Khiêm nhượng cầu nguyện là chìa khóa để nhận định

668

Bài giảng của Giáo hoàng Phanxicô trong thánh lễ ban sáng ngày thứ ba 28-3 tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta. Nói với cộng đoàn dựa theo bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha tập trung vào cuộc lữ hành của Giáo hội xuyên suốt lịch sử dưới sự hướng dẫn của Thần Khí.

11159524_982324591779145_6066231181573726029_n

Suy niệm về việc rao giảng Tin mừng cho mọi dân tộc, giáo hoàng chỉ ra nhu cầu – vốn càng đặc biệt cần ngày nay – cần phải có lòng dũng cảm Tông đồ, để đời sống Kitô hữu không trở nên một ‘bảo tàng ký ức.’ Đức Phanxicô chỉ ra rằng sách Tông đồ Công vụ nhiều lần cho thấy việc rao giảng Tin mừng cho người không phải Do Thái gặp khó khăn đến thế nào, nhưng Barnabas được hạnh phúc nhìn thấy và hiểu được rằng việc hoán cải dân ngoại là công việc do tay Chúa làm.

Đừng sợ Thiên Chúa đầy kinh ngạc

Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục nói rằng việc rao giảng ơn cứu độ cho mọi dân tộc là một điều đã được tiên báo trong chương 60 của sách Isaiah, dù nhiều người không hiểu.

‘Họ đã không hiểu. Họ đã không hiểu rằng Thiên Chúa là Đức Chúa của tất cả mọi sự mới mẻ: ‘Ta đổi mới mọi sự,’ chính Chúa đã nói với chúng ta như thế, Ngài bảo rằng Thiên Chúa đến vì điều này, vì để canh tân mọi sự, và tiếp tục đổi mới không ngừng. Điều này khiến nhiều người e sợ. Trong lịch sử Giáo hội từ thời các tông đồ cho đến hiện tại, biết bao nhiêu người đã e sợ trước những sự kinh ngạc của Thần Khí. Ngài là Thiên Chúa đầy kinh ngạc.’

Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục nói về thái độ đúng đắn và cách thức để phân biệt được những sự mới lạ này, cái nào từ Thiên Chúa, và cái nào không. Dùng ví dụ về Barnabas và Phêrô, cả hai đều đầy Thần Khí, giáo hoàng nói rằng, ‘Trong cả hai người, đều là Thần Khí ban ơn nhận biết sự thật, một sự thật mà chúng ta không thể dựa vào sức mình hay trí khôn của mình mà đạt được. Chúng ta có nghiên cứu toàn bộ lịch sử cứu độ, chúng ta có thể nghiên cứu toàn bộ thần học, nhưng không có Thần Khí, chúng ta không thể hiểu được. Chính Thần Khí cho chúng ta nhận ra sự thật, hay chính Thần Khí cho chúng ta nhận biết tiếng Chúa Giêsu.’ Mà Chúa Giêsu, Mục tử Nhân lành đã nói, ‘Chiên ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta.’

Giáo hội tiến tới với sự mới mẻ của Thần Khí

Giáo hoàng Phanxicô nói rằng, ‘Tiến trình của Giáo hội là tác phẩm của Thần Khí, Đấng cho chúng ta lắng nghe tiếng Chúa. Nhưng mà làm sao tôi chắc được rằng tiếng tôi nghe là tiếng Chúa Giêsu, hay chắc rằng những gì tôi cảm thấy phải làm là do bởi Thần Khí?’ Câu trả lời là cầu nguyện:

‘Không có cầu nguyện, không có chỗ cho Thần Khí. Hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn này: ‘Lạy Chúa, xin cho chúng con Thần Khí, để chúng con luôn luôn nhận định được con phải làm gì,’ một sự không bao giờ là bất di bất dịch. Thông điệp vẫn luôn là: Giáo hội tiến tới, Giáo hội tiến lên với những kinh ngạc này, với những biến đổi của Thần Khí Chúng ta phải nhận định, và để nhận định phải cầu nguyện, chúng ta phải xin ơn này. Barnabas đầy Thần Khí, và ngài biết ngay. Phêrô thấy thế vào nói rằng, ‘Nhưng tôi là ai mà không cho làm phép rửa ở đây?’ Thần Khí không dẫn chúng ta đến sai lầm. ‘Nhưng cha ơi, tại sao lại làm cho mọi thứ quá phức tạp? Cứ làm theo cách chúng ta vẫn thường làm, cách an toàn hơn …’

Đời sống Kitô hữu không phải là một bảo tàng ký ức

Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục cảnh báo rằng, nếu cứ làm mọi việc theo cách chúng ta vẫn thường làm, đơn giản chỉ bởi ‘đó là cách chúng ta luôn làm’ thì đó là một thái độ vô hồn đem lại sự chết. Ngài khuyến khích các tín hữu, ‘Hãy mạo hiểm, với lời cầu nguyện, và rồi với lòng khiêm nhượng đón nhận những gì mà Thần Khí muốn chúng ta thay đổi. Đây là con đường.

Thiên Chúa bảo chúng ta rằng nếu chúng ta ăn thịt và uống máu Ngài, chúng ta sẽ có sự sống. Bây giờ, chúng ta hãy tiếp tục cử hành phụng vụ với lời này: ‘Lạy Chúa, Chúa ở đây với chúng con trong Thánh Thể, Chúa sẽ ở trong chúng con, xin Chúa ban cho chúng con ơn Chúa Thánh Thần. Xin cho chúng con ơn đừng e sợ khi Thần Khí bảo con tiến tới.’ Trong thánh lễ này, hãy xin ơn can đảm, ơn dũng cảm tông đồ để đem lại sự sống và không biến đời sống Kitô hữu của chúng ta thành một viện bảo tàng.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Radio Vatican Eng