Mười điều mà mọi thực tập sinh ở Truyền thông Vatican cần biết

303

Sophia Pizzi thực tập ở Vatican Radio trong 4 tháng, qua chương trình nghiên cứu của Đại học Villanova. Cô nhắn gởi những gợi ý này cho những thực tập sinh tương lai.

#emptyvatican

Gởi các bạn thực tập sinh tương lai ở Vatican Radio,

Tôi viết cho các bạn với sự háo hức lẫn ghen tỵ. Tôi đang chuẩn bị rời Vatican Radio sau một học kỳ thực tập, và điều đầu tiên tôi muốn nói với các bạn rằng, các bạn đang chuẩn bị cho một trải nghiệm không thể tin nổi. Với tôi, đây là ba tháng trời dọc ngang một mảnh đất mới đầy những chiến thắng cũng như thiếu sót, nhưng đầy ngạc nhiên trên đường. Tôi nghĩ sẽ có ích cho các bạn với những lời khuyên dựa trên những gì tôi đã trải qua, để bạn có thể có vài bước chắc chắn hơn khi đi sâu vào trong một thế giới độc nhất vô nhị là truyền thông Vatican.

  1. Không ngày nào giống ngày nào.

Có ngày bạn sẽ ở trong văn phòng viết về biến đổi khí hậu và hôm sau đã đi khắp Roma cổ kính để phỏng vấn một người tị nạn. Và hôm sau nữa, bạn sẽ tham dự thánh lễ với những người bạn chưa từng biết, trong một nhà thờ bạn chưa từng đến. Vẻ đẹp của nghề báo chí ở một nơi đậm nét lịch sử và văn hóa như thế này là, bạn sẽ không bao giờ biết được điều gì đang chờ mình, nhưng tôi chắc chắn bạn sẽ luôn luôn thấy thú vị.

  1. Bạn không thực sự là ‘thực tập’ Bạn là một nhà báo

Thường thì các thực tập sinh chỉ là người giúp việc. Họ nhận việc từ các giám sát, và đi theo học hỏi. Nhưng ở Vatican Radio, mọi người không có nhiều giờ để bảo bạn làm gì, nói cách khác, là bạn sẽ ‘tự lực cánh sinh.’ Từ việc động não cho ý tưởng bài tường thuật của mình cho đến việc đăng bài lên mạng, bạn sẽ được tín nhiệm với một tâm thức tự trị rất lớn. Hãy biết tận dụng nó.

  1. Vatican có những bức tường nhưng không có biên giới

Vatican Radio thực sự không có giới hạn về địa lý. Hãy luôn luôn nhớ rằng khoảng cách đến bất kỳ nơi nào trên thế giới, chỉ là một cuộc điện đàm mà thôi.

Nhưng cũng đừng quên về múi giờ nhé. Lúc 2h chiều ở Roma mà bạn muốn phỏng vấn một người ở Việt Nam chắc là bạn phải chờ thêm 12 tiếng nữa rồi. Phải kiên nhẫn.

  1. Điềm tĩnh

Tôi dự buổi họp báo đầu tiên, và đột nhiên đồng nghiệp bảo tôi đến phỏng vấn một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng, như thể đó là chuyện nhỏ vậy. Hẳn là mặt tôi đang lộ vẻ lo lắng dữ lắm, bởi Linda nhìn tôi và nói: ‘Nhẹ nhàng nào Sophia.’ Câu này đánh động tôi. Điềm tĩnh lại. Chắc chắn điềm tĩnh là một chuyện lớn, nhưng không phải là chuyện khó như mình tưởng. Đừng lo lắng quá, cứ vui vẻ đi. Mọi người muốn nói chuyện mà.

  1. Dõi theo Đức Giáo hoàng

Ý của tôi là cả trong truyền thông xã hội lẫn cuộc sống thật. Bất kỳ lúc nào Đức Giáo hoàng Phanxicô hiện diện quanh đó, hãy cố gắng đến mà xem ngài. Tôi đã thấy ngài vài lần trong những buổi tiếp kiến chung ở quảng trường thánh Phêrô, và nhiều lần trong những sự kiện trong Tuần Thánh. Mỗi lần mỗi khác, nhưng lần nào cũng thật đầy hứng khởi. Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng vừa mới có Instagram, và tài khoản của ngài hoạt động rất tích cực. Vậy nên, nếu không phải trong giờ làm việc, bạn có thể lướt một vòng mỗi ngày để xem những gì đang diễn ra ở Vatican và thế giới.

  1. Khi nghi ngờ điều gì, hãy trích một tông thư

Đây có thể là những điều quan trọng nhất mà bạn đọc được trong bài này: Tông thư Laudato Si là người bạn tốt nhất của bạn. Những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Laudato Si và nhiều sự kiện khác nữa, có rất nhiều ngụ ý nên có thể dùng cho vô số bài tường thuật và phỏng vấn. Chúng làm cho buổi nói chuyện đẹp hơn và cho câu chuyện ý nghĩa hơn.

  1. Ôn lại tiếng La Tinh. Và tiếng Ý. Cả tiếng Pháp nữa. Đây là một Liên hiệp quốc mini. Mọi người nói đủ thứ tiếng

Trong một cuộc họp báo, bạn đang nghe tiếng Anh, rồi đột nhiên tất cả mọi người chuyển sang tiếng Ý. Rồi có lúc bạn đọc một đoạn về sự kiện của Đức Giáo hoàng, và gặp phải những từ cổ như R’s, U’s, M’s, và V’ ở khắp bài. Chắc chắn, với tiếng Anh là bạn lội qua được, nhưng truyền thông là thông hiểu mà.

  1. Đừng ngại hỏi

Rõ ràng tiếng nói là một khí cụ mạnh mẽ trên radio. Có khi, giữa thế giới báo chí hỗn loạn quanh mình, bạn sẽ thấy như mình đang quấy nhiễu hay làm phiền những đồng nghiệp lớn khi xen vào giờ công việc của họ. Nhưng câu hỏi thì không ngờ nghệch. Hãy nói lên câu hỏi của mình, nói lên ý thích của mình, ý kiến của mình, sẽ hiệu quả và lợi ích hơn nhiều.

  1. Chia sẻ mọi thứ.

Những câu chuyện không chấm dứt khi bạn bấm nút ‘đăng’ Hãy gởi cho người mà bạn đã phỏng vấn bài đó, bởi như thế thắt chặt tình thân. Hãy chia sẻ bài của bạn lên Facebook. Gởi link đến gia đình và bè bạn trên WhatsApp. Vòng kết nối của bạn càng lớn, thì bạn sẽ sớm biết nhiều hơn về phản ứng đối với bài báo của mình.

  1. Đừng quên máy thu âm.

Hãy kiểm tra, kiểm đi kiểm lại, kiểm thêm lần nữa máy thu âm của mình, bảo đảm nó đang bật. Bạn sẽ không muốn mất một cuộc phỏng vấn hay chỉ vì lỗi kỹ thuật.

Nhưng cũng hãy ghi nhớ những chuyện nhỏ, như những buồi nói chuyện trong bữa ăn hay trong quán cà phê về đạo đức báo chứ hay những chuyện đùa về radio. Có những thời khắc bạn sống, và có những thời khắc bạn ghi nhớ.

Tôi hi vọng, với những gợi ý này, bạn sẽ có những trải nghiệm vượt quá kỳ vọng ở Vatican. Chúc bạn mọi điều tốt đẹp.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch