Người công giáo: Một nhóm thiểu số đang trên đường tuyệt chủng ở Thổ Nhĩ Kỳ

589

cath.ch, Barbara Ludwig, 2016-06-02

Haga Sophia, nhà thờ Kitô giáo bị biến thành đền thờ Hồi giáo, ở Istanbul
Haga Sophia, nhà thờ Kitô giáo bị biến thành đền thờ Hồi giáo, ở Istanbul

Vào đầu tháng 5, Nhóm làm việc “hồi giáo” của Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ đã có chuyến đi tám ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mục đích: Nắm được sự đột biến của xã hội Thổ Nhĩ Kỳ và các hệ quả của nó đối với các tín hữu kitô. Khi trở về lại Thụy Sĩ, ông Erwin Tanner, người trách nhiệm nhóm đã có buổi nói chuyện về chuyện đi ở một nước mà người công giáo là thiểu số và đang ở trên con đường tuyệt chủng.

Phái đoàn Thụy Sĩ đã gặp Hội đồng Giám mục công giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Ông có cảm nhận gì?

Erwin Tanner: Các tín hữu kitô sống trong những điều kiện thật khó khăn, và ước muốn sâu đậm của họ là họ không bị bỏ rơi, họ mong muốn được chia sẻ nỗi âu lo của mình với người khác. Tôi có nhiều dịp khác nhau nói chuyện với các đại diện các Giáo hội ở Thỗ Nhỉ Kỳ, như thế tôi có được cái nhìn về hoàn cảnh của họ. Chuyến đi của Nhóm làm việc “hồi giáo” của Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ rất được quý mến. Chúng tôi được tiếp đón nồng hậu.

Ông có thể hiểu được những điểm tế nhị nhất trong hoàn cảnh của người công giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ không?

Người công giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ là một cộng đoàn nhỏ đang trên đường tuyệt chủng, ngoài ra, họ lại bị chia rẽ theo nhiều nghi thức khác nhau. Đa số giáo sĩ đến từ nước ngoài và gồm có các tu sĩ. Họ không quen thuộc mấy với ngôn ngữ và văn hóa của xứ sở. Vì thế, Giáo hội không vững về mặt cơ cấu và tổ chức. Dù con số tín hữu gốc Thổ Nhĩ Kỳ có gia tăng, nhưng họ không phải là người thiểu số chính thức của quốc gia, nên họ không có quy chế hợp lệ.

Về mặt luật pháp, tín hữu kitô được tự do sống theo tôn giáo của mình, nhưng trong đời sống hàng ngày, họ đụng với những giới hạn của một xã hội thấm đậm hồi giáo. Vì họ thuộc về công giáo, nên họ gặp khó khăn khi đi tìm việc. Họ không được xây nhà thờ hay tụ họp với nhau.

Có phải Giáo hội công giáo Thổ Nhĩ Kỳ không được đào tạo các linh mục tại Thổ không? Hay bây giờ đã có cải thiện?

Trước đây, Giáo hội công giáo đào tạo linh mục ở nước ngoài. Các giám mục rất mong muốn được đào tạo các linh mục trong nước, họ sẽ thoải mái với tiếng Thổ cũng như với các thói quen của xã hội, các giám mục cũng mong muốn có sự liên tục trong hàng giáo sĩ. Khía cạnh này có một tầm quan trọng nền tảng trong mục vụ. Nhưng trong điều kiện hiện nay, chưa có sự cải thiện nào đang được tiến hành.

Các đối tác của ông nói đến các tiến bộ trong lãnh vực tự do tôn giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là những tiến bộ nào?

Các đối tác tín hữu kitô của chúng tôi cũng như các đối tác hồi giáo đều nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ là một Quốc gia thế tục, Nhà nước bảo đảm tự do tôn giáo và theo Hiến pháp, một sự trở lại từ hồi giáo qua kitô giáo là có thể. Khuynh hướng hồi giáo hóa hay “thỗ hóa” không chống đối, hay ít nhất là chưa.

Họ cũng nhấn mạnh, dù Quốc gia Thỗ là quốc gia thế tục, ngược với các nước Âu châu, ở đây các tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong xã hội, các chức sắc giáo quyền rất được tôn trọng.

Trong chuyến đi tám ngày này, ông đã gặp nhiều nhân vật khác nhau. Theo ông, những cuộc gặp nào là đáng ghi nhớ nhất?

Có hai cuộc gặp đặc biệt đáng kể. Đó là cuộc gặp với Đức Giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thổ Nhĩ Kỳ Levon Boghos Zekiyan. Dù rất lo lắng, nhưng ngài tỏa sáng một niềm hy vọng và biết ơn, ngài có một cái nhìn rõ ràng về Giáo hội Thỗ Nhỉ Kỳ. Cuộc gặp thứ nhì là với giám đốc chủ tịch đoàn các quan hệ tôn giáo của nhà cầm quyền (Diyanet), giáo sư Mehmet Gưrmez. Khi quan sát tình trạng ở Giêrusalem, ông thấy nên có một quy chế cho ba tôn giáo đơn thần, trong đó có các đường hướng luân lý và luật pháp để cùng sống chung hòa bình, và điều này là điều có thể được thành hình.

Chuyến đi này có thể mang lại hoa trái cho cuộc đối thoại liên tôn giáo ở Thụy Sĩ không?

Chuyến đi này rất phong phú cho chúng tôi. Với các thông tin có được, với các kinh nghiệm đã trải qua, chúng tôi có thể đặt những nền tảng tốt để đối thoại với hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ ở Thụy Sĩ, bởi vì phần lớn người hồi giáo ở Thụy Sĩ là người gốc Thổ. Bây giờ chúng tôi có đủ chất liệu để đối thoại với họ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch