Một ký giả của báo Thập Giá chứng kiến cuộc khủng bố: “Thời gian dường như ngừng lại”

578

la-croix.com, Olivier Tallès, 2015-11-14

Paris 13-11-2015

Tối thứ sáu 13 tháng 11-2015, khi có cuộc tấn công khủng bố xảy ra vào khoảng 21h30 thì ký giả Olivier Tallès, ký giả chuyên mục thế giới của báo Thập Gia đang ngồi ở một quán góc đường Faubourg-du-Temple và Fontaine-au-Roi.

“Tôi ở khu phố Belleville này từ nhiều năm nay, đây là một khu phố náo nhiệt và đầy sắc dân ở Paris. Tôi có hẹn với một cô bạn bác sĩ để uống một ly ở quán góc đường này, quán này tôi chưa từng biết.

Sợ hãi và phản xạ

Cô bạn ngồi chờ tôi ở dãy cuối của quán. Các chỗ gần cửa kiếng phía đàng trước thì đã đầy. Sân thượng cũng đã đầy. Ngoài đường, người qua lại hấp tấp vội vàng. Chừng khoảng mười lăm phút thì tôi nghe tiếng nổ bùng phát như pháo nổ. Khi tôi quay nhìn về phía cửa kiếng, tôi thấy những tia chớp của đạn xuyên qua kiếng.

Tôi nằm xuống đất. Những người ngồi mấy bàn trước tôi ngã gục, họ bị thương. Tôi bò ra phía cửa. Một phản xạ, chắc chắn do tôi sợ thấy tên khủng bố tiếp tục bắn. Rồi loạt liên thanh đó bỗng đột ngột ngừng. Tôi quay trở lại ngay lập tức.

Thời gian ngừng trôi

Giữa các lằn đạn và mười phút sau đó, thời gian như ngừng trôi. Từng giây đồng hồ trở thành từng giờ. Tôi không còn nhớ người dân vừa hét vừa chạy trốn như trong phim. Yên lặng hoàn toàn. Tôi nghĩ ngay đây là một hành động khủng bố. Chắc chắn các khách hàng khác cũng nghĩ như tôi.

Một số người thoát hiểm ngoài sân thượng đi vào nhà ngay. Còn người khác thì thích chạy trốn cảnh khủng khiếp chăng? Tôi không biết. Các nhân viên chạy bàn là những người hoàn hồn đầu tiên. Họ làm ngay những việc cần phải làm, họ phát khăn lau, phát khăn chùi. Họ nhặt nhạnh ví xách rơi dưới đất hoặc còn để trên bàn, họ mang người bị thương lên nằm trên băng ghế.

“Gương mặt của thanh niên còn hằn trong tâm trí tôi”

Khách hàng đến gần những người bị thương và thân nhân của họ. Cô bạn bác sĩ của tôi buộc khăn cầm máu, rồi những người thoát hiểm cũng bắt chước làm theo. Phải băng chận trước vết thương để ngăn máu chảy. Một vài nạn nhân bị thương rất nặng, ở cánh tay, ở chân, ở ngực.

Cô bạn tôi không làm gì được với thanh niên ngồi cách bàn chúng tôi vài mét. Anh nằm dưới đất, viên đạn bắn qua đầu. Anh còn trẻ. Mạch của anh vẫn còn đập. Nhưng anh chết trước khi toán cấp cứu đến. “Gương mặt của anh còn hằn trong tâm trí tôi, tôi có cảm tưởng như mình vô dụng”, cô bạn tôi nói dù cho cô đã từng chứng kiến nhiều người chết ở bệnh viện.

Giữa các vũng máu và hoảng sợ, một thanh niên trẻ bị thương người Á Châu đã tỏ ra bình tỉnh một cách lạ lùng. Anh vẫn giữ nụ cười, nằm dài trên băng ghế, không rên la, anh khuyên mọi người đi săn sóc người khác. Đối với vài người thì đã quá chậm. Hai xác người nằm ngoài đường. Cảnh sát cho biết đã có ít nhất 5 nạn nhân ở vụ khủng bố đường Fontaine-au-Roi.

Khẩn cấp và những người bị thương

Khoảng 10-15 phút sau, tôi không nhớ rõ, cảnh sát đến hiện trường. Bên ngoài là cảnh hoảng loạn. Một nhân viên mặc áo dân sự cầm súng nhắm ngoài đường, người qua đường bắt đầu chạy. Rồi không còn gì xảy ra. Một cô sinh viên người Ý hoàn hồn sau khi nghe các lời trấn an.

Các người lính cứu hỏa Paris, cao to, chuyên nghiệp và tin tưởng vào quán cà phê một lúc mà đối với tôi như vô tận. Các người bị thương, khoảng mười lăm người, được săn sóc tại chỗ. Bốn mươi lăm phút sau, nhân viên cấp cứu Samu cũng chưa đưa họ vào các bệnh viện  Paris. Sau này tôi hiểu đã có một loạt khủng bố mà các bác sĩ phải đương đầu với một số lượng lớn người bị thương.

Để tránh chờ đợi và lo lắng.

Tình trạng khẩn cấp dần dần bắt đầu. Đối với những người thoát hiểm, họ chưa được quyền về nhà theo ý mình. Cảnh sát cho biết họ đang truy tìm thủ phạm nên cần thâu lượm lời của nhân chứng. Chúng tôi được đưa đến phòng kịch của dinh nước đá trước mặt quán bar, để dành chỗ cho nhân viên cứu thương. Càc hàng rào chắn đóng lại. “Một đợt tấn công đang được chuẩn bị trong khu vực”, một nữ cảnh sát viên loan báo. Chúng ta sẽ không biết khi nào cuộc tấn công này chấm dứt.

Để tránh chờ đợi và lo lắng, mọi người điện thoại cho người thân, nhờ đó họ biết được tầm lớn lao của các cuộc tấn công khủng bố vào thủ đô, những cuộc tấn công đầy thuốc súng của một buổi chiều. Có tiếng khóc đây đó nhưng không có cuồng hoảng, không có những lời nói hận thù. Chất giọng chừng mực, đúng đắn.

Cảnh sát khoa học làm việc ở hiện trường góc đường Faubourg-du-Temple và Fontaine-au-Roi, theo các nhân chứng ít nhất có 5 người bị thiệt mạng ở đây.
Cảnh sát khoa học làm việc ở hiện trường góc đường Faubourg-du-Temple và Fontaine-au-Roi, theo các nhân chứng ít nhất có 5 người bị thiệt mạng ở đây.

Tình nhân loại không bao giờ bị chà đạp

Trong khi các thiện nguyện viên của Hội Chữ Thập Đỏ đi giữa các hàng ghế trống, họ phát nước và nói lời trấn an thì tôi nói chuyện với hai người Đan Mạch thiện cảm và rất dũng cảm. Họ thấy một tên khủng bố mang súng tấn công khi có cuộc tấn công vào quán cà phê.

Họ đi đến đường Fontaine-au-Roi khi có vụ nổ súng. Họ có thể chạy trốn và về lại khách sạn, họ muốn ở lại tại chỗ vì biết cảnh sát sẽ muốn nghe lời chứng của họ. Khoảng 2h30 sáng, các cánh cửa của phòng kịch mở. Mỗi người được mời đi về nhà mình. Họ rụt rè chào nhau. Họ cám ơn sự bình tỉnh của các người phục vụ, họ trao đổi số điện thoại.

Cho đến cùng, người thoát hiểm cũng như nạn nhân, các nhân chứng của vụ khủng bố, tất cả đều có một thái độ đáng phục. Những con người đứng vững trước đối phương, như tôi đã từng thấy ở Phi Châu, ở Ukraina hay ở những nơi có chiến tranh xảy ra. Một tình nhân loại mà những người tấn công sẽ không bao giờ đè bẹp được.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch