Radio Vatican, 24-1-2014
Gần gũi, gặp gỡ, đối thoại. Đó là vài từ chính yếu trong sứ điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô nhân Ngày Truyền thông Xã hội. Tài liệu được công bố ngày thứ năm 23-1-2014 xoay chung quanh hình ảnh người Samaritanô nhân hậu được Đức Giáo hoàng xem như gương mẫu cho những người làm trong ngành truyền thông. Ông Alessandro Gisotti ở văn phòng biên tập tiếng Ý của Radio Vatican đã mời linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro của báo “Civiltà Cattolica” đến nói chuyện:
Chắc chắn Đức Giáo hoàng Phanxicô là giáo hoàng thích đối thoại vì phong cách mục vụ của ngài là phong cách tiếp xúc trực tiếp với con người. Như vậy đối với ngài, truyền thông có nghĩa là gặp gỡ. Văn hóa truyền thông đang va chạm trực tiếp với văn hóa loại trừ, và như thế là văn hóa chia rẽ, chia rẽ về kinh tế, chia rẽ về ý thức hệ. Truyền thông và gặp gỡ có một vị trí trọng tâm trong quan điểm của Đức Hồng y Bergoglio về cuộc sống và về Giáo Hội. Nếu phải tóm tắt nội dung của sứ điệp này, tôi sẽ nói, đối với Đức Phanxicô, truyền thông chính là gặp gỡ, có nghĩa là làm cho gần nhau. Trong truyền thông có một loại cách mạng kiểu Cô-péc-nich (cách mạng về phương pháp khoa học và tư tưởng triết học từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18), vì trọng tâm của truyền thông không còn phải là nội dung muốn truyền đạt, mà là những người tham gia đối thoại. Điều này rất mới, rất hiện đại vì chúng ta biết, ngày nay các mạng xã hội xây dựng loại truyền thông dựa trên giao tiếp. Vì thế, nếu không có giao tiếp, người ta sẽ không đối thoại.
Alessandro Gisotti: Giáo hoàng Phanxicô đưa ra một gương mẫu có thể bị coi là kỳ quặc để áp dụng cho một ký giả, một người làm truyền thông, gương mẫu người Samaritanô nhân hậu, sau đó, ngài nói thêm: “Tôi muốn định nghĩa quyền năng của truyền thông như là sự gần gũi”. Chính sự gần gũi là trọng điểm của truyền thông…
Linh mục Spadaro: Đúng, sự gần gũi là trọng điểm! Vì thế hình ảnh người Samaritanô nhân hậu là một hình ảnh rất mạnh, hơn nữa, hồng y Bergoglio đã dùng hình ảnh này để nói với giới truyền thông Buenos Aires năm 2002. Sứ điệp này là kết quả của một suy niệm và suy nghĩ lâu dài về vấn đề này. Thật tuyệt vời khi thấy một dụ ngôn trong Tin Mừng lại trở thành một gương mẫu để giới truyền thông phải noi theo. Người Samaritanô đến gần, săn sóc, băng bó vết thương, giúp người đang gặp khó khăn. Đối với người Kitô hữu làm nghề truyền thông, điều này có nghĩa là vạch ra một con đường cho người không biết theo đường nào, là làm cho thấy rõ khuôn mặt của Đấng vô hình.
Alessandro Gisotti: Giống như các sứ điệp trước đây của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, sứ điệp này nói rất nhiều đến Internet. Đức Giáo hoàng Phanxicô dùng một hình ảnh rất đẹp: “Mạng kỹ thuật số có thể trở nên nơi trao đổi tình người phong phú, không phải là mạng nối kết giây nhợ nhưng là mạng nối kết con người”…
Linh mục Spadaro: Đây là một khái niệm trọng tâm khác, vì truyền thông trước hết là truyền thông giữa con người. Vì thế mạng truyền thông không giống mạng điện nước hay khí đốt, nhưng là mạng xây dựng một khung để đối thoại. Thật ra, như thể Đức Giáo hoàng nói không có mạng gì cả, không có Internet gì cả: chính cuộc sống chúng ta, chính chúng ta, là những con người, đang ở trên mạng! Đời sống chúng ta là một mạng quan hệ. Tiếp đó, thì các giây điện và giây cáp mới giúp chúng ta, dĩ nhiên rồi, hơn thế nữa, chúng phải giúp chúng ta – đó là sứ mạng của Internet mà – chúng phải giúp chúng ta để chúng ta hợp nhất hơn, để chúng ta giao tiếp với nhau cách thẳng thắn hơn, hầu vượt lên được các rào cản và chướng ngại. Cách nhìn mạng Internet như thế mang đậm nét Kitô giáo, và có thể nói là mang tính ngôn sứ nữa. Mạng được xem như một ân sủng Chúa ban cho con người, bởi vì nhờ đó, con người có thể được hợp nhất hơn.
Alessandro Gisotti: Một phần quan trọng của sứ điệp dành cho đối thoại, và dĩ nhiên trong trường hợp này nó không giới hạn ở những người làm trong ngành truyền thông. Đức Giáo hoàng Phanxicô viết: “Đối thoại không có nghĩa là từ bỏ các ý tưởng riêng nhưng là từ bỏ quan niệm cho rằng ý tưởng của mình là duy nhất và tuyệt đối”. Ở đây, một cách nào đó, chúng ta thấy nét đặc thù triều giáo hoàng của ngài.
Linh mục Spadaro: Hoàn toàn đúng, vì đối thoại có nghĩa là nói với một người, không phải để thuyết phục họ theo ý riêng của mình, như thế không gọi là đối thoại nữa: đối thoại có nghĩa là trao đổi ý tưởng với người khác, tin rằng người kia có thể giúp mình hiểu rõ hơn. Chúng ta có thể cùng nhau đi dần đến chân lý duy nhất. Vậy, bám vào tư tưởng riêng, lối nói riêng, phe riêng của mình, v.v. đó là ngăn chận giòng chảy của truyền thông, đây là chủ đề ruột của Đức Phanxicô, nhiều lần ngài đã nói Giáo hội phải dấn mình để đối thoại với con người ngày nay, như thế mới mong hiểu được các mong chờ, hy vọng và nghi vấn của họ. Vì thế phong cách đối thoại phải là một phong cách tận căn, “phong cách” ở đây tôi không muốn nói chỉ là cách làm mà còn là điều cốt tủy của chính Tin Mừng, đó là mở ra với thế giới bên ngoài.
Alessandro Gisotti: Đó đúng là sự khai mở, mở một chân trời, một tầm nhìn hướng về tương lai, sứ điệp kết thúc ở đây và Đức Giáo hoàng khẳng định: “Cuộc cách mạng các kỹ thuật truyền thông cần một năng lực mới, một sức tưởng tượng mới”. Ở đây cũng vậy, có một lực đẩy để tiến về phía trước, một đà tiến mà Đức Giáo Hoàng đem đến cho những người làm truyền thông.
Linh mục Spadaro: Ở đây, Đức Giáo hoàng nói một điều rất quan trọng: truyền thông là một thách thức “rất lý thú” – đó là chữ ngài dùng – một thách thức đòi hỏi năng lực. Như thế người ta không thể giao phó việc truyền thông cho thói quen máy móc, cho văn phòng báo chí mà chỉ biết truyền tải những câu có sẵn. Vì vậy, điều này đòi hỏi năng lực, một ước muốn đối thoại, một cường độ và cả một sức tưởng tượng mới nữa. “Rất lý thú” có nghĩa là bạn phải nhìn mọi chuyện theo một cách khác. Sức tưởng tượng theo tinh thần Kitô giáo là một sức tưởng tượng – giống như người Samaritanô – có khả năng trở thành gương mẫu cho một hình thức giao tiếp mà cũng là một lối sống chung. Trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium), thỉnh thoảng Đức Giáo hoàng có nói đến một đám đông hơi lộn xộn, một “đoàn người liên kết với nhau” mà chúng ta bị mất hút trong đó. Tất cả đều là những hình ảnh về con người ngày hôm nay, nhưng cũng cho thấy được Giáo Hội phải hòa trộn, phải kết hợp với nhân loại như thế đó để có thể thông truyền sứ điệp Tin Mừng.
Nguyễn Tùng Lâm dịch
Hình: Linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro và Đức Giáo hoàng Phanxicô