Đức Phanxicô: “Sợ thất bại là trở ngại chính trong việc lập gia đình”

332

“Tuyệt tác của xã hội là gia đình, đàn ông đàn bà yêu nhau”, Đức Phanxicô nhấn mạnh như trên trong buổi tiếp kiến chung ở Quảng trường Thánh Phêrô, ngài nhắc lại sức mạnh của chứng tá và bảo vệ phụ nữ.

“Tại sao người trẻ ngày nay không muốn lập gia đình? Tại sao họ thích ở chung trong một thời gian hạn định nào đó? Tại sao có rất nhiều người, kể cả những người có đạo, ít tin tưởng vào hôn nhân và gia đình?” Những câu hỏi hay được đặt ra này là trọng tâm của buổi giáo lý ngày thứ tư 29 tháng 4-2015 của Đức Phanxicô. Ngài bắt đầu bài giáo lý bằng một ghi nhận chung: “Bây giờ càng ngày càng ít người lập gia đình, đó là một sự kiện; sự kiện người trẻ bây giờ không còn muốn lập gia đình. Số lượng các vụ chia tay tăng cao ở nhiều nước, số lượng sinh sản trẻ con thì giảm. Bây giờ không dễ gì nhắc đến hôn nhân như một lễ kỷ niệm hàng năm trong những giai đoạn khác nhau của đời sống vợ chồng”.

Đức Phanxicô cho rằng, trở ngại chính trong việc lập gia đình là người trẻ ngày nay sợ thất bại. Vấn đề này đã được bàn thảo rất nhiều, những ai có con đều hiểu “tâm trạng sợ thất bại này”.

Trong quyển sách “Tại sao có quá nhiều thất bại trong hôn nhân”, các tác giả Alain Houziaux, mục sư, tiến sĩ thần học, tiến sĩ triết học; Sophie Schlumberger, nữ mục sư; Jacques Arènes, nhà phân tâm học đã phân tích vấn đề này dưới các khía cạnh tâm lý, thần học, tôn giáo. Chúng tôi xin đăng lên đây phần thảo luận của họ.

Thảo luận vì sao có quá nhiều thất bại trong hôn nhân

Alain Houziaux

Làm sao vượt lên được thất bại này đến thất bại khác trong tình yêu?

Jacques Arènes

Theo tôi chẳng có một công thức nào áp dụng để thoát ra khỏi cuộc thất bại liên miên này. Trước hết, chắc chắn là không nên đóng mình vào khuôn tự-khẳng định, một cái khuôn khóa chặt chúng ta vào tình trạng thất bại. Sau đó, dĩ nhiên, phải tìm tòi để hiểu, không phải bằng mọi giá để biết cho vui nhưng để đánh dấu, nếu chúng hiện diện, các thách thức vô thức của những thất bại liên miên này: chọn bạn “không hợp”; rút lui khi đã tìm hiểu nhau lâu, hai bên đòi hỏi nhau những chuyện ngược đời – những đòi hỏi này khá thường xuyên, cùng một lúc làm yên lòng trong một quan hệ “thoải mái” và cùng một lúc lại quyến rũ trong một quan hệ quái lạ… Như vậy họ bỏ một mong chờ quá quan trọng đối với quan hệ; thường thường các người phối ngẫu bỏ trốn trước áp lực quá rõ ràng của đòi hỏi này.

Alain Houziaux

Trong đời sống lứa đôi, đâu là chỗ đứng của trẻ con? Là xi-măng hàn gắn hay một người thứ ba?

Sophie Schlumberger

Tôi không thích thành ngữ “xi-măng cho đôi cặp” bởi vì như vậy đứa bé là một công cụ. Tôi thích thành ngữ đứa bé là điều tốt nhất cho đôi cặp: đón nhận một người lạ, cả hai trở thành cha và mẹ và bắt đầu một cuộc phiêu lưu, trong đó họ học làm cha làm mẹ và tái xây dựng quan hệ hôn nhân trong khung cảnh mới này để không hòa lẫn vào với con và giữ cho vợ chồng có một cuộc sống riêng tư. Mỗi bên học để cùng sống chung, theo nhịp của họ, với con người thật của họ.

Alain Houziaux

Các cuộc thăm dò cho thấy phát sinh ly dị có ngay từ đứa con đầu tiên? Ý kiến của bà như thế nào?

Sophie Schlumberger

Đứa bé ra đời làm cho người đàn ông đàn bà thay đổi, họ thành cha thành mẹ. Đối với mỗi người, đó là công việc phải làm trên con người của mình và trên quan hệ với người khác. Đi từ cuộc sống đôi cặp qua cuộc sống gia đình có thể là một việc làm khó khăn, đau khổ nhất là khi tiến trình này khơi dậy trong lòng họ những tổn thương còn chôn chặt hoặc làm cho họ thấy họ không có khả năng làm cha làm mẹ. Lúc đó đứa bé ra đời sẽ làm cho đôi cặp mong manh hơn và là nguồn gốc của ly dị.

Alain Houziaux

Có phải lúc nào thất bại trong tình yêu cũng đều do xung đột, có một lối thoát nào không?

Sophie Schlumberger

Trong xã hội chúng ta, chúng ta đòi hỏi phải thanh toán nợ nần và sửa chữa mọi thứ; vì thế chúng ta thường nghĩ mình có quyền đòi người kia bồi thường nếu mình mất tình yêu. Sống như thế là tạo nên xung đột.

Tôi nhận thấy, thường thường lúc chia tay là lúc hai bên thanh toán những chuyện mà trước kia chưa thanh toán, có trước khi họ sống với nhau, chẳng hạn đưa họ về những xung đột ngày xưa giữa trẻ con/cha mẹ.

Nhưng sự kiện không còn yêu người kia không nhất thiết đưa đến xung đột với họ. Người ta có thể yên lặng không yêu nhau nữa. Rất nhiều cặp vẫn sống với nhau dù họ không còn yêu nhau, có cặp xa nhau nhưng không nhất thiết phải có xung đột.

Alain Houziaux

Các vụ thanh toán nhau chẳng giúp được gì. Chỉ tạo thêm mâu thuẫn mới để thanh toán nhau. Một vụ ly dị do xung đột chính nó sẽ tạo ra các xung đột mới. Tốt hơn, ngay từ đầu nên dàn xếp trong hòa khí, tránh tổn thương tự ái.

Jacques Arènes

Độ thân mật của đời sống tình cảm dứt khoát sẽ chạm vào những điểm sâu nhất, nhạy cảm nhất của đương sự. Như thế các tổn thương của tình yêu sẽ có thể kích động hung bạo nhất vì chúng tấn công vào nền tảng của tính tự ái – narcissisme. Rất hiếm khi người ta giết cấp trên vì mâu thuẫn nghề nghiệp: điều đó không có ý muốn nói việc làm là nơi không có mâu thuẫn nhưng ở đây có một khoảng cách và khoảng cách phần nào ngăn các tổn thương tự ái dù cho các tổn thương này có khi rất nặng. Trọng án vì tình, khổ thay lại hay xảy ra, cho thấy rõ tiềm năng hung bạo lúc chia tay. Các cuộc chia tay diễn ra trong ôn hòa thường là những cuộc chia tay mà người trong cuộc không ở trong tình trạng mê đắm/hòa trộn. Khổ thay, điều cần nên biết là đôi khi thân bằng quyến thuộc lại thúc giục trả thù: không phải lúc nào “bạn tốt” cũng cho những lời khuyên tốt.

Alain Houziaux

Còn vấn đề quy lỗi khi ly dị. Bà nghĩ sao?

Sophie Schlumberger

Tôi không muốn giải thích theo kiểu tòa án vì đó không phải là lãnh vực của tôi. Tôi nghĩ đơn giản lúc nào mình cũng sẽ thắng khi mình nói lý do nào hôn nhân không chạy, diễn tả mức độ khó khăn khi sống chung theo ký kết quy định. Có một nơi để nói cái thiếu sót, khó khăn, trách cứ là chuẩn bị con đường hòa giải, thu xếp cho một tương lai, tạo nên các quan hệ khác nếu có thể.

Alain Houziaux

Theo tôi, ly dị không phải là một thất bại nhưng nó vẫn là một lỗi lầm. Lỗi lầm đối với dự trù đã ấn định và kết ước đã ký. Trong một vài giáo hội, có nghi thức ly dị, tôi thấy như vậy rất tốt. Người ta nhận thấy lỗi của mình và xin lỗi, rồi nhận lời chúc phúc cho một cuộc tung cánh mới.

sposi01

Alain Houziaux

Tại sao người ta lừa dối nhau?

Jacques Arènes

Tôi nghĩ khái niệm phụ bạc lúc nào cũng có tác động. Phụ nữ phản ứng rất mạnh với những gì họ nhận thấy, một cách đặt lại vấn đề tận căn của hợp đồng ngầm. Không kể đến “phụ bạc” này là nét xung động tuổi dậy thì của phía đàn ông mà nó còn là kết quả của một khoảng cách trong đời sống vợ chồng đã có từ nhiều năm… Ngày nay chuyện “một giới” cầm đầu như ngày xưa không còn, đáng kể trước các dữ liệu khá phổ biến trong quan hệ đàn ông/đàn bà như khác biệt về tần số nên có trong các quan hệ yêu đương. Khuôn mẫu mà giới truyền thông cho chúng ta là hình ảnh các bà đã được “định khuôn dạng” theo khuôn mẫu ham muốn của đàn ông. Trong thực tế, không phải lúc nào cũng như vậy. Các cặp trường tồn thường thường phải đương đầu với cái “hụt hẫng” của đàn ông, nhất là về tần số. Có thể nào nói vì vấn đề “kỹ thuật” của vấn đề mà phải cầu viện đến các đối tượng khác? Sự chênh lệch này cũng là dịp duy nhất để đàn ông đàn bà nói chuyện về những ham muốn, những mong chờ của họ… Có phải lúc nào tính hiện đại cũng có khuynh hướng xem phụ bạc là một hình thức thoái hóa ấu trĩ như một loại giới tính chưa được khai phóng đủ. Tôi nghĩ do hiểu biết sai nguồn gốc rất sâu xa của quan hệ yêu đương. Giải pháp “vệ sinh” dựa vào việc đi tìm các đối tượng khác thường thường chỉ có thể tiến hành với cái giá phải trả là không còn thương nhau. Lúc đó người ta làm “như thử” người ta còn ở với nhau…

Alain Houziaux

Đối với một cặp tiến hành tốt đẹp, có thể nào coi họ như tổ hợp của những người xấu, tội chung của họ làm hương vị cho quan hệ của họ không? Bản chất đàn ông, đàn bà có đa phu đa thê không?

Jacques Arènes

Đa phu đa thê vì bản chất: người ta có thể nói ngược lại. Các luận cứ về bản chất thì khó mà nói vì có một vài loài vật rất đơn phu đơn thê… Các luận cứ này thường được dùng để biện minh cho các quyết định của chúng ta về sau. Tôi thích nghĩ có một cái gì đó trái tự nhiên trong đôi cặp của loài người, ngay cả bây giờ rất nhiều người muốn có một đời sống hôn nhân kéo dài. Có thể nào nói đây là mong ước hão huyền không? Cũng có thể sự thiêng liêng hóa giới tính của thời buổi hiện đại này dẫn đến ngõ cụt như chúng ta đã thấy.

Alain Houziaux

Làm sao tránh để có thể sống khác biệt trong đôi cặp mà không dẫn đến mâu thuẫn có tính hủy hoại?

Sophie Schlumberger

Tôi nghĩ là chúng ta không bắt buộc phải gây chiến. Xem lại các câu chuyện trong Thánh Kinh, các đôi cặp được mời gọi trong một tiến trình khác biệt, khám phá người kia là người kia. Điều này cũng đúng cho đôi cặp loài người/dân Chúa. Thường thường nhân loại phóng chiếu hình ảnh riêng của mình lên Chúa, làm Chúa như một siêu nhân. Đối lại, các câu chuyện trong Thánh Kinh cho thấy Chúa khác với những gì con người tưởng tượng, Chúa rất kỳ diệu. Chỉ có tiến trình của khác biệt mới cho phép sự hiện diện của mỗi bên (người hay Chúa) và trở nên một cá thể của quan hệ.

Jacques Arènes

Một loại “cá nhân hóa”, một trình độ trưởng thành rất cao của mỗi bên là điều tối cần thiết để đôi cặp được trường tồn. Nhưng hình ảnh – rất phổ biến trong phạm vi phát triển cá nhân – của một trình độ khôn ngoan, bình thản, minh định cho phép có được một đời sống hài hòa mà không nói đến khía cạnh đen tối của mọi con đường tinh tiến. Dù có khôn ngoan như thế nào, dù mỗi bên đều hiểu mình như thế nào thì họ cũng không thể nào không đương đầu với các cơn khủng hoảng, không phải vượt lên các thử thách, không sống trong tang chế. Dù có bình thản, dù đã tiến bộ nhưng cũng sẽ có những lúc thờ ơ, những cơn lo lắng, những thảm họa và phải sống với những chuyện như vậy…

Marta An Nguyễn chuyển dịch

Alain Houziaux: Mục sư, tiến sĩ thần học, tiến sĩ triết học. Sách đã xuất bản Các dụ ngôn hàng ngày – Paraboles au quotidien (Cerf 1995) và Các điều khó hiểu lớn lao của Kinh Tin Kính – Les grandes énigmes du Credo (DDB, 2003) và Chán nản, can đảm, tin tưởng – La lassitude, le courage, la confiance (Nhà xuất bản Atelier, 2005)

Sophie Schlumberger: Nữ mục sư. Bà hướng dẫn các buổi đọc sách và thảo luận chuyên đề về các bản văn Kinh Thánh. Bà hợp tác vào tác phẩm Để đọc Thánh Kinh – Pour lire les textes bibliques (Trung tâm tài liệu giáo dục Créteil, 2001)

Jacques Arènes: Nhà phân tâm học. Ông chủ biên tạp chí Tưởng Tượng và Vô Thức và giảng dạy ở Trung Tâm Sèvres. Sách đã xuất bản: Làm sao sống còn khi mình là con trai, Comment survivre quand on est garçon – Albin Michel, 2003 và Lời nói và bí mật – La parole et le secret (DDB, 2003).