imedia-info.org, 2016-04-19
“Đức Giáo hoàng đã thật sự cứu chúng tôi”. Bà Nour là một phụ nữ Syria-Palestina, bà không ngớt lời cám ơn Đức Phanxicô, người đã đem gia đình bà lên chuyến bay theo ngài từ Lesbos, Hy Lạp về Rôma, nước Ý ngày thứ bảy 16 tháng 4 vừa qua. Bà đi cùng chồng là Hassan và con trai Ryad 2 tuổi của hai người. “Tôi rất quý trọng Đức Giáo hoàng, hơn các nhà lãnh đạo hồi giáo và hơn các tổng thống Ả Rập vì không một ai trong họ cảm nhận được các đau khổ của chúng tôi”, bà Nour nói với hãng thông tấn I.MEDIA hai ngày sau khi bà đến Rôma, bà vẫn còn bàng hoàng khi nghĩ mình đang ở Rôma.
Trong chuyến đi sâu đậm và ngắn ngủi của mình ở hòn đảo Hy Lạp Lesbos, Đức Phanxicô đã đem về Ý theo mình ba gia đình tị nạn người Syria, tổng cộng 12 người, tất cả đều là người hồi giáo. “Như một giấc mơ thật đẹp”, người phụ nữ 30 tuổi là kỹ sư nông học và vi sinh vật học được đào tạo tại Pháp cho biết. Bà đến đảo Lesbos trên chiếc thuyền bơm hơi sau chuyến đi 12 ngày giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Bà vẫn còn ngỡ ngàng khi nghĩ mình đang ở Ý, bà dự định học tiếng Ý, để “hội nhập vào xã hội và để kiếm được việc làm” và tiếp tục làm dự án tiến sĩ về ngành vi sinh vật học.
Bà Nour không che giấu sự ngưỡng mộ của mình đối với hành vi của Đức Phanxicô. Bà tố cáo sự bất động của các nước Ả Rập và các nhà lãnh đạo hồi giáo. “Không một nhà lãnh đạo hồi giáo nào làm như vậy, bà tin chắc, mặc dù họ có tiền, đặc biệt các nước vùng Vịnh có khả năng đón nhận người tị nạn Syria nhưng không một ai làm được như Đức Giáo hoàng”.
Người phụ nữ trẻ cũng có một lời nhắn cho Âu Châu. “Chúng tôi không phải là người đi khủng bố, chúng tôi không phải là những người hồi giáo cực đoan, bà thố lộ, dân tộc Syria là một dân tộc rất hiền hòa, một dân tộc hòa hợp giữa người hồi giáo và kitô giáo, trước chiến tranh chúng tôi cùng sống chung với nhau”.
Các gia đình hồi giáo
Nhiều người hỏi vì sao Đức Giáo hoàng chỉ đem các gia đình hồi giáo về Ý, bà Nour lặp lại lời Đức Phanxicô đã tuyên bố trên chuyến bay về Rôma. Đức Phanxicô xin đừng phân biệt giữa các “người con của Chúa” với nhau. Ngài cũng cho biết các gia đình tị nạn này đã có “giấy tờ hợp lệ”.
Một cách ngoại giao, Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh cho biết các người tị nạn này đã đến Lesbos trước khi có thỏa hiệp ký kết giữa Liên hiệp Âu châu và Thổ Nhĩ Kỳ về việc đóng biên giới với Hy Lạp. Hai gia đình kitô giáo cũng có thể được ra đi nhưng họ không được đi vì ngày đến của họ ở đảo Lesbos là sau ngày ký thỏa hiệp. Ở Vatican cũng đã có hai gia đình kitô giáo khác đã được hai giáo xứ ở Quốc gia nhỏ bé này tiếp nhận.
Các gia đình tị nạn này được Cộng đoàn Sant’Egidio lo, ông Daniela Pompei giải thích họ đã được phỏng vấn trước khi ra đi. Khi đến Rôma, họ được Cộng đoàn công giáo Sant’Egidio lo và các chi phí thì Vatican chi trả. Ngay ngày hôm sau khi đến Rôma, họ đã theo học khóa tiếng Ý ở một trường của Cộng đoàn Sant’Egidio. Họ chuẩn bị nạp hồ sơ xin tị nạn trên đất Ý.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch