‘Tại sao các ông lại làm ngơ?’ – Đức Phanxicô suy tư về từ ‘diệt chủng’

228

Trên chuyến bay từ Armenia về Roma, hôm chúa nhật, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có buổi phỏng vấn trên máy bay như lệ thường với các ký giả.

Ngài nói lên suy nghĩ về nhiều vấn đề, từ chuyến đi Armenia, đến các chuyến tông du sắp tới ở Azerbaijan và Ba Lan, đến vai trò của Đức Giáo hoàng Danh dự, sự hiệp nhất Kitô, phong trào kháng cách, Brexit, ý tưởng về nữ phó tế, và việc Giáo hội phải xin lỗi vì những kỳ thị với người đồng tính.

 Đức Phanxicô ở đài tưởng niệm diệt chủng Armenia

Jean Luis de La Vassiere (AFP, Pháp): Thưa Đức Thánh Cha, đầu tiên con muốn cảm ơn cha cho con và cho Sebastien Maillard của tờ La Croix …chúng con đang chuẩn bị rời Roma, và chúng con muốn cảm ơn cha từ đáy lòng mình vì làn gió mùa xuân mà cha đã thổi vào Giáo hội …và con có một câu hỏi: tại sao cha quyết định bộc phát thêm từ ‘diệt chủng’ vào trong bài diễn văn tại dinh tổng thống? Về một chủ đề đau đớn như thế, cha có nghĩ nó hữu ích cho hòa bình trong khu vực phức tạp này?

Ở Argentina, khi nói về vụ thảm sát người Armenia, người ta luôn dùng từ ‘diệt chủng.’ Cha không biết từ nào khác. Ở nhà thờ chính tòa Buenos Aires, có một thập giá bằng đá ở bàn thờ thứ ba bên trái, để tưởng niệm những nạn nhân vụ diệt chủng Armenia. Hai tổng giám mục Armenia đến, Công giáo và Tông tòa, họ thánh hiến thập giá đá …cũng như Tổng Giám mục Tông Tòa trong nhà thờ Công giáo thánh Bartholomew làm một bàn thờ để kính nhớ thánh Bartholomew…nhưng luôn luôn …cha không biết từ nào khác. Cha chỉ biết từ này.

Khi đến Roma, cha nghe một từ khác: ‘Tội ác Lớn’ hay ‘bi kịch khủng khiếp,’ nhưng ở Armenia, cha không biết làm cách nào để nói ra ý này …và họ bảo cha rằng đừng, như thế là xúc phạm, đó là một cuộc ‘diệt chủng’ và cha phải nói như vậy. Cha luôn luôn nói về ba cuộc diệt chủng trong thế kỷ trước …luôn luôn là ba! Đầu tiên là ở Armenia, rồi của Hitler, và cuối cùng là của Stalin …có những cuộc diệt chủng nhỏ hơn, ở châu Phi nữa, nhưng xét theo hai cuộc thế chiến thì có ba cuộc diệt chủng lớn …cha tự hỏi tại sao …’nhưng có người thấy nó không thật, nói rằng đây không phải diệt chủng’ …một người khác lại nói với cha như vậy …một luật sư bảo cha một chuyện thực sự khiến cha phải để ý: đó là từ ‘diệt chủng’ chỉ là một từ chuyên ngành. Nó là một từ với hiệu ứng rằng, chuyện này không đồng nghĩa với ‘hủy diệt.’ Anh chị em có thể nói là hủy diệt, nhưng tuyên bố ‘diệt chủng’ là cho nó cần có những hành động sửa đổi …đó là những gì luật sư đã nói với cha.

Năm ngoái, khi cha chuẩn bị bài diễn văn, cha thấy thánh Gioan Phaolô II đã dùng từ này, ngài dùng cả hai từ: Tội ác Lớn và diệt chủng. Và cha trích một lần, trích trong ngoặc kép …và đã không được đón nhận. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng. Trong vài ngày, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi đại sứ về Ankara, một đại sứ hàng đầu, và cách đây ba tháng, ông ấy mới trở lại … giống như ăn chay đại sứ vậy. Nhưng họ có quyền. Quyền phản đối, tất cả chúng ta ai cũng có. Trong bài diễn văn lần này, lúc đầu không có từ đó, đúng là thế. Cha đã thêm vào. Nhưng sau khi nghe cung giọng khoan hòa của tổng thống Armenia, cộng với việc cha đã công khai nói từ này ở Roma hồi năm ngoái, nên sẽ thật lạ nếu cha không làm thế.

Nhưng, cha muốn nêu bật một chuyện khác, và cha không nghĩ là cha sai khi nói: trong cuộc diệt chủng này, cũng như trong hai cuộc diệt chủng kia, các cường quốc đã ngoảnh mặt làm ngơ. Và vấn đề là thế. Trong Thế chiến II, một vài cường quốc đã có hình những đoàn tàu chở người Do Thái đến Auschwitz, họ có thể ném bom ngăn chặn, nhưng đã không làm. Đó là một ví dụ. Trong bối cảnh Thế chiến I, vấn đề của người Armenia là gì? Và trong bối cảnh Thế chiến II, vấn đề của Hitler và Stalin là gì, và cả sau hội nghị Yalta …chẳng ai lên tiếng cả. Người ta phải thấy điều này. Và một vấn đề lịch sử: tại sao các ông không làm thế, hỡi các cường quốc?

Cha không kết tội, cha đặt câu hỏi. Đây là chuyện chúng ta muốn biết. Họ nhìn vào cuộc chiến, vào đủ thứ …nhưng không nhìn vào con người …và cha không biết liệu có đúng không, nhưng cha muốn biết có thật là khi Hitler giết hàng loạt người Do Thái, ông ta có nói rằng, ‘Ngày hôm nay, những ai tưởng nhớ người Armenia, hãy làm chuyện tương tự với người Do Thái.’ Cha không biết có thật không, có lẽ là đồn thổi, nhưng cha có nghe chuyện như thế. Các sử gia, xin tìm hiểu xem nó có thật không. Cha nghĩ là cha có câu trả lời rồi. Nhưng cha chưa bao giờ nói lên từ này với ý xúc phạm.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ CNA