Chính sách khủng bố của hồi giáo khổ thay lại là không phải chủ nghĩa hư vô

510

huffingtonpost.fr, Mathieu Slama, 2015-11-20

Nhiều di sản ở Mossoul, Irak bị Nhà nước Hồi giáo Tự xưng phá hủy
Nhiều di sản ở Mossoul, Irak bị Nhà nước Hồi giáo Tự xưng phá hủy

Sau các biến cố bi thảm làm chấn động nước Pháp, từ những ngày gần đây trong một số bài phân tích, chúng ta thường nghe lặp đi lặi lại chữ: “chủ thuyết hư vô”. Quả thật, nghe như vậy thì thật trấn an, thậm chí cảm thấy thoải mái, vì nghĩ rằng những người tấn công đồng bào mình một cách hung bạo lại là những người không tin gì, họ đã thất bại trước, khi đứng trước một nước Pháp hiệp nhất chung quanh các giá trị và nguyên tắc bất khả xâm phạm, được in khắc trong đá hoa cương và trong quần chúng.

Và đó là, theo quan điểm chúng tôi, một sự hiểu sai to lớn, làm sai chung cho cuộc thảo luận. Vì, muốn thắng kẻ thù (nếu còn có thể thắng được), thì trước hết phải tìm hiểu cái khuôn ý thức hệ đã vạch đường để họ đi từ suy nghĩ qua hành động.

Câu nói danh tiếng mà tên khủng bố Mohammed Merah tuyên bố: “Sự chết, tôi yêu nó cũng như bạn yêu sự sống”, câu này là câu của Ben Laden tóm tắt phần lớn huyền bí khó hiểu cho chính sách khủng bố của hồi giáo. Nhiều người chú giải câu này là dấu chỉ của hư vô và phủ nhận sự sống. Nhưng đó không phải cái chết mà những người chủ trương cái chết muốn; đó là cái gì ở phần sau và phần huy hoàng được kết hợp với cái chết “tử đạo”, nhân danh Chúa. Chúng ta đọc lại bản thông báo của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng khi họ nhận họ là tác giả của các vụ tấn công: “Allah đã làm dễ dàng cho anh em chúng ta (sic) và cho họ những gì họ hy vọng (tử đạo). […] Cầu xin Allah nhận họ trong hàng những người tử đạo và cho phép chúng ta được gặp họ”. Dù cho nó đồi bại và ghê tởm tới như thế nào, thì ở đây có một cái gì giống như tín ngưỡng, trong đó, giá trị chính không phải là đời sống con người, cũng không phải là cái chết mà chính là sự phục tùng vào một chính nghĩa cao lớn hơn chính mình – trong trường hợp này là ý của đấng tạo dựng.

Và đây là lời của một người 24 tuổi, thành viên của  Al-Nusra (một nhánh của Al-Qạda ở Syrie), được ghi lại trong một bài viết gần đây của mục Điểm Sách New York (New York Review of Books):

“Xã hội Phương Tây dạy cho chúng ta làm việc cực nhọc để mua xe đẹp, áo quần đẹp nhưng như vậy không phải là hạnh phúc. Tôi là người sống bên lề vì tôi từ chối hội nhập vào hệ thống tham nhũng”. Một người khủng bố hồi giáo nước Úc, trong một video Nhà nước Hồi giáo Tự xưng phát đi vào tháng 4 vừa qua cũng nói y như vậy, khi đưa ra hình ảnh người cha của mình, đi làm về kiệt sức và nói đại ý: “Cuộc đời không thể nào như vậy”. Một ví dụ khác, trong tạp chí Dar-al Islam, một tạp chí tiếng Pháp của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng, viết về chủ đề các cuộc tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo tháng 1 vừa qua:

“Nước này yếu (nước Pháp), lại đang ở trong cơn khủng hoảng kinh tế và đạo đức, mà dân chúng u mê ngây dại bởi những trò chơi giải trí, báo chí bình dân thì dân đọc nhiều hơn báo chí chính trị, lại đi tuyên bố chiến tranh với một Quốc gia (Nhà nước Hồi giáo Tự xưng) nơi mỗi người dân là một chiến sĩ hùng mạnh, được huấn luyện quân sự và chiến tranh là đức tin của mình, hy vọng một thiên đàng vĩnh viễn nếu mình bị giết”.

141117103601-isis-masked-militant-flag-story-topMột trong những động lực tuyên truyền mà Nhà nước Hồi giáo Tự xưng nhắm vào các ứng viên Phương Tây là hứa hẹn một định mệnh, cho những người nào muốn đi theo, họ sẽ tránh được cái xoàng xỉnh thiêng liêng của Phương Tây. Và điều này làm cho ý thức hệ của chính sách khủng bố hồi giáo trở thành nguy hiểm. Kiểu như, tất cả mọi chuyện đều ngang nhau, chính sách khủng bố đương đại là kết quả quái dị của sự “gặp gỡ của các tư tưởng lãng mạn khi đối diện với những chuyện nhỏ bé của thực tế”, nói theo định nghĩa mà văn hào Pháp nói trong quyển “Bà Bovary” của mình, danh từ “chủ thuyết bovary” có nghĩa là tâm trạng bất mãn mà nhân vật chính đau khổ. Điều then chốt ở đây là sự đi tìm điều tuyệt đối, sự cao cả đang nằm ngủ trong lòng mỗi người chúng ta. Đứng trước đe dọa này, chúng ta sẽ lầm khi tưởng rằng cứ đưa ra niềm vui sống, lối sống hưởng lạc êm đềm của chúng ta là được. Bởi chính vì giảm thiểu cuộc hiện sinh của chúng ta ở ngưỡng hưởng lạc này, nên mới góp phần mở các cánh cửa hung tợn của những tên khủng bố ngay chính bên trong biên giới của chúng ta.

Ông Pierre Manent, trong một khảo luận quan trọng công bố cách đây vài tháng “Tình trạng nước Pháp” (Situation de la France, Desclée de Brouwer), nêu lên một Âu Châu “moi hết ruột thiêng liêng” của mình, đã trở thành một “không gian xã hội trừu tượng, nơi chỉ có một nguyên tắc duy nhất là sự hợp pháp của các quyền của con người, kể cả các quyền không giới hạn của một cá nhân riêng”. Ngập sâu trong chủ nghĩa tiêu thụ và cá nhân chủ nghĩa  (hai mặt của một đồng tiền), Âu Châu và nước Pháp không còn hiểu cơ chế thiêng liêng nào đã làm sự tận căn hóa của chính sách khủng bố hồi giáo lại có thể thực hiện được. Nếu chỉ nhìn các yếu tố xã hội, kinh tế hay tâm lý dẫn đến chính sách khủng bố của hồi giáo, thì chúng ta từ chối nắm bắt hiện tượng này trong tầm vóc thiêng liêng của nó, chúng ta từ chối không chịu thấy nhu cầu thiêng liêng thể hiện qua đó. Sự khuếch trương vô tận quyền cá nhân là không đủ, cũng giống như lải nhải nhắc các “giá trị của thể chế cộng hòa” cũng không đủ.

Xuất hiện đột ngột và hung bạo ngay từ thời kỳ đầu của huyền thoại hồi giáo ngay thời siêu-hiện đại, Nhà nước Hồi giáo Tự xưng cũng là triệu chứng của tình trạng thế giới y như tình trạng của phương tây mà nó là phản đề quái dị (nó cũng dùng lại tất cả mã số, tất cả dụng cụ cho sự tuyên truyền của nó). Phương Tây “đặt vào bảo tàng” di sản thì Nhà nước Hồi giáo Tự xưng, tự cho mình không thờ ngẫu tượng, từ chối những thứ thuộc về con người, họ vứt bỏ các di sản. Phương Tây không cách nào đối diện được với cái chết, Nhà nước Hồi giáo Tự xưng xem cái chết là phần thưởng tối hậu. Phương Tây gần như hoàn toàn thế tục hóa, xếp việc thờ phượng vào lãnh vực đơn thuần riêng tư thì Nhà nước Hồi giáo Tự xưng biến Chúa thành khúc đầu, khúc giữa, khúc cuối cho ý thức hệ của họ. Phương Tây đặt cá nhân thành một giá trị tối thượng, đối với Nhà nước Hồi giáo Tự xưng thì cá nhân không là gì, chỉ ý thức hệ mới đáng kể.

Nếu muốn hiểu sự thôi miên mà Nhà nước Hồi giáo Tự xưng làm được thì cần thiết phải xem lại các sai lầm của mình, bắt đầu bằng sự bất lực của chúng ta, không thể tiếp nhận được chiều kích thiêng liêng riêng cho từng người, cho từng cộng đoàn. Văn hào Louis-Ferdinand Céline than thở, “Chúng ta than phiền mình không có huyền thoại, không có điều huyền bí, không có điều cao cả”. Và cùng một lúc phải chiến đấu các điều quái dị thì cũng phải khẩn cấp đập tan mấy con quỷ riêng của chúng ta.

isis-ethiopia-video

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch