Khôn ngoan tối hậu của Tiến hóa

382

 

Khôn ngoan tối hậu của Tiến hóa

Ronald Rolheiser, 05-04-2015

Charles Darwin tuyên bố rằng, Tiến hóa hoạt động qua sự sinh tồn của những loài thích nghi nhất Mặt khác, Kitô giáo lại tận tâm cho sự sinh tồn của những người yếu đuối nhất. Nhưng, chúng ta làm sao để tương hợp lý tưởng Kitô giáo về việc chọn lựa ưu tiên cho người yếu đuối, với sự tiến hóa?

Tự nhiên là tiến hóa, và trong đó, chúng ta có thể lĩnh hội được một khôn ngoan biểu lộ rõ ràng sự minh tuệ, mục tiêu, tinh thần và dự định của nó. Có lẽ chính trong tiến trình tiến hóa, chúng ta thấy quá rõ ràng rằng tự nhiên trở nên hợp nhất, phức hợp, và ý thức hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, khôn ngoan và ý định của Thiên Chúa cũng được phản ánh bên trong quá trình tiến hóa, dù không phải lúc nào cũng rõ ràng, bởi tự nhiên cũng có thể trở nên quá đỗi tàn bạo. Để sinh tồn, tất cả mọi loài trong tự nhiên phải ăn thịt đồng loại và các loài khác trong tự nhiên. Chỉ có loài thích nghi nhất mới sinh tồn. Và đây thật là một sự tàn bạo khốc liệt. Khi nhấn mạnh về việc tự nhiên có thể tàn bạo và bất công đến đâu, các nhà bình luận thường đưa ra ví dụ về chuyện con bồ nông con thứ hai. Và chuyện này thật tàn bạo cùng bất công quá mức:

Con bồ nông cái thường đẻ hai trứng, nhưng lại đẻ cách nhau vài ngày, nên một con sẽ nở trước con kia vài ngày. Điều này cho con bồ nông con đầu tiên có một khởi đầu thuận lợi, và cho đến khi con thứ hai mổ vỏ ra đời, thì con đầu đã to hơn và khỏe hơn. Nên nó áp đảo con bồ nông thứ, giành lấy thức ăn và đẩy con bồ nông thứ tội nghiệp ra khỏi ổ. Và, khi bị mẹ mình bỏ mặc, tự nhiên, con bồ nông thứ sẽ chết vì đói, cho dù có cố gắng về lại ổ đi chăng nữa. Trong số các con bồ nông con thứ, tỷ lệ sống sót chỉ là 10%. Và lập luận tàn bạo của tự nhiên là: Con bồ nông thứ được sinh ra như một chính sách bảo hiểm, đề phòng trường hợp con đầu quá yếu hay chết yểu. Và do đó, số phận của nó là chết đi, là bị bỏ mặc, bị đói, bị chiếm đoạt thức ăn và cả sự quan tâm của mẹ mình cho đến khi đói mà chết. Nhưng sự tàn bạo này như một chiến lược của tiến hóa. Trong khi loài bồ nông đã sinh tồn qua 30 triệu năm, nhưng với cái giá là hàng triệu sinh mạng của loài đã chết đi trong tàn nhẫn.

Trong việc này, rõ ràng là có sự thông minh nhất định, nhưng còn sự cảm thương thì ở đâu? Một Thiên Chúa đầy cảm thương thực sự sắp xếp việc này? Rõ ràng thấy được sự thông minh trong chiến lược của tự nhiên về sự sinh tồn của loài thích nghi nhất. Mỗi mỗi loài, trừ phi có sự can thiệp từ bên ngoài, thì luôn luôn sản sinh ra những cá thể khỏe hơn, mạnh hơn, và thích ứng hơn. Dường như, sự khôn ngoan và dự tính của tự nhiên có một mức độ.

Một số nhà khoa học như Pierre Teilhard de Chardin cho rằng tiến hóa tự nhiên đã đạt đến đỉnh điểm, mức độ cao nhất của hợp nhất, phức hợp, và ý thức, trong hệ thống thần kinh trung ương và bộ não của con người, và bây giờ tiến hóa thực hiện một bước nhảy (như khi chuyển từ sinh vật nguyên sơ qua sinh vật có ý thức, và từ ý thức đơn thuần sang tự ý thức vậy) từ đó sự tiến hóa đầy ý nghĩa bây giờ không còn là để chọn lấy những cá thể mạnh mẽ về thể lý và khả năng thích nghi nữa. Nói đúng ra, bây giờ tiến hóa tập trung vào mặt xã hội và tinh thần, nghĩa là hướng về sức mạnh tinh thần và xã hội.

Và trong nhận thức Kitô giáo, điều này có nghĩa rằng, tiến hóa bây giờ là việc con người dùng ý thức tự thân của mình để trở về và giúp tự nhiên bảo vệ và nuôi dưỡng những con bồ nông thứ. Tiến hóa có ý nghĩa bây giờ không còn là việc kẻ mạnh thì mạnh hơn, nhưng là việc cho kẻ yếu, vốn đến bây giờ theo quy luật tự nhiên không có khả năng lớn lên, lại được lớn lên và mạnh mẽ.

Tại sao? Tự nhiên có lợi gì nơi những kẻ yếu? Tại sao tự nhiên lại không hạnh phúc khi loại đi những kẻ yếu? Thiên Chúa được gì nơi những kẻ yếu mà tự nhiên không dung nạp?

Không phải thế, tự nhiên cũng rất lo đến sự sinh tồn của kẻ yếu, và đang nhờ đến sự giúp đỡ của con người để làm việc này. Tự nhiên lo đến sự sinh tồn của kẻ yếu, bởi sự yếu đuối và dễ bị tổn thương cho tự nhiên một điều vốn thiếu vắng khi chỉ lo cho sự sinh tồn của những cá thể và loài thích nghi nhất cũng như việc sản sinh ra những cá thể và loài mạnh hơn, khỏe hơn và thích nghi hơn. Những gì kẻ yếu đem lại cho tự nhiên, chính là đặc tính và cảm thương, vốn là dưỡng chất chủ chốt cần có để đem lại sự hợp nhất, phức hợp, và ý thức, ở mức độ xã hội và tinh thần.

Khi Thiên Chúa tạo dựng con người lúc thời gian khai mở, Thiên Chúa đã cho con người trách nhiệm ‘thống trị’ hay làm chủ trên tự nhiên. Ủy lệnh này không phải là một sự cho phép chúng ta thống trị trên tự nhiên và dùng tự nhiên theo bất kỳ kiểu gì mình thích. Ủy lệnh này đúng ra là ‘canh chừng’ hay chăm bón khu vườn, làm một quản gia khôn ngoan, và giúp tự nhiên làm những việc mà tự nhiên, một cách vô thức, không thể làm được, cụ thể là bảo vệ và nuôi dưỡng kẻ yếu, chăm lo cho con bồ công thứ.

Thần học gia thế kỷ II, Irenaeus, đã từng có lời rằng: ‘Vinh quang Thiên Chúa là loài người được sống viên mãn!’ Còn thời chúng ta, Gustavo Gutierrez, vốn được xem là người khai sinh Thần học Giải phóng, đã nói lại câu trên như sau: ‘Vinh quang Thiên Chúa là người nghèo được sống viên mãn!’ Và đó cũng là vinh quang tối hậu của tự nhiên.

iStockProtectingDuck

J.B. Thái Hòa chuyển dịch