la-croix.com, Simon Leplâtre, Anyang, Trung Quốc, 08-05-2015
Ngày 4 tháng 8 ở địa phận Anyang, tân giám mục công giáo Yilin được nhà cầm quyền cộng sản chọn nhưng cũng được Vatican chấp nhận, đây là giám mục đầu tiên được phong từ ba năm nay.
Các con đường chung quanh Nhà thờ Thánh Tâm ở Anyang đã bị cảnh sát dùng giây ngăn chận. Giáo dân phải ghi tên trước mới được vào nhà thờ tham dự Thánh lễ phong chức giám mục Joseph Zhang Yilin ngày 4 tháng 8 vừa qua. Báo chí nước ngoài không được đến. Rất nhiều tín hữu Trung Quốc cũng bị ở ngoài.
Dù có sự hiện diện của ba giám mục, hàng trăm linh mục, hàng ngàn giáo dân công giáo nhưng cũng không có gì bảo đảm cho nhà cầm quyền thành phố Anyang ở bang Hà Nam thuộc miền Trung của Trung Quốc. Lý do: Năm 2012, trong lần phong giám mục Thaddeus Ma Daqin ở Thượng Hải, khi vừa được phong chức xong, giám mục Daqin đã công khai gạt tổ chức Công giáo Yêu nước của Trung Quốc (CPA), một tổ chức chính trị có nhiệm vụ báo cáo cho chính quyền các sinh hoạt tôn giáo, hành vi này được hàng trăm linh mục và giáo dân hiện diện vỗ tay. Từ đó giám mục Daqin bị quản thúc và không có một tân giám mục nào được phong chức sau đó.
Việc bổ nhiệm các giám mục là một thông tục bất đồng ý kiến giữa Vatican và nhà cầm quyền Trung Quốc, hai bên không chấp nhận ý kiến của nhau dù có sự hâm nóng quan hệ, dù có sự trao đổi không chính thức đang diễn ra từ một năm nay. Trong các giai đoạn căng thẳng, các giám mục được Bắc Kinh phong chức mà không có sự đồng ý của Vatican. Một vài người bị Tòa Thánh dứt phép thông công. Còn về giám mục Zhang Yilin ngài được Vatican chấp nhận trước khi được Hội Công giáo Yêu nước chọn. Ba giám mục hiện diện trong buổi phong chức hôm nay đều được Vatican chấp nhận.
“Giám mục Zhang Yilin được Đức Bênêđictô XVI chọn cách đây ba hoặc bốn năm và địa phận đã xin nhà cầm quyền phong chức nhiều lần”, một linh mục giải thích. Cũng như nhiều người khác, linh mục này xin giữ ẩn danh vì bề trên không cho phép các linh mục được được phát biểu với ký giả.
Lần này, việc phong chức được diễn ra mà không gặp trở ngại. Sau một Thánh lễ dài ba giờ, các giáo dân tươi cười ra khỏi nhà thờ. “Rất tốt, rất đẹp”, một nhóm các bà trong khoảng 40, 50 tuổi cho biết như trên trước khi họ lên xe buýt để đi về làng của mình. “Tôi rất vui giám mục Zhang Yilin là giám mục của chúng tôi, ngài có một đức tin sâu đậm. Ngài xuất thân từ một gia đình công giáo truyền thống. Gia đình ngài có năm anh em và ba anh em là linh mục!”, một linh mục quen biết ngài cho biết.
Giám mục Zhang Yilin người nhỏ con, linh hoạt, giám mục lớn lên ở đồng quê trong miền núi Qian Jia Jin, một nơi hành hương cách Anyang khoảng 60 cây số. “Nhưng bây giờ khách hành hương không đến đây được, cảnh sát đã chặn các đường đi”, linh mục cho biết.
Kiểm soát chặt chẽ các sinh hoạt xã hội
Từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông kiểm soát chặt chẽ các sinh hoạt xã hội ở Trung Quốc. Ở bang Chiết Giang (vùng Nam-Đông), một bang có nhiều Kitô hữu nhất nước, đa số theo đạo Tin Lành, họ đối diện với việc triệt hạ thánh giá trên các nhà thờ và các đền đài. Một năm rưỡi sau các vụ triệt hạ đầu tiên, trong đó có vụ triệt hạ cây thánh giá của một đền thờ rất lớn của Tin Lành ở bang Ôn Châu thì công việc triệt hạ này vẫn còn tiếp diễn. Đến mức tuần vừa qua Giám mục công giáo Vincent Zhu Weifang, 89 tuổi đã phải cùng với 26 linh mục đến tòa thị chính để phản đối. Giám mục Weifang từng bị giam cầm hai mươi năm.
Hai đường lối nghịch nhau? Không, giáo sư nhân chủng học Robert Weller ở Đại học Boston trả lời. Giáo sư chuyên nghiên cứu về các tôn giáo và các phong trào kháng cự chính quyền ở Trung Quốc. “Chiến dịch triệt hạ các cây thánh giá là một chiến dịch địa phương, giáo sư nhấn mạnh. Chính quyền trung ương cho rằng phải thay đổi đường lối tôn giáo nhưng họ không đưa ra đường lối chính xác phải thay đổi như thế nào. Điều này đã thúc đẩy một vài chính quyền địa phương có biện pháp rất nghiêm nhặt. Ngược lại, việc phong giám mục là việc ở tầm mức quốc gia quyết định, bao gồm các quan hệ với Tòa Thánh, vì thế đối với Bắc Kinh công việc này rất quan trọng.”
“Cai trị với một con mắt mở một con mắt nhắm”
Các quan hệ với Vatican được cải thiện một ít kể từ ngày Chủ tịch Tập Cận Bình lên cầm quyền cũng như kể từ ngày Đức Giáo hoàng Phanxicô được bầu chọn, họ đã có những bức thư trao đổi chúc mừng nhau. Nhưng sự cải thiện nhỏ này phải đối diện với sự kiểm soát xã hội của nhà cầm quyền Trung Quốc qua việc chống tham nhũng, việc áp dụng nghiêm nhặt luật lệ và việc triệt hạ những người chống chính quyền. Ngạn ngữ Trung hoa có câu: “Cai trị với một con mắt mở một con mắt nhắm”. Đó là điều xảy ra gần như khắp mọi nơi với đường hướng đối xử với tôn giáo, ông Robert Weller cho biết. Ở Zhejiang, chính quyền tiểu bang nói rõ : “‘Chúng tôi mở hai mắt’. Hiện nay chính quyền trung ương không ở trong đường hướng này.”
Ngay sau xế trưa, hàng trăm cảnh sát đã rời khu vực Anyang mang theo các hàng rào chắn họ đã dựng lên sáng nay ở nhà thờ Thánh Tâm. Ngoài sân, một số linh mục ngần ngại không phát biểu với báo chí nhưng cũng có một số linh mục tình nguyện thảo luận với báo chí. Các nhà cầm quyền đã khép một mắt.
Giáo hội Công giáo dưới Chế độ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc
Năm 1949, khi Đảng cộng sản lên nắm chính quyền, người công giáo bị cho là có liên hệ với người nước ngoài trong trận chiến tranh nha phiến của thế kỷ 19. Vatican công nhận Đài Loan nhưng không công nhận tân chính quyền cộng sản và tình trạng này vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay.
Năm 1957, Trung Quốc thành lập Hiệp hội Công giáo Yêu nước để Đảng Cộng sản có quyền và kiểm soát Giáo hội. Từ đó, những ai không công nhận sự đỡ đầu của Bắc Kinh và tiếp tục tuân phục Rôma thì họ thành lập Giáo hội “chui”.
Từ năm 1966 đến năm 1976, cuộc Cách mạng Văn hóa đã phá hủy rất nhiều cơ sở tôn giáo.
Giai đoạn “cải cách và cởi mở” đã cho phép giáo dân được giữ đạo nhưng họ luôn chịu sự kiểm soát ít nhiều nghiêm khắc tùy theo giai đoạn và tùy theo từng chính quyền địa phương.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch