Chiến tranh

315

Trích sách: Bênêđictô XVI, Những buổi nói chuyện cuối cùng với Peter Seewald, Nxb. Fayard.

Cha vào tiểu chủng viện vào dịp lễ Phục Sinh năm 1939. Thế chiến thứ nhì bùng nổ vài tháng sau đó. Cha còn giữ kỷ niệm nào vào tháng 9 năm 1939 khi chiến tranh bắt đầu không?

Có, cha còn nhớ rất rõ, vì sau khi tuyên bố chiến tranh thì chủng viện biến thành bệnh viện quân đội. Như thế chủng sinh phải học ở nhà. Với cơn khủng hoảng nước Áo, người dân đã chò chiến tranh từ năm 1938. Cha còn nhớ, Hitler đã tuyên bố, cha không còn nhớ giờ nào, nhưng ông đã tuyên bố: “Một quả bom dội xuống chúng tôi, chúng tôi sẽ trả bằng một quả bom khác”.

Trong thời kỳ chiến tranh, cha của cha đến các nông trại chung quanh để xin thực phẩm.

Ông không giấu chuyện này. Chúng tôi biết ở nhà các nông dân, mình hy vọng có một cái gì.

Học sinh công giáo ở Traunstein bị phong trào Thanh niên Hitler đe dọa, họ phải ở dưới hai làn tuyến của các thanh niên cuồng tín. Đã có những áp bức chống chủng viện địa phận. Còn nhỏ, bị nazi đe dọa, cha có sợ lắm không?

Có chứ. Trong lớp cha may phước không có một thanh niên nazi nào. Như vậy chúng tôi không sợ bị tố cáo. Nhưng trong chung chung thì bầu khí rất nặng nề. Cha biết về lâu về dài, Giáo hội sẽ xem như biến mất. Sẽ không còn hàng giáo sĩ. Tình trạng thấy rõ trước mắt: chúng tôi biết mình không có tương lai trong xã hội này. Đối với cá nhân cha, viễn cảnh trở nên đen tối hơn khi môn thể dục thể thao trở thành môn bắt buộc ở Abitur và khi mình không giỏi môn này, thì mình không được thi. Nhưng cùng một lúc, chúng tôi tuyệt đối tin chắc chế độ nazi sẽ không kéo dài lâu. Cha của cha chắc chắn điều này. Chúng tôi nghĩ chiến tranh sẽ chấm dứt nhanh vì chúng tôi tin chắc, nước Pháp, nước Anh mạnh hơn nazi. Vì thế chúng tôi hy vọng nó không kéo dài mãi mãi. Dù vậy nó cũng không làm cha yên lòng vì sợ, vì áp bức. Thêm nữa, khi có các bạn đầu tiên bị chết, thì chúng tôi hiểu có ngày sẽ đến lượt mình, vì thế tâm trạng lại còn bị đè nặng hơn.

Gia đình của cha có biết có các trại tập trung không và có nói về nó không?

Chúng tôi có biết trại tập trung Dachau. Trại này mở ngay sau khi Hitler “lên nắm chính quyền”. Khi chúng tôi nghe có ai bị gởi đến Dachau, chúng tôi kinh hãi. Cha của cha là độc giả báo Der Gerade Weg của Gerlich (người sáng lập báo Der Gerade Weg và là một trong các ký giả chống chủ nghĩa xã hội-quốc gia). Ông biết Gerlich đã bị giết hay đã bị hành quyết ở Dachau. Chúng tôi ý thức đã có một cái gì khủng khiếp xảy ra. Ngược lại, vấn đề người Do Thái không thật sự là vấn đề ở nhà chúng tôi, vì không có một người Do Thái nào ở Aschau hay ở Traunstein. Nhưng cũng có một thương gia Do Thái buôn gỗ ở Traunstein, khi cửa sổ nhà ông bị đập vỡ thì ngay ngày hôm sau ông ra đi.

Riêng gia đình cha, chúng tôi không quen người Do Thái. Tuy nhiên khi cần mua vải, cha của cha mua ở hãng Augsbourg, chủ tiệm là người Do Thái. Khi người nazi đến đuổi ông đi và khi người chủ mới quảng cáo sẽ tiếp tục như trước, cha của cha nói: “Tôi sẽ không làm ăn với người đã lấy một cái gì của người khác.” Cha của cha không mua gì ở công ty này.

Khi nào thì cha biết, gia đình cha và cha, có các lò hơi ngạt ở Auschwitz và ở những nơi khác và có các vụ thảm sát người Do Thái?

Chúng tôi nghe tin tức của các đài nước ngoài, chúng tôi nghe kỹ nhưng không nghe nói đến lò hơi ngạt. Chúng tôi biết chắc chắn người Do Thái bị bách hại, bị đưa vào trại tập trung, và phải sợ chuyện xấu nhất xảy ra, nhưng một cách cụ thể thì cha chỉ biết sau chiến tranh.

Và gia đình nói gì về chuyện này?

Có, dĩ nhiên. Cha của cha luôn xem Hitler là tội phạm, nhưng ở đây là cả một chiều kích khác, một chiều kích không hình dung được cho thấy những gì đã xảy ra dưới một ngày còn khủng khiếp hơn nữa.

Cha rời Đội Phòng Không (DCA) ngày 10 tháng 9-1944 và cha bị gởi đến Burgenland để phục vụ cho Đế quốc Đức. Cha có nói chuyện này trong các kỷ niệm của cha. Chính xác là ở nơi nào?

Ở Deutsch Jahrndorf, giữa biên giới của Slovaquia, Hongria và nước Áo, sát gần bên Presbourgi. Từ nơi đó, chúng tôi có thể thấy thị trấn Presbourg, có nghĩa là Bratislava. Biên giới Hongria ở sát ngay đó. Chúng tôi đi hái ớt ngọt. Chúng tôi ở trong những lán bằng gỗ thô sơ, năm hoặc sáu lán. Chúng tôi chia nhau theo lớn nhỏ. Người cao lớn thì ở lán số một, cha ở lán số bốn hoặc số năm. Vào thời đó, người ta không cao lớn như thời bây giờ, cha thuộc tạng trung bình. Có khoảng mười lăm người một lán và chúng tôi ngủ trên những chiếc giường chồng.

Mỗi ngày cha phải rời trại để đi xây một “tường thành ở phía nam-đông”.

Mười lăm ngày đầu, có thể là ba tuần đầu, chúng tôi chẳng làm gì khác hơn là tập. Rồi chiến tranh đến gần. Sáng sớm phải đi tìm một chiếc xe đạp trong hàng đống xe. Phải tìm nhanh nhất có thể. Đôi khi xui mình lấy phải cái xấu. Rồi chúng tôi đạp xe đến chỗ làm, nơi phải đào đất.

Với các cuốc mà cha đã nói.

Cha là người đào đất dở nhất. Một vài bạn con nông dân, họ đào rất giỏi. Cha phải thú nhận là “Hitler” không được lợi lộc gì ở cha hơn.

Vào khoảng giữa tháng 12 năm 1944, cha quay về Traunstein để tiếp tục huấn luyện quân sự. Một trong các bạn của cha kể, người ta bắt cha phải đi bộ bốn mươi cây số với mặt nạ bằng ga. Một vài người không chịu nổi, cha chịu đựng được.

Bốn mươi cây số thì quá, theo cha thì khoảng ba mươi. Chúng tôi mang mặt nạ bằng ga, đúng, nhưng chúng tôi không dùng nó. Cha luôn đi bộ giỏi vì cha đi bộ đến trường từ Hufschlag đến Traunstein.

Từ giữa tháng 1 năm 1945, khi đó cha mười sáu tuổi, cha không ngừng thuyên chuyển giữa hai nơi khác nhau trong vùng Traunstein. Vào đầu tháng hai thì cha được miễn. Cha bị gì lúc đó?

Không có gì nặng. Cha bị sưng một ngón tay. Ngón cái bị mưng mủ nặng và cha rất đau. Bác sĩ, đúng hơn là bác sĩ thú y chứ không phải bác sĩ chữa cho người (cha cười) rạch mủ mà không có thuốc mê. Ông không nên làm vậy và ngón tay của cha không lành. Có thể ông làm vậy là có ý tốt cho cha. Dù sao thì cha cũng được miễn quân dịch.

Cha không bao giờ tham dự vào các cuộc giao tranh. Cuối tháng tư đầu tháng năm, cha kể trong các kỷ niệm của cha, cha “quyết định về nhà”. Thực tế, đây là chuyện đào ngũ, một hành động có thể bị lên án tử hình. Cha không biết sao?

Đây là câu hỏi sau này cha mới đặt ra. Cha biết là có lính canh và mình có thể bị bắn tại chỗ, chuyện như vậy thì chỉ kết thúc không tốt. Tại sao cha đi về nhà mà không lo lắng gì, thật sự cha cũng không biết giải thích như thế nào, cha tự hỏi có thể do cha ngây ngô một phần không.

Cha của cha nói gì? Dù sao cha cũng là người đào ngũ.

Cha của cha, cả gia đình ngay lập tức vui mừng đón cha về. Cha đã kể, khi cha về nhà có hai nữ tu, “hai cô người Anh” ngồi ở bàn đang ngồi xem bản đồ. Khi cha mặc đồng phục về nhà, hai nữ tu reo lên: “A! may quá, có ông lính, bây giờ chúng tôi được an toàn.” (Cha cười.) Nhưng sự thật thì ngược lại mà họ không nghĩ ra.

Bỗng cha thấy lính Đức quốc xã (SS) đến nhà mình, dù không có gì nhưng cha của cha cũng đã nhiếc mắng họ thậm tệ. Trước khi chiến tranh kết thúc, cha bị quân đội Mỹ bắt cầm tù. Cha chỉ có đủ thì giờ mang theo quyển sổ, hoặc một cái gì để viết.

Một quyển vở, một quyển vở thật.

Cha ghi lại gì trong thời gian cha bị bắt?

Tất cả và bất cứ gì. Những chuyện đã xảy ra nhưng cũng là những bài luận về các đề tài mà cha đã làm ở Abitur. Cha cũng thử viết vài bài thơ bằng tiếng Hy Lạp, đại loại như vậy. Không có gì quý giá, chỉ những suy nghĩ đơn giản của cha trong ngày.

Một vài người bạn của cha bị chấn thương tâm thần vì kinh nghiệm khổ cực trong lúc bị bắt. Cha ở trong trại với năm mươi ngàn tù nhân gần Ulm, cha sống ở đó như thế nào?

Dĩ nhiên là rất khổ cực. Đầu tiên hết, họ không cho chúng tôi ăn gì trong hai ngày đầu. Phải chờ đến ngày thứ ba thì họ mới phát cho khẩu phần Mỹ. Đây là lần đầu tiên trong đời cha thấy kẹo chewing-gum Mỹ… Một khi vào trại, chúng tôi lúc nào cũng ở ngoài trời. Như vậy lại tương đối tốt, ít nhất trong hai tuần vì trời đẹp.

Cha ngủ trên nệm ngoài trời, đúng không ạ?

Ngủ thẳng trên đất, làm gì có nệm.

Không mền đắp?

Không có mền. Khi trời còn nóng thì được.

Khi đó cũng chưa vào hè hẳn, mới tháng năm, tháng sáu. Như thế cha mạnh hơn người ta tưởng.

(Cha cười.) Khi người ta trẻ và khi người ta hy vọng chuyện này không kéo dài mãi mãi…

Rồi khi trời mưa?

Khi đó mới thật là khổ. Nhiều nhóm tụ nhau lại dưới các chiếc lều nhưng cha không ở trong các nhóm này. Người “trưởng nhóm của cha” tìm cách đưa cha vào một trong các nhóm này, nhưng họ nói thẳng cho cha biết, họ không muốn cha vào đây nên cha phải đi ra. Cuối cùng, một hạ sĩ quan có một chiếc lều Đức nhỏ, lều của người Đức thì rất nhỏ, ông dễ thương cho cha vào “lều chung” hai người. Sau đó, có một người bạn khác đem một chiếc lều Tiệp lớn hơn đến và chúng tôi dựng lều này tiện nghi hơn. Vì anh được thả ra trước nên anh để lại chiếc lều này cho cha, và cha mang nó về nhà. Sau này anh đến Hufschlag để lấy lại.

Cha đi bộ với cái lều trong xắc, cha đi từ Munich về nhà?

Đúng, đúng (cha cười)… khó khăn nhất là bị đói. Mỗi ngày họ chỉ cho một gà mên thức ăn một lần. Thêm nữa lại hay bị ăn cắp. Khi cả hai chúng tôi đào cái hang để cắm lều, cha thu xếp một góc nhỏ để đựng bánh mì. Cha đi ngủ và khi thức dậy thì không còn nữa. Khi nào chúng tôi cũng rất đói. Nhưng các hiệp hội tổ chức các buổi hội thảo và các loại sinh hoạt này, họ nhờ cha nên cha chịu đựng đỡ hơn tình trạng này.

Quyết định đi tu làm linh mục tiếp tục chín muồi trong thời gian cha bị bắt. Khi mười bốn tuổi, cha đã đọc tiểu sử của nữ thánh người Đức Hildegarde de Bingen, “Ánh sáng sống động” (Das lebendige Licht) do linh mục Wilhelm Hünermann viết, việc đọc này có đóng một vai trò nào không?

Anh của cha đọc cho cha nghe buổi chiều ở nhà. Cha sẽ không nói việc đọc này có quyết định trong ơn gọi chức thánh của cha hay không, nhưng nó rất xây dựng và giúp cha. Sau này cha có đọc thêm để ít nhất là hiểu cơ bản về khuôn mặt thánh lớn này. Hình ảnh của thánh nhân lúc nào cũng ở trong đầu cha, cha luôn quan tâm đến và đó là hình ảnh rất quý đối với cha. Nhưng cha không tìm hiểu sâu thêm như cha mong muốn.

Mẹ của cha nói gì về ơn gọi của cha? Bà có đồng ý hoàn toàn? Chẳng hạn như mẹ của Thánh Don Bosco đã nói: “Nếu ngày nào con nghi ngờ về ơn gọi của con, mẹ xin con bỏ áo chùng. Con thà làm một nông dân nghèo còn hơn là một linh mục xấu.”

A! Thật là hay! Đó là một thái độ mà mẹ của cha đồng ý dù bà không nói chính xác như vậy. Bà rất hạnh phúc khi cha dấn thân trên con đường này, anh cha và cha. Nhưng bà cũng nghĩ, nếu hai anh em cha không hợp thì tốt hơn nên từ bỏ. Bà luôn vui, một niềm vui kềm giữ vì bà biết, mọi sự có thể không như ý.

Marta An Nguyễn chuyển dịch

493382-000_par2005042047514