Lấy tôn giáo biện hộ cho các vụ tấn công Paris, là ‘phạm thượng’

443

Vatican Insider – Joshua J. Mcelwee – 15/11/2015

Cuối buổi kinh Truyền tin ở Quảng trường thánh Phêrô, hôm chúa nhật 15-11, Đức Giáo hoàng nói với giọng trầm buồn, ‘Tôi muốn bày tỏ nỗi đau của mình trước những vụ tấn công vào tối thứ sáu, đã nhuộm máu Paris, gây thiệt mạng cho quá nhiều người.

Với tổng thống và toàn thể công dân Cộng hòa Pháp, tôi xin gởi lời an ủi trong tình huynh đệ. Tôi đặc biệt chung lòng với gia đình những người đã thiệt mạng và bị thương.

Sự dã man này khiến chúng ta hoang mang, và khiến chúng ta phải tự hỏi làm thế nào trái tim con người có thể nghĩ đến và phải chứng kiến những sự kiện kinh khủng như thế này, một sự kiện chấn động không chỉ nước Pháp mà còn là toàn thể thế giới.

Trước những việc làm này, bạn không thể không lên án sự phỉ báng không thể nói nổi mà người ta đối xử với phẩm giá con người. Tôi muốn quyết liệt xác nhận rằng con đường bạo lực và thù ghét không vãn hồi được các vấn đề của nhân loại, và một điều nữa là dùng danh Thiên Chúa để biện hộ cho con đường tàn ác này là phạm thượng!’

Rồi Đức Giáo hoàng cùng với hàng ngàn người hành hương trên quảng trường, cầu nguyện đặc biệt với Đức Trinh nữ Maria, xin Mẹ ‘bảo vệ và che chở cho nước Pháp thân yêu, trưởng nữ của Giáo hội, và cho châu Âu cùng toàn thể thế giới.’

Tin tức về những vụ tấn công Paris vẫn được cập nhật, và hầu hết nguồn tin cho biết có 3 vụ nổ và 6 vụ xả súng hàng loạt, ở nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố vào đêm thứ sáu. Theo báo cáo cuối cùng, ít nhất 129 người thiệt mạng, và nhiều người khác bị thương.

Tổng thống Pháp François Hollande đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và ngay lập tức đóng cửa đường biên giới để ngăn chặn bất kỳ kẻ tấn công nào có thể trốn thoát.

people-lay-floral,

Đầu buổi kinh Truyền tin, Đức Phanxicô đã suy niệm về những lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ về thời cánh chung. Đức Giáo hoàng dùng suy niệm này để nói lên rằng tình yêu người thân cận là ‘quyền lực vinh thắng’ duy nhất trên thế giới.

‘Mục đích tối hậu của chúng ta là gặp gỡ Chúa phục sinh. Và tôi muốn hỏi các bạn: ‘Có bao nhiêu người trong các bạn từng nghĩ về điều này?’ Sẽ có một ngày, tôi sẽ gặp Chúa, mặt đối mặt.

Mục đích của chúng ta chính là cuộc gặp gỡ này. Chúng ta không chờ đợi một thời điểm hay một nơi chốn, nhưng chúng ta chờ để gặp một con người, là Chúa Giêsu. Vì thế, vấn đề không phải là ‘khi nào’ những dấu chỉ của thời cánh chung sẽ đến, nhưng vấn đề làm phải sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ này.

Và cũng không phải là biết mọi chuyện sẽ ‘thế nào’ nhưng là chúng ta sẽ phải hành động ‘thế nào’ ngày nay, chờ đợi cho cuộc gặp gỡ. Chúng ta được kêu gọi hãy sống hiện tại, xây dựng tương lai với sự thanh thản và tin tưởng nơi Chúa.

Thiên Chúa kêu gọi chúng ta hãy nhìn vào thời đại của mình qua lăng kính hi vọng.

Đây là một nhân đức rất khó để sống: hi vọng, đức cây, nhân đức nhỏ nhất nhưng mạnh nhất. Và hi vọng của chúng ta có một gương mặt rõ ràng, là gương mặt của Thiên Chúa phục sinh, Đấng đến với quyền năng và vinh quang cao cả, thể hiện qua tình yêu khi chịu đóng đinh trên thập giá, và biến đổi trong sự phục sinh.

Chiến thắng của Chúa Giêsu, vào thời cánh chung sẽ là chiến thắng của Thập giá, sẽ là minh chứng cho hi sinh mà các bạn dành cho người thân cận của mình trong sự mật thiết với Chúa Kitô, đây là sức mạnh chiến thắng và là điểm quy chiếu duy nhất giữa những biến động và bi kịch của thế giới này.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch