Pauline de Vaux hay làm sao giải thoát những người bị ràng buộc

414

Pauline de Vaux hay làm sao giải thoát những người bị ràng buộc

lavie.fr, Anne-Laure Filhol, 2016-06-23

pauline-de-vaux

Bà Pauline de Vaux trở lại đạo năm 34 tuổi, bà là bác sĩ tâm thần và chuyên gia cai nghiện, từ đó, cùng với các bệnh nhân của mình, bà không ngừng đi tìm cái gì là ý nghĩa cho cuộc đời của họ. Cái gì, mà vượt lên các lệ thuộc, vẫn ở tận thâm sâu và trong tự do của họ.

Ngày đó, tôi miệt mài cho luận án bác sĩ của tôi. Một ngày như mọi ngày, hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác trong những giờ ở một mình. Tôi 27 tuổi. Trong cái uể oải học hành này, một suy nghĩ chiếm lấy tâm trí tôi: “Cuộc sống của bạn không có ý nghĩa. Nếu ở ngoài Chúa Kitô, thì bạn chẳng có gì. Chẳng có gì có thể cứu bạn.” Tôi lớn lên trong một gia đình công giáo giữ đạo, nhưng từ vài năm nay, đức tin tôi bay dần. Bối cảnh Giáo hội trong những năm 1970-1980 thì khó khăn. Và môi trường trong đó tôi được phát triển không giúp gì cho tôi. Không còn cha tuyên úy ở trường và thế hệ của tôi thì thích vui chơi và lo nghĩ đến nghề nghiệp hơn là nghĩ đến Chúa.

Khi tôi đi lễ, chỉ có một mình tôi; các người trẻ bằng tuổi tôi rất hiếm khi họ đi lễ. Thật khó cho tôi để thỏa mãn được cơn khát tuyệt đối của mình, cơn khát của một đứa bé ngày xưa muốn cứu thế giới, tôi vẫn còn nhớ như in “chén cơm” từ thiện cho Burkina Faso. Thay vào đó, tôi học, tôi vui chơi với bạn bè, với âm nhạc, với công việc. Dù vậy, tôi cảm thấy có một cái gì trong tôi không sống, không còn sống. Cái chán của tôi là cái chán hiện sinh và cũng có thể là thiêng liêng, dù tôi không định danh nó được. Đúng ra, tôi không biết tôi đi tìm cái gì.

Ngày hôm đó, trên bàn làm việc của tôi, tôi hiểu, chỉ có Chúa Kitô mới cứu tôi, tôi quyết định đi lễ mỗi buổi sáng. Tôi hy vọng nhờ vậy sẽ có một cái gì thay đổi trong cuộc đời của tôi. Tôi muốn đục thủng huyền nhiệm nơi các kitô hữu này, những người ngày nào cũng dậy sớm đi lễ. Nhưng tôi thất bại! Tôi không thấy gì! Và thế là tôi bỏ, tôi đi đây đi đó, không phải là không đau khổ, không chất vấn.

Trong vòng bảy năm lang thang đi tìm một cái gì thiêng liêng, tôi thấy tờ giới thiệu mà một trong các chị của tôi đề nghị tôi dự một khóa ở Paray-le-Monial (Saône-et-Loire), có tên “Các kitô hữu trên thế giới”. Tôi thích đề tài này. Nhưng vừa tới đó thì tôi thấy thật thảm hại. Tôi cảm thấy lẻ loi, khác biệt giữa môi trường của hành tinh “công giáo” và đặc sủng mà tôi thấy mình xa lạ và nói thật thì nó cũng làm tôi bực mình một chút! Cho đến một ngày, sau khi xưng tội (một chuyện không bình thường đối với tôi!), tôi có kinh nghiệm tình yêu của Chúa khi cầu nguyện trước Thánh Thể. Một ngọn lửa. Một sự kiện chưa từng có, duy nhất, vượt qua mọi hiểu biết. Tôi tiếp xúc với một điểm cố định, phi thời gian: Alpha và Oméga. Và một cách huyền bí, tôi biết tôi đã gặp Đấng Tạo Dựng của tôi, Chúa của tôi. Không một lập luận lý tính nào có thể dò được xác tín của tình yêu này. Tôi đi ra khỏi nhà nguyện trong tâm trạng hốt hoảng. Tôi là người đi tìm điều tận căn, bỗng nhiên tôi rất sợ. Sợ Ngài đòi tôi phải cho Ngài “trọn cả đời tôi. Tôi hốt hoảng nghĩ mình sẽ mang cái voan trên đầu và ở trong một tu viện! Ngọn lửa nội tâm này kéo dài 48 giờ.”

Chỉ một lúc trước khi có ngọn lửa này, tôi đọc lời cầu nguyện của tiên tri Êdêkiel (36, 26): “Lạy Chúa, xin biến đổi quả tim đá của con thành quả tim thịt.” Lúc đó tôi là một cô gái trẻ duyên dáng, hấp dẫn, nhận nhiều hơn cho. Vậy mà từ khi tôi trở lại, Chúa Kitô đã dạy cho tôi biết sống với cái cùng đích cố hữu của mọi con người: ơn ban trong tiếp xúc, khi thực hiện Sức Mạnh của Ngài trong tôi, Ngài cho tôi sức mạnh để yêu trong sự thật, không mặt nạ, không chiếm đoạt. Một cách đúng hơn.

Bây giờ, trong khi hành nghề bác sĩ tâm thần và cai nghiện, tôi không nói về đức tin của tôi với các bệnh nhân, bởi vì đó không phải là chuyện để nói (trừ khi họ hỏi tôi). Tôi chỉ đơn giản làm cho họ cảm thấy họ là duy nhất, không thay thế được, họ được yêu, dù những gì họ đã sống, đối với một số người, các chuyện cay đắng, các chuyện thiếu tình thương là cả một hố thẳm. Bởi vì Chúa Kitô đã an ủi tôi, đến lượt tôi, tôi có thể an ủi lại. Chính Ngài an ủi họ qua tôi. Nhờ tiến trình của tôi, tôi có thể sửa các xáo trộn do nghiện ngập của họ mà vẫn giữ một khoảng cách lành mạnh. Đôi khi đứng trước họ, tôi còn cảm nhận  sự hiện diện của Chúa còn hơn là khi cầu nguyện.

Chúng ta không bình đẳng với nhau trước “hiện tượng nghiện” vì nó tùy thuộc rất nhiều yếu tố. Có người bị dấu ấn rất mạnh về mặt di truyền, có người về mặt tâm lý hay sinh lý. Nhưng tất cả đều mang trong lòng họ, tôi nghĩ, một sự đau khổ hiện sinh và thiêng liêng, vì nghiện cũng là một bệnh của tinh thần, của một sức thổi nơi con người. Nó thường đến để lấp một sự vắng mặt, một sự trống rỗng, để bít lại nguồn… Sự thiếu này liên hệ đến rượu hay một cái gì khác? Chúng ta có thể nói người nghiện thay thế lối đi đến con người bằng lối đi qua hành động.

Tự do nội tâm không bị trở ngại khi mình gãy chân. Ngược lại, tình trạng nghiện chạm đến tự do nội tâm. Nó bắt đương sự phải phục tùng theo nhu cầu tối thượng của nó. Như văn hào Georges Bernanos khẳng định trong Tự do, vì cái gì mà làm?, “Chuyện công phẫn của vũ trụ, không phải là đau khổ, mà là tự do”. Thánh Phaolô đã nói, “Tôi không làm chuyện tốt mà tôi muốn, nhưng tôi lại làm chuyện xấu mà tôi không muốn” (Rm 7, 19), nghiện có một cái gì đó không thể hiểu được và không thể chịu đựng được đối với bệnh nhân. Đối với họ, đó là những ngày khốn khổ để chiến đấu, những buổi tối đấu tranh để khỏi gục ngã. Vậy mà thường thường họ kết thúc trong gục ngã. Và ngày này qua ngày khác, kịch bản này cứ tái diễn. Vậy, trong cương vị tín hữu kitô, tôi nghĩ con người có một tự do nền tảng vẫn còn duy trì, dù gặp thử thách, dù nghiện ngập, dù mang các bệnh tâm thần. Tự do vượt hẳn lên trên các xung năng, các đam mê và chúng ta phải tìm cách để khôi phục nó. Ngoài ra tôi nghĩ, sự săn sóc sẽ khác tùy theo quan điểm mình có về đương sự, mình có xem họ lột xác được hay không bởi thuyết tiền định. Tôi thích tin vào sự hiện hữu của một hướng đến nhưng không tin vào số phận. Khi tôi trở lại, Chúa đã kết hiệp với tôi. Ngài như mặc khải với chính tôi: tôi khám phá con người thật của tôi. Một phần, vì công việc chưa chấm dứt… Sự mặc khải này là nguồn gốc đã làm cho tôi tái nhập vào cùng đích của tôi; nó lấp đầy cho việc đi tìm một ý nghĩa sâu đậm của tôi. Khi tôi ý thức tôi là “con của Chúa”, được sinh ra cho Trời và cho đời sống vĩnh cữu, cái nhìn của tôi trên bệnh nhân đã thay đổi: họ cũng vậy, họ có sẽ là “con của Chúa” không? Như thế cách tôi săn sóc họ mang một hướng mới: trong khi họ thường bị chìm trong xung năng của cái chết, có thể đắm mình trong hai chai rượu whisky mỗi ngày, hay ngồi hàng giờ xem phim khiêu dâm, tôi thử làm cho họ nhận định cái gì là đáng kể trong tận thâm sâu con người họ và có thể nuôi dưỡng ý nghĩa cho cuộc hiện sinh của họ. Để họ có một hương vị của vĩnh cữu.

Tóm lược cuộc đời của bà Pauline de Vaux

1964 Sinh ở Arles.

1982 Học y khoa ở Đại học Montpellier.

1993 Tiến sĩ y khoa.

1998 Trở lại đạo.

2000 Chuyên gia về nghiện ở Paris.

2004 Cao đẳng triết lý và luân lý y khoa.

2006 Bác sĩ tâm thần ở trung tâm giam giữ.

2010 Bác sĩ khoa nghiện ở bệnh viện.

2013 Được huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh.

Marta An Nguyễn dịch