Hướng dẫn giờ chầu Thánh Thể
fr.aleteia.org, Linh mục Henry Vargas Holguín, 2016-11-23
“Con không thể thức thêm một giờ với Thầy sao?” Đó là một trong những câu nặng nhất mà Chúa Giêsu nói với các tông đồ trong Vườn Giếtsêmani khi Ngài thấy họ ngủ. Điều Chúa Giêsu muốn là dành ra một giờ đền tạ để chiến đấu với giờ của sự dữ.
Một cuộc gặp riêng tư
Dù Mình Thánh Chúa được chưa ra hay không, chuyện quan trọng của việc cầu nguyện riêng tư một giờ trước Mình Thánh Chúa là: đi cùng với Chúa trong những giây phút cuối cùng của Ngài, tìm cách hòa vào với tình thương của Ngài. Theo nghĩa này, chầu Mình Thánh Chúa là thánh lễ kéo dài.
Quỳ trước Mình Thánh Chúa là một hình thức đi ra để sưởi ấm tâm hồn, là như phơi tâm hồn dưới ánh nắng mặt trời; cũng như mặt trời là nguồn năng lượng tự nhiên của sự sống, thì Chúa Giêsu trong Thánh Thể là nguồn năng lượng siêu nhiên của mọi tình yêu và mọi ân sủng. Ở trong sự hiện diện của Chúa là tạo tình thân với Ngài, Đấng kích động chúng ta trong cuộc sống, mà các nghiên cứu thần học không làm được. Chúng ta cần phải biết Chúa Giêsu Kitô nhiều hơn và để làm được chuyện này, một tình thân riêng với Chúa Giêsu là điều cần thiết. Động từ “biết” trong ngôn ngữ Thánh Kinh là “yêu thương”.
Một giờ trước mặt Chúa trong Thánh Thể là làm thuận lợi cho việc gặp gỡ riêng tư và sâu đậm với Chúa. Trong giờ chầu, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến gần Ngài, nói chuyện với Ngài, xin Ngài những gì chúng ta cần và trải nghiệm sự chúc lành trong tình tbằng hữu với Ngài.
Giờ chầu này có thể dâng theo nhiều ý chỉ, đặc biệt ý chỉ xin cho người tội lỗi được ăn ăn trở lại.
Sự cần thiết của thinh lặng nội tâm
Giáo hội không có chỉ dẫn đặc biệt cho giờ chầu này; mỗi người có thể làm theo tâm hồn mình. Tuy nhiên thinh lặng nội tâm và ngồi yên trước mặt Chúa là điều cần thiết, cũng như tầm quan trọng của đức tin và ý thức Chúa đang ở đó, thật sự hiện diện ở đó.
Trong giờ chầu, có thể đọc và suy niệm một đoạn Phúc Âm, suy gẫm Đàng Thánh Giá, đọc các mầu nhiệm của kinh mân côi; đọc và cầu nguyện theo một bản văn thiêng liêng hoặc cầu nguyện với thánh vịnh…
Đơn giản ngồi trước mặt Chúa cũng đã là ơn ích thiêng liêng, ở với Chúa, dâng lên Chúa các đau khổ riêng để Ngài an ủi tâm hồn mình, làm cho tâm hồn có được bình an, nhận ơn soi sáng thiêng liêng để hướng dẫn chúng ta trong những lúc khó khăn.
Các lời khuyên cho giờ chầu
Ba điều quan trọng cần theo trong giờ chầu Thánh Thể:
- Chăm chú. Không lo ra, chẳng hạn tắt điện thoại cầm tay.
- Nhớ rằng đây không phải là giờ đọc sách
- Tỉnh thức. Thay đổi vị thế ngồi, quỳ, đứng. Quan trọng là không nên ngồi quá ư thoải mái, dễ buồn ngủ.
Như đã nói, không có một “nghi thức” nào phải theo trong giờ chầu Thánh Thể. Tuy nhiên tín hữu có thể theo những lời khuyên sau, tôi thực hành đều đặn và tôi xin chia sẻ:
- Làm dấu thánh giá.
- Đọc lời cầu nguyện chuẩn bị (soạn sẵn hay tự phát).
- Bài đọc thiêng liêng và suy niệm.
- Lần chuỗi, gẫm Đàng Thánh giá hoặc đọc phụng vụ giờ kinh.
- Lời nguyện riêng, nên chú tâm đến lời nguyện này.
- Hiệp thông thiêng liêng trong Thánh Thể (qua lời cầu nguyện riêng hay có sẵn)
- Chiêm ngắm Thánh Thể.
- Đền tạ cho những lỗi phạm.
- Lời cầu nguyện cuối cùng, tự phát hay có sẵn.
- Làm dấu Thánh giá.
Trong lời cầu nguyện riêng (5) là lời cầu nguyện trọng tâm, thay vì nói với Chúa thì nên thinh lặng, vì thinh lặng là mở lòng mình ra, thân mật với Chúa hơn, để Lời Chúa thấm đậm trong lòng mình, để tình yêu cho Ngài được cắm rễ trong tâm trí mình, và để nó là động lực cho đời sống của mình.
Trong giờ chầu Thánh Thể, điều quan trọng nhất là để Chúa yêu thương mình, ôm mình trong từng giây phút, là ở trong tình thân của Ngài.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch