ĐÔI MẮT LÀ CỬA SỔ LINH HỒN

758

8285015690_9cdbcf72f602 Tháng Hai 2015

Hầu hết chúng ta lo lắng về việc già đi, đặc biệt là các ảnh hưởng đến cơ thể. Chúng ta lo lắng về các nếp nhăn, các quầng mắt, chứng tăng cân trung niên, và rụng tóc. Vậy nên lúc này lúc kia, khi chúng ta nhìn vào gương hay thấy một tấm ảnh mới chụp, chúng ta bị sốc bởi khuôn mặt và cơ thể của mình, gần như không nhận ra mình trước khuôn mặt và cơ thể già nua của một người từng trẻ trung sung sức.

Tự xem lại những dấu hiệu tuổi già không phải là việc xấu, nhưng những thứ chúng ta cần xem xét là những thứ khác chứ không phải là những nếp nhăn, da nhăn nheo, rụng tóc và tăng cân.  Với những sự trong cơ thể, tự nhiên có cách của nó. Còn để tìm những dấu hiệu lão hóa, thì hãy tìm chúng trong đôi mắt chúng ta. Đây mới chính là nơi các dấu hiệu lão hóa và lão suy thể hiện rõ nhất.

Nếu đứng trước gương, và nhìn thẳng vào mắt mình, bạn thấy được gì? Đôi mắt bạn có mệt mỏi, thiếu nhiệt huyết, yếm thế, vô hồn, nguội lạnh? Chúng có ánh lên toàn giận dữ và đố kỵ hay không? Có ánh lửa nào đang cháy trong đó không? Chúng có u mê đến nỗi không còn khả năng kinh ngạc nữa hay không? Sự ngây thơ có còn nơi đó nữa không? Liệu còn một tâm hồn thơ trẻ ẩn giấu đâu đó sau đôi mắt hay không?

Những dấu hiệu thực sự của lão suy bị tố giác bởi đôi mắt chứ không phải cơ thể. Da nhăn đi chỉ đơn thuần là sự lão hóa thể lý, không hơn. Cơ thể già đi và chết, theo một tiến trình không tránh được và rất tự nhiên như việc chuyển mùa vậy, nhưng đôi mắt vô hồn báo hiệu một sự lão suy chết người hơn nữa, một chuyện thiếu tự nhiên, một tinh thần kiệt quệ. Tinh thần phải luôn mãi tươi trẻ, luôn mãi như trẻ thơ, và luôn mãi ngây thơ. Chứ không phải là u mê và vô hồn. Nhưng tinh thần có thể chết đi do thiếu đam mê, do ảo tưởng về sự thân mật, do mất đi ngây thơ và ngạc nhiên, do sự kiệt quệ của tinh thần, và do các tuyệt vọng với thực tiễn.

Và sự tuyệt vọng là một điểm đáng chú ý. Hầu như chúng ta tuyệt vọng không phải bởi ngày càng lo lắng về những thiếu sót và đau khổ trong đời, hay do thấy cuộc đời quá rộng xa tầm với. Nhưng chúng ta tuyệt vọng vì một lý do ngược lại, cụ thể là bởi chúng ta ngày càng yếm thế hoài nghi về niềm vui hân hoan. Niềm vui ở trong việc cảm nghiệm cuộc sống như một điều tươi mới, như quyển tiểu thuyết, như sự mở đầu, như một đứa trẻ, với một tinh thần nguyên tuyền nhất định. Dạng niềm vui này không phải là khoái lạc, dù vẫn có khoái lạc trong đó. Tất nhiên, có thể có khoái lạc mà không cần niềm vui, nhưng dạng khoái lạc này là sản phầm của một sự thiếu kinh ngạc và kính trọng trong cảm nghiệm. Dạng khoái lạc này lúc đầu chúng ta cảm nghiệm như một chiến thắng, một sự thoát khỏi tình trạng ngây thơ, như sự tự do, nhưng nó sớm trở thành thất bại, đình trệ, chán ngán, và một dục vọng u mê. Khẩu vị của chúng ta không còn mong muốn được cảm nếm nữa. Nhiệt tình chết đi và linh hồn trở nên kiệt nhọc. Chẳng còn gì trong chúng ta là tươi mới và trẻ trung nữa, đôi mắt chúng ta bắt đầu chỉ ra điều đó. Chúng đã mất đi tia lửa, mất đi sự thơ trẻ.

Trong tiểu thuyết đầy xúc động ‘Thiên thần đá’ Margaret Laurence đã minh họa nhân vật nữ chính, một phụ nữ tuyệt vọng tên là Hagar, nhìn vào gương và tự nhủ: ‘Ta đứng đây một hồi lâu, nhìn, và tự hỏi xem làm sao mà con người có thể thay đổi nhiều đến thế … Chuyện này xảy ra quá chậm rãi. Khuôn mặt nâu sạm và nhăn nheo này, không phải của tôi. Chỉ có đôi mắt là của tôi, chăm chăm nhìn như xuyên thấu tấm gương dối lừa này, và đi xuống tìm một hình ảnh thực vô cùng xa vời.’

Đối với chúng ta, đáng buồn thay, khi nhìn vào gương cho đúng, cũng sẽ thấy như thế, một gương mặt vô hồn không thực sự là của mình, và đôi mắt đờ đẫn của chúng ta, giấu kín dưới một tấm gương lừa dối. Có những lúc ngọn lửa lụi tắt, đôi mắt và gương mặt chúng ta không còn kinh ngạc và ngây thơ.

Phải làm gì đây? Chúng ta cần phải nhìn thật lâu và thật đúng bản thân mình trong gương, và nghiên cứu đôi mắt mình thật lâu thật sâu, và để những gì chúng ta thấy gây cho chúng ta đủ sốc sao cho thúc đẩy chúng ta hướng đến con đường vô ưu, kinh ngạc và một sự ngây thơ tái tạo. Tôi có lời khuyên này:  Hãy đến trước gương và nhìn chăm chăm đôi mắt mình đủ lâu cho đến khi bạn thấy lại nơi đôi mắt mình, cô bé cậu bé từng một thời ở đó. Và lúc đó, sự kinh ngạc sẽ tái sinh, tia lửa trở lại, và và cùng với đó là sự tươi mới sẽ cho bạn trẻ trung lần nữa.

Đôi mắt bạn không lụi tàn, mà chỉ bị che khuất. Đó là lý do gây nên ánh nhìn trống không, chẳng thiết tha. Thân thể kiệt lực, nhưng đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, và chúng luôn luôn háo hức được ngắm nhìn. Một trong những điều tương phản giữa Kitô giáo và Phật giáo là về đôi mắt. Các đức Phật luôn luôn được minh họa với đôi mắt nhắm, còn các vị thánh Kitô giáo thì luôn với đôi mắt mở. Các thánh nhân Phật giáo có một thân thể hài hòa, phương phi, nhưng đôi mắt thì nặng nề và gắn chặt trong giấc ngủ. Còn các vị thánh Kitô giáo thì thân thể gầy còm, nhưng đôi mắt sống động, thèm khát, chằm chằm. Đôi mắt của Phật giáo thì tập trung hướng nội. Còn đôi mắt Kitô giáo thì chằm chằm hướng ngoại, thèm khát, và đầy kinh ngạc.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch