Phức tạp của Anh hùng

506

Phức tạp của Anh hùng

Ronald Rolheiser, 22 Tháng Sáu 2015

Vài năm về trước, bộ phim Argo đã giành giải Academy cho phim xuất sắc nhất năm 2012 Tôi vui khi xem bộ phim này, một kịch bản tốt, với sự hồi hộp thích đáng, và một vài chi tiết hài hước vui đùa nữa. Nhưng có vài khía cạnh trong phim khiến tôi phải đương cự lại. Thứ nhất, là một người Canada, tôi phần nào thấy bị xúc phạm khi vai trò then chốt của người Canada trong việc giải cứu các con tin Hoa Kỳ khỏi Iran năm 1979, bị hạ thấp đến mức hầu như không xuất hiện trong cốt truyện. Bộ phim này đáng ra phải thành thật hơn, khi nhận rằng mình ‘dựa trên một câu chuyện có thật.’

Nhưng đó chỉ là một bất bình đôi chút chứ không có gì nghiêm trọng. Nghệ thuật có quyền cường điệu để nêu bật một thực tế nào đó. Tôi không phàn nàn gì với nhà sản xuất về điều này. Nhưng, điều khiến tôi phiền lòng, một chuyện thường có trong các bộ phim Hollywood và các tác phẩm nổi tiếng, là chúng ta được xem một anh hùng trần gian với sự lý tưởng hóa non nớt, kiểu một tay cứu cả thế giới, và sự biệt lập của anh hùng này đi kèm với một kiêu ngạo nhất định, được mô tả như sự con người thượng đẳng. Nhưng, người anh hùng kinh điển này, với ‘con đường riêng của mình’ với sự khôn ngoan và tài năng làm lu mờ tất cả, chỉ là một ảo tưởng non nớt mà thôi.

Vậy thì ‘anh hùng kinh điển’ như thường được mô tả trong nhiều bộ phim, có gì là sai trái?

Điều sai trái chính là, theo các thần thoại cổ và nhiều nhà nhân học, triết học,và tâm lý học, thì dạng ‘anh hùng’ này không phải là nguyên mẫu của một chiến binh hay ngôn sứ đích thực. Một đấng cứu tinh, một ngôn sứ, hay chiến binh đích thực, thì không phải là một ‘anh hùng’ nhưng là một ‘hiệp sỹ.’ Và đây là điểm khác biệt:  Anh hùng hành động theo kế hoạch của mình, còn hiệp sỹ hành động theo kế hoạch của một người khác. Hiệp sỹ quy phục theo một vị vua. Hiệp sỹ, như Chúa Giêsu, ‘không làm gì theo ý mình.’

Nhưng điều này thật không dễ để hiểu và chấp nhận. Sự lý tưởng hóa dữ dội mà chúng ta gởi gắm vào các anh hùng và anh thư, thì như tình yêu của một thiếu niên vậy, quá mãnh liệt như say thuốc, và thật khó để nhìn ra những gì trọn vẹn và trưởng thành hơn. Tình yêu ám ảnh mà Romeo và Juliet đã chết vì nó, thật quá đỗi mãnh liệt, nhưng một cặp vợ chồng, đã nắm tay nhau đi suốt 50 năm hôn nhân, mới là hình mẫu thực sự của tình yêu. Người anh hùng, đơn độc, tách biệt, và bất cần là hình tượng mà một người trưởng thành trọn vẹn hơn sẽ không noi theo. Alan Ladd lái xe đi vào ánh hoàng hôn trong phim Shane, các nhân vật do Sylvester Stallone or Arnold Schwarzenegger thủ vai, và cả anh hùng Argo nữa, đều bỏ qua, ngay cả mệnh lệnh của tổng thống trong việc giải cứu các con tin ở Iran.

Triết gia đoạt giải Nobel, Albert Camus, trong quyển sách ‘Bệnh dịch’ đã cho chúng ta một ví dụ về người anh hùng cao cả nhất. Người anh hùng của ông là bác sỹ Rieux, một người vô thần, và vì thế, ông đấu tranh với vấn đề ý nghĩa: Nếu không có Thiên Chúa, liệu có thể có ý nghĩa nào hay không? Liệu các đức tính hay sự quảng đại cuối cùng có làm nên điều gì khác biệt hay không? Bác sỹ Rieux đã trả lời các câu hỏi này cho bản thân mình, bằng cách tìm ý nghĩa trong việc không chút ích kỷ trao ban bản thân, mạo hiểm mạng sống để chiến đấu với bệnh dịch.  Còn điều gì có thể cao cả hơn thế? Không có mấy điều thổi bùng lên hình tượng lãng mạn cho bằng cuộc nổi dậy đạo đức này. Vậy thì, có điều gì cao thượng hơn người anh hùng trong phim Argo, đã đơn độc đương đầu với chế độ Iran?

Charles Taylor có câu trả lời cho điều này. Khi bình luận về nhân vật anh hùng của Camus, Taylor nói rằng: ‘Đây có phải là thước đo tối hậu cho sự hoàn hảo? Nếu chúng ta nghĩ rằng nhân đức là sự nhận thức của các cá thể đơn độc, thì có vẻ đúng là thế. Nhưng giả như, sự thiện tột cùng hệ tại ở sự thông hiệp, trao và nhận, như trong dụ ngôn bàn tiệc tận thế. Mà chủ nghĩa anh hùng của nhưng không, thì không có chỗ cho sự có qua có lại. Nếu bạn trả lại cho tôi điều gì đó, thì quà tặng của tôi không còn là hoàn toàn nhưng không, và ngoài ra, trong những trường hợp cực đoan, tôi biến đi cùng với quà tặng của mình, và giữa chúng ta tuyệt không thể có bất kỳ thông hiệp nào cả, Chủ nghĩa anh hùng đơn phương này là một thứ tự khép kín. Nó chạm đến giới hạn tận cùng trong xúc cảm của chúng ta khi được đánh động bởi ý thức về phẩm giá mình. Nhưng, cuộc đời là thế ư? Đức tin Kitô giáo có một lập trường hơi khác về điều này.’

Và đó là: Chúng ta thấy điều này nơi Chúa Giêsu. Ngài đến trong thế gian, với tư cách vị cứu tinh, xóa bỏ quyền lực bóng tối, bạo lực, bất công, Ma quỷ và sự chết. Nhưng hãy xem, Ngài nói những gì: Ta không làm sự gì theo ý riêng mình. Ta hoàn toàn vâng phục Cha. Chúa Giêsu không bao giờ là một ‘anh hùng’ một ‘người đơn thương độc mã’ làm theo ý mình, và hiếm khi che giấu một tâm thức thượng đẳng thiển cận tự mãn. Chúa Giêsu là hình mẫu của một ‘hiệp sỹ,’ một người lính khiêm hạ luôn luôn quy phục Vua của mình.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch