Điều tốt nhất có thể làm chiếu theo hoàn cảnh

421

ron_rolheiser_omiĐiều tốt nhất có thể làm chiếu theo hoàn cảnh

Ronald Rolheiser, 15 Tháng Sáu 2015

Mới đây, tôi có linh hướng tĩnh tâm một tuần cho khoảng 60 người. Nhìn chung, mọi chuyện tốt đẹp, dù tôi nghĩ là có thể tốt hơn nữa. Buổi tĩnh tâm sẽ tốt đẹp hơn, nếu trước khi đến đó, tôi có thêm giờ để chuẩn bị và thêm giờ để nghỉ ngơi, hầu có đầy sinh lực để có thể chú tâm hoàn toàn không chia trí cho nhóm tĩnh tâm trong suốt 7 ngày này.

Tất nhiên, là không được như vậy. Những ngày trước cuộc tĩnh tâm này, tôi phải gánh vác nhiều áp lực của việc mục vụ thường nhật, khiến cho tôi quá tải và mệt mỏi. Thật sự là, trong những ngày trước đó, tôi đã phải làm việc thêm nhiều giờ để có thể thu xếp đến linh hướng cho cuộc tĩnh tâm. Vậy nên, khi đến nơi, tôi phần nào kiệt lực, và đem theo với mình rất nhiều áp lực từ trách vụ thường nhật.

Dù thế, cuộc tĩnh tâm đã diễn ra khá tốt đẹp. Tôi có đủ sức và đủ tập trung để cho mọi chuyện diễn tiến đủ căn bản. Nhưng, xét về mặt lý thuyết, tôi đã không làm tốt nhất, dù đó đã là điều tốt nhất tôi có thể làm trong hoàn cảnh này.

Tự thú như thế, sẽ là công tâm khi hỏi một câu: Liệu những người đi tĩnh tâm có quyền được có tôi trong trạng thái sẵn sàng hơn, lại sức hơn, và chuẩn bị hơn để cho họ một sự chú tâm trọn vẹn, hay không?  Đúng là công tâm. Họ có quyền đó, ngoại trừ việc tất cả những người đang chịu ảnh hưởng từ trách vụ thường nhật của tôi cũng có quyền như vậy. Họ cũng có quyền với thời gian của tôi, với con người tôi không kiệt quệ, nhưng đầy năng lượng và chú tâm hoàn toàn. Trong suốt những tuần tĩnh tâm, trách vụ thường nhật của tôi chuyển xuống thành thứ hai. Tôi không đem lại được cái tốt lý tưởng nhất của tôi, nhưng chỉ là điều tốt nhất tôi có thể làm theo hoàn cảnh.

Tôi cho rằng hầu hết chuyên gia về kiểm soát thời gian, và không ít các cố vấn và linh hướng, sẽ bảo tôi rằng lý do tồn tại sự căng thẳng áp lực này trong đời là bởi tôi đã không làm rõ những ưu tiên hàng đầu và trung tín với chúng, từ đó sự lưỡng lự tùy tiện này là không công bằng với tất cả mọi người ở mọi phía. Nếu tôi quá tham công tiếc việc, thì đó là lỗi của tôi, hoàn toàn và đơn thuần là vậy, và tôi có trách nhiệm đạo đức phải sửa đổi nó.

Nhưng có thật mọi chuyện đơn giản như vậy không? Chúng ta có thực sự được định là kiểm soát được đời mình nhiều đến vậy không? Không phải hoàn cảnh và nhu cầu luôn luôn thắng đòi hỏi này hay sao? Không phải những năm tháng sinh sôi trong cuộc đời, có giá trị hơn việc chỉ bảo đảm cho sức khỏe và nghỉ ngơi của chúng ta hay sao? Ngay cả khi mục đích của việc chăm sóc bản thân không phải do động cơ ích kỷ, nhưng là để phục vụ người khác tốt hơn, thì chẳng lẽ việc phục vụ đó là cái cớ cuối cùng sao? Nhu cầu thì bất tận, mà nguồn lực của chúng ta thì có hạn, không phải đây luôn là điều gây nên căng thẳng hay sao?

Hoàn cảnh ép buộc chúng ta, và theo lời Chúa Giêsu, thì nó thắt lưng và dắt chúng ta đến nơi mình không muốn, cụ thể là, ra khỏi sự tiện nghi của chúng ta, vượt ngoài sự nghỉ ngơi thích đáng và ngoài tầm kiểm soát thời gian biểu cũng như sinh lực của chúng ta. Phải thừa nhận là thật nguy hiểm khi tham công tiếc việc, ngoài trừ việc, cũng nguy hiểm như thế khi trốn tránh công việc để luôn kiểm soát được sức lực và các lo toan của mình cũng như được nghỉ dưỡng cho thật tốt. Chúng ta có thể nổ tung, nhưng cũng có thể cùn rỉ.

Tất nhiên, điều này có thể là một lập luận cho việc không đưa ra những ưu tiên hàng đầu đúng đắn, và để mình bị cuốn theo hoàn cảnh mà không suy nghĩ gì. Nhưng, điều trái ngược cũng có thể là lập luận cho việc bảo vệ quá đáng những tiện nghi và nghỉ ngơi của mình. Đây chính là căng thẳng, và là căng thẳng tiền định. Đôi khi chúng ta quá ham công tiếc việc, và đôi khi quá trốn tránh công việc. Hầu hết những người tôi ngưỡng mộ nhất trên thế giới đều phải chịu chứng đầu tiên, ham công tiếc việc, và ngược đời thay, điều này dường như lại cho họ thêm sinh lực. Chúa Giêsu, khi nhắc nhở hãy chăm sóc bản thân cho tốt (‘Hãy đi tìm chỗ và nghỉ ngơi chốc lát’ Mc 6,31) cũng bảo chúng ta răng, phải trút cạn bản thân cho người khác mà không lo lắng quá nhiều liệu điều này có giết chết chúng ta hay không.

Tôi từng nghĩ như thế khi đi linh hướng cuộc tĩnh tâm mới đây, biết rằng những người đi tĩnh tâm cũng như trách vụ thường nhật của tôi đều không được hưởng sinh lực tốt nhất nơi tôi … dù cả hai đều được nhận hết sức tôi có thể làm được, chiếu theo hoàn cảnh.

Và đây chẳng phải là một hình ảnh tốt cho trọn cuộc đời chúng ta hay sao? Chúng ta có sinh lực hữu hạn, thời gian hữu hạn, sự chú tâm hữu hạn, và lại luôn luôn bị cưỡng bách bởi hoàn cảnh, nhu cầu và áp lực. Luôn luôn có chuyện gì đó!  Và thường chúng ta gặp áp lực chính là về thời gian, sức lực, và chú tâm. Trong bất kỳ thời điểm nào trong đời, nếu thành thật, chúng ta sẽ nói rằng: Đây không phải là điều tốt nhất tôi có thể làm được, xét về mặt lý thuyết, nhưng đây là điều tốt nhất tôi có thể làm được, chiếu theo hoàn cảnh!

Xét tận cùng, điều này thật đúng suốt cuộc đời chúng ta. Không bao giờ được như lý tưởng, nhưng đó là điều tốt nhất chúng ta có thể làm, chiếu theo hoàn cảnh. Và như thế là quá đủ, khi đứng trước mặt Đấng Tạo Tác chúng ta trong ngày phán xét.

Men-at-Work

J.B. Thái Hòa chuyển dịch