này đến linh mục khác để xưng tội của mình.

Chỉ sau khi tha tội cho người bị bại liệt, Chúa Giêsu mới chú ý đến các triệu chứng. Bước đầu, Ngài đến với người bệnh. Bước thứ nhì, Ngài nói ông đứng dậy, vác chõng và đi về nhà. Ngài không dùng lòng tội nghiệp để cư xử với ông, Ngài ra lệnh. Và lời của Ngài có uy lực, làm cho người bị liệt tiếp cận với chính sức mạnh của mình. Chúa Giêsu không để cho người bị liệt có cơ hội nào để trì trệ trong sự than vãn của mình. Ngài đơn giản ra lệnh ông đứng dậy, và lời của Ngài rất rõ ràng, dứt khoát, người bệnh không có lựa chọn nào khác: ông đứng dậy. Đôi khi lại là tốt khi không cần phải tìm cho được lý do bị trầm cảm hay các cảm nhận nhốt chặt mình lại. Chỉ cần một lời để cắt cái vòng luẩn quẩn, để kêu gọi hành động.

Nhưng theo tôi, có một chuyện khác cũng quan trọng trong lời của Chúa Giêsu. Người bệnh phải vác chõng về nhà mình. Chõng tượng trưng cho chứng trầm cảm, chứng trầm cảm vẫn tiếp tục đi theo họ, nhưng họ không còn dính chặt vào cái giường. Họ sẽ nói vâng với cuộc sống và dù bị bệnh, họ ‘vác’ căn bệnh này trên vai, đối xử với nó với tình thương, nhưng không để nó khống chế mình.

Chúa Giêsu yêu cầu người bệnh về nhà mình, trong căn nhà của ông, nơi ông ở, nơi ông có thể là chính con người thật của mình. Ông cần khoảng không gian được bảo vệ này, người bị trầm cảm thường thấy mình xa lạ với chính mình, cảm thấy không có gì là của mình, vừa bồn chồn vừa tê liệt. Bị dằng xé bên này bên kia, họ không nghỉ yên. Khi Chúa nói người bại liệt về với ông, trong nhà ông, nơi ông ở. Chúa ra lệnh cho ông phải là chính ông, mang lấy căn bệnh của mình, cho nó có một chỗ, cùng ở chung với nó. Làm như vậy, nó không còn thống trị mình. Thánh Máccô nói rất ngắn gọn việc chữa lành, nhưng một cách rất hàm súc. “Và ông đứng dậy, lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người” (Me 2, 12). Ông đi về nhà mình, không tỏ niềm vui của mình bằng cách vừa đi vừa nhảy, ông đi con đường của ông, con đường dẫn ông về nhà, nơi ở của mình. Và vì ông đã tìm lại được chính mình, ông có thể đi tới đàng trước dưới mắt mọi người.

Chúng ta cũng có thể dùng hai giai đoạn chữa trị của Chúa Giêsu cho tiếp cận về mặt thiêng liêng trong việc chữa chứng trầm cảm. Giai đoạn đầu là tin Chúa chấp nhận con người thật của mình, ngài muốn mình là mình. Khi sự chấp nhận này đã cắm sâu đủ trong lòng, thì tôi mới rũ bỏ được mặc cảm tội lỗi, kể cả mặc cảm mình sống, giải thoát khỏi áp lực mình phải trả lỗi này để cứ bị tổn sức mãi. Ơn tha thứ của Chúa chỉ có hiệu lực khi chính tôi phải tha cho tôi. Tôi chỉ có thể tin được Chúa tha thứ nếu tôi ngưng không tự trách mình đã làm chuyện này, chuyện kia.Các tu sĩ của những thế kỷ đầu tiên có cuộc sống khổ hạnh và chiêm niệm trong sa mạc, họ cho chúng ta lời khuyên, mà nói theo người bây giờ là: cái gì đã qua là đã qua. Chúa đã tha thứ cho bạn. Bây giờ đến lượt bạn, bạn đừng tự tra tấn mình nữa, đừng hỏi vì sao mình đã làm như vậy. Đừng quay vòng vòng, chuyện đã qua là đã qua và phải chôn nó. Và đừng dùng mặc cảm tội lỗi để bào chữa cho việc mình không chịu đứng dậy.

Giai đoạn thứ nhì là lay động mình, nắm lấy mình, vực mình dậy khỏi chứng trầm cảm, để có thể tiếp tục đi con đường của mình với Chúa, cho đến khi về nhà, về nơi mình ở, về với chính mình. Nếu buổi sáng tôi không dậy được vì cảm thấy tay chân tê cứng nặng nề, tôi nhắc lại câu sẽ giúp tôi trong lúc này: “Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” lệnh này của Chúa Giêsu cũng là lệnh của bác sĩ nội tâm của tôi, nội tâm lành mạnh mà tôi có trong lòng. Lặp lại câu này, tôi sẽ ngưng dậm chân nơi các yếu đuối của tôi; nó sẽ làm cho tôi đến được với sức mạnh bị che giấu, và tôi sẽ đứng dậy, đi con đường của tôi, con đường dẫn tôi đến sự sống, “ở trong tôi”. Khi đi qua chứng trầm cảm, thường nó như chiếc voan che tâm hồn tôi, tôi sẽ đến được tận thâm sâu đáy lòng tôi, nơi tôi được nguyên vẹn, nơi căn bệnh không đến đó được. Tôi không được đơn giản nằm chờ rồi cơn bệnh trầm cảm sẽ qua đi. Ngược lại, tôi phải dám đứng dậy, với các yếu đuối của tôi, vác cơn bệnh lên vai, và cùng với nó, xa dần dần những người săn sóc tôi ngày đêm, để tôi có thể là chính tôi, và từ đó, từ cốt lõi nội tâm tôi, tôi có thể đi đến sự sống.

Chúng ta cũng có thể có một ý nghĩa khác cho việc đứng dậy và đi. Bác sĩ ngày xưa đã phát triển một lối sống gọi là tiết thực, có nghĩa là giữ quân bình giữa hoạt động và nghỉ ngơi. Một chuyên gia trị liệu săn sóc các linh mục kể với tôi, ông gặp nhiều cha tuyên úy thiếu vận động, họ bị trầm cảm. Phải làm bất cứ môn thể thao nào, đi bộ, leo núi, chạy bộ.  Nếu mình ra sức tập, nếu mình vã mồ hôi, nếu mình thở sâu hơn, mình sẽ không bị suy thoái tinh thần. Những người bị trầm cảm thường thở yếu. Ra ngoài hít thở khí trời, vận động nhiều sẽ rất tốt cho những người bị trầm cảm. Họ biết những chuyện này là tốt nhưng họ không đủ sức nhúc nhích. Trong trường hợp này, họ phải lặp đi lặp lại lời Chúa: “Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!”, và họ sẽ thấy họ làm được.

Marta An Nguyễn chuyển dịch

crocus-1