Ảo tưởng Cộng sản hay Xung lực Tôn giáo Lầm lạc

271

Catholic Herald | Francis Phillips | 14-04-2016

Chúng ta có một bản năng thờ phượng, sẽ vâng theo một sự thật lầm lạc hơn là chấp nhận tình trạng chân không về tinh thần.

Tôi vừa đọc hồi ký đầy tình cảm và hài hước sâu cay của David Aaronovitch, quyểnĐảng Thú vật: Gia đình tôi và những người cộng sản khác, của nhà xuất bản Jonathan Cape. Như ông nói rõ, với cha mẹ ông và nhóm cộng sản của họ trong thời hậu chiến ở bắc Luân Đôn, thì chủ nghĩa cộng sản là một đức tin hơn là một hệ thống chính trị. Phía sau những lời lẽ hùng hồn nói rằng Giáo hội là ‘vũng lầy mê tín,’ Hoàng gia là ‘tàn dư phong kiến,’ cảnh sát là ‘kẻ áp bức,’ quân đội là ‘công cụ của chủ nghĩa đế quốc’ và BBC ‘là nhà thầu cho những lời dối trá và tuyên truyền,’ có một sự thật rành rành rằng, ‘Nó là một tôn giáo. Cũng như một người Công giáo, một người cộng sản thực sự nỗ lực để sống một đời sống đức tin.’

Tôi chỉ quen biết một người cộng sản, một anh bạn của tôi thời sinh viên, và dù anh không tuyên xưng ầm ĩ, nhưng tôi thấy có ‘đức tin’ trong anh, niềm tin của anh vào chủ nghĩa cộng sản là cả cuộc đời anh. Anh sống và hít thở bằng chủ nghĩa cộng sản. Thật vậy, đâu là đường phân ranh giữa sự đồng cảm trí thức dành cho một đảng phái chính trị, với một ‘tuyên tín’ chính trị chi phối toàn bộ cuộc sống?

Aaronovitch mô tả ‘những buổi họp ban’ thường kỳ của Đảng giống hệt như một ‘thánh lễ thế tục dâng kính sự hiện hữu của Đảng’ vậy. Chủ nghĩa cộng sản của cha mẹ ông ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống gia đình. Thật vậy, ông nói rằng ông đã gặp những người Công giáo ‘còn giữ đạo hoặc không, nhưng từng có thời thơ ấu rất giống với ông …’ Ông làm rõ rằng, ‘Đảng là một giáo hội, chứ không phải một giáo phái’ bởi ‘không có những chiêu bài tâm lý để giữ cho các thành viên ngoan ngoan ngoãn và trung thành với mình.’ Sức mạnh của nó nằm ở niềm tin và đức tin hơn là về mặt tri thức.

Party Animals

Tất cả những điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ. Quyển sách cho thấy xung lực tôn giáo thâm sâu đến thế nào trong mọi con người. Chúng ta có một bản năng thờ phượng, sẽ vâng theo một sự thật lầm lạc hơn là chấp nhận tình trạng chân không về tinh thần. Do đó, sự sụp đổ cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản là thảm họa đối với cha mẹ của ông Aaronovitch, với các bạn bè của ông ở trong Đảng. Ông kể lại một viên chức ‘choáng váng và hỏi, ‘Mọi sự tôi sống và làm việc chỉ là ảo tưởng thôi sao?’ Câu trả lời thẳng thắn phải là, ‘Đúng thế.’

Điều hấp dẫn trong hồi ký này, chính là mức độ tự ảo tưởng của các thành viên trong Đảng Cộng sản Anh quốc, họ tự dối lừa mình không chút hoài nghi, dối lừa mình không ngừng. Ngoài quyển sách của Aaronovitch, tôi còn đọc được quyển sách của John Ure: Coi chừng Con gấu Nga Gớm ghiếc: Những khám phá ở Anh quốc lột trần những người Bolshevik. Ông Ure, một nhà ngoại giao về hưu, đã từng đảm nhiệm vị trí ở Matxcơva trong thời Chiến tranh lạnh. Ông thường xuyên liên lạc với Khrushchev và gặp gỡ những người Nga trong thập niên 1950, những người đã sống qua cuộc Cách mạng Nga. Họ bảo ông rằng họ biết ngày tháng chuyên quyền sẽ chấm hết, họ sốc trước mức độ bạo lực máu lạnh của Liên bang Xô-viết mới sau khi chế độ cũ sụp đổ.

Ở nước Anh, người ta bị lừa bịp bởi các báo cáo của Wells, George Bernard Shaw, nhà Webbs và những người khác nói rằng nước Anh là một thiên đường xã hội chủ nghĩa mới. Họ không chịu nghe những lời kể mắt thấy tai nghe của những người như Robert Bruce Lockhart, Maurice Baring, John Buchan và Somerset Maugham. Aaronovitch kể lại khi các đồng chí ở Anh nghe bài diễn văn nổi tiếng của Khrushchev vào năm 1956 lên án Stalin, thì họ ‘không tin nổi vào tai mình.’

Aaronovitch kể, cha mẹ của ông ‘không chịu chấp nhận sự thật, thậm chí không chấp nhận cả chính mình.’

Hồi ký của Aaronovitch là một bài học tốt cho chúng ta biết rằng con người đói khát một chính nghĩa để tin theo, và sự đói khát đó có thể chạy theo những con đường lầm lạc.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch