Hiệp nhất là chứng tá Kitô hữu

978

Chúa Giêsu cầu nguyện cho các Kitô hữu được hiệp nhất, nhưng trong Giáo hội có những người gieo cỏ lùng, những người chia rẽ và hủy hoại cộng đoàn bằng miệng lưỡi của mình. Đây là thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày 12-5, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.

OSSROM29249_Articolo

‘Sự hiệp nhất của cộng đoàn Kitô, của gia đình Kitô, là một lời chứng cho sự thật rằng Chúa Cha đã gởi Con mình đến thế gian. Và có lẽ, hiệp nhất, dù là trong cộng đoàn Kitô, trong giáo xứ, trong dinh giám mục, trong một dòng tu, trong một gia đình, là một trong những điều khó nhất. Lịch sử của chúng ta, lịch sử của Giáo hội khiến chúng ta thường phải thấy hổ thẹn, khi chúng ta đã dấy chiến tranh với các anh em Kitô hữu của mình. Như cuộc chiến Ba mươi năm chẳng hạn. Khi các Kitô hữu dấy chiến tranh với nhau, thì không có chứng tá nữa.

Chúng ta phải xin, thường xuyên xin Chúa tha thứ vì những chuyện này. Một lịch sử quá nhiều lần chia rẽ, nhưng không phải chỉ là chuyện quá khứ … Mà ngày nay cũng vậy! Ngay trong thời nay. Thế giới thấy chúng ta chia rẽ và họ nói: ‘Cứ để họ làm hòa với nhau, rồi chúng ta sẽ thấy … Làm sao mà Chúa Giêsu phục sinh và đang sống, còn các môn đệ của Chúa lại bất hòa với nhau?’ Có lần một Kitô hữu Công giáo nói với một Kitô hữu Công giáo Đông phương rằng, ‘Chúa của tôi sống lại vào ngày mốt. Còn Chúa của bạn thì sao?’ Chúng ta còn không thống nhất trong việc mừng lễ Phục Sinh nữa. Và chuyện này có khắp thế giới. Và thế giới không tin.

Chính do sự đố kỵ của ma quỷ mà sự chết đi vào thế giới. Cũng vậy, trong cộng đoàn Kitô, những ích kỷ, đố kỵ, chia rẽ có thể thành lề thói, và nó khiến người ta nói xấu sau lưng nhau. Ở Argentina, những người như thế được gọi là ‘người gieo cỏ lùng.’ Họ gieo cỏ lùng, cỏ dại, họ chia rẽ. Và sự chia rẽ là do miệng lưỡi mà ra. Cái lưỡi có thể hủy hoại một gia đình, một cộng đoàn, một dòng tu, nó gieo thù ghét và chiến tranh. Người ta không còn muốn làm rõ mọi chuyện, bởi nói sau lưng người khác thì dễ dàng hơn, và nó hủy hoại thanh danh người khác.

Có một giai thoại của thánh Philip Neri: Một bà nọ chuyên nói xấu người khác, bà xưng tội với thánh Philip, ngài cho bà việc đền tội là về nhà nhổ lông con vịt rồi rải chung quanh nhà mình, sau đó cố đi thu lại cho hết. ‘Nhưng mà không thể làm được,’ bà này kêu lên. Và thánh nhân trả lời, ‘Đàm tiếu cũng thế…’

Nói xấu sau lưng người khác là ném bùn vào họ. Người nói xấu là người làm chuyện dơ bẩn. Người đó hủy hoại. Hủy hoại danh tiếng, hủy hoại cuộc đời, và nhiều lần rất nhiều lần họ làm thế mà chẳng cần lý do gì. Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho chúng ta, cho tất cả chúng ta, ‘Nguyện xin cho họ được nên một.’ Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban ơn cho chúng ta, bởi ma quỷ và tội lỗi thúc chúng ta rất mạnh. Luôn luôn là thế. Xin Chúa ban ơn cho chúng ta. Và đâu là ơn đem lại hiệp nhất? Chính là Thần Khí. Nguyện xin Thần Khí ban cho chúng ta ơn để tạo sự hòa hợp, bởi chính Thần Khí là hòa hợp, là vinh quang trong cộng đoàn chúng ta. Và nguyện xin Ngài ban cho chúng ta bình an, bình an trong hiệp nhất. Chúng ta hãy nguyện xin ơn hiệp nhất cho mọi Kitô hữu, một ơn trọng, và cũng xin một ơn nhỏ nữa là ơn biết kiềm giữ miệng lưỡi mình.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio Eng