Giáo hoàng quyết định dây pallium sẽ được trao cho các Tổng Giám mục Chính tòa tại Giáo phận nhà

953

pallium_2Giáo hoàng quyết định dây pallium sẽ được trao cho các Tổng Giám mục Chính tòa tại Giáo phận nhà

America Mag – Gerard O’Connell

Đức Phanxicô đã quyết định nghi thức trao dây pallium cho các tổng giám mục chính tòa sẽ được thực hiện tại giáo phận nhà của các ngài chứ không phải ở Vatican như tiền lệ.

Ngài tin rằng như thế, nghi thức ‘sẽ có được sự tham dự đông đảo các tín hữu ở Giáo hội địa phương tronng thời khắc quan trọng của đời sống và lịch sử giáo phận mình.’ Đức ông Guido Marini, Trưởng ban nghi lễ và phụng vụ giáo hoàng đã công bố điều này, hôm 12 tháng 1, nhân dịp gởi thư đến các sứ thần tòa thánh ở những nước có các tổng giám mục chính tòa dự kiến sẽ được nhận dây pallium từ giáo hoàng vào ngày 29 tháng 6, lễ thánh Phêrô và Phaolô.

Đức ông nói rằng, Giáo hoàng Phanxicô tin rằng thông lệ mới này có thể thăng tiến ‘lộ trình công đồng trong Giáo hội Công giáo, mà ngay từ đầu triều ngài đã không ngừng nhấn mạnh xem đây là một sự đặc biệt khẩn thiết và đáng giá trong thời điểm này của lịch sử Giáo hội.’

Dây pallium là phục trang phụng vụ biểu tượng cho ‘mối liên kết thông hiệp phẩm trật giữa Ngai tòa Phêrô và Đấng kế vị thánh Tông đồ với những người được chọn mang lấy trọng trách mục vụ giám mục Tổng Giám mục Chính tòa của một Giáo tỉnh.’ Đây cũng là biểu tượng cho thẩm quyền của tổng giám mục chính tòa trên giáo phận của mình và các giáo phận khác thuộc giáo tỉnh của mình.

Dây pallium của tổng giám mục chính tòa, hiện thời, là một dây choàng vai, bề ngang khoảng 5cm, được làm từ lông chiên trắng, uốn conng ở đoạn giữa để khoác được trên vai áo lễ theo kiểu Roman hay Gothic, với hai đầu màu đen ở phía trước và phía sau, để cả từ trước và sau đều thấy được dây này có hình dạng như chữ ‘Y’. Trên dây là 6 thánh giá màu đen, 2 thánh giá ở 2 đầu, và 4 ở đoạn giữa, đồng thời ở mặt trước và sau, được tô điểm bằng 3 ghim cài bằng vàng và đá quý.

Đức Bênêđictô XVI giải thích ‘tính biểu tượng của dây pallium’ một cách cụ thể trong bài giảng mở đầu sứ mạng kế vị thánh Phêrô của ngài, hôm 24 tháng 4, 2005 rằng, ‘lông chiên đại diện cho những người mất mát, đau bệnh và những con chiên yếu đuối, mà người mục tử đặt trên vai mình để đưa về dòng nước sự sống.’

Trong thư trên gởi các sứ thần tòa thánh, đức ông Marini cho biết, giáo hoàng Phanxicô đã ra quyết định này về dây pallium, ‘sau một thời gian suy tư lâu dài và dựa vào những lời khuyên ngài muốn có.’ Đức ông nói rằng, Đức Thánh Cha đã quyết định rằng ‘dây pallium sẽ được làm phép trong lễ kính thánh Phêrô và Phaolô ở Vatican, nhưng sẽ được đại diện của giáo hoàng, là sứ thần tòa thánh, trao cho tổng giám mục chính tòa ở tại giáo phận nhà.’

Trưởng ban Nghi lễ của giáo hoàng cũng cho biết các tân tổng giám mục chính tòa ‘được mời cử hành thánh lễ’ với giáo hoàng vào ngày 29 tháng 6, lễ kính thánh Phêrô và Phaolô. Và cuối thánh lễ, họ sẽ gặp riêng và nhận dây pallium từ chính tay Đức Thánh Cha.’

Sau đó, trách nhiệm của sứ thần tòa thánh là cùng với tân tổng giám mục chính tòa quyết định ngày tháng, bối cảnh, và cách thức phù hợp để ‘công khai và chính thức’ trao dây pallium ‘với ủy lệnh từ Đức Thánh Cha’ cùng với sự hiện diện của các giám mục thuộc hạt.

Khi được hỏi về tầm quan trọng trong quyết định của giáo hoàng, tổng giám mục danh dự của San Francisco, Jonh R.Quinn,  cho biết:

‘Quyết định của Giáo hoàng Phanxicô rằng dây pallium nên được trao cho các tổng giám mục chính tòa tại giáo phận nhà, gợi lại câu nói của thánh Cyprian vào thế kỷ III, ‘Giám mục trong Giáo hội, và Giáo hội trong giám mục.’ Thông lệ mới này của giáo hoàng sẽ nhấn mạnh rằng việc trao dây pallium là một sự kiện hội thánh, một sự kiện của toàn thể giáo phận, chứ không đơn thuần là một sự kiện pháp lý hay nghi thức. ‘Giám mục trong Giáo hội.’

Đức cha lưu ý rằng, dây pallium ‘là một biểu tượng cổ xưa nhất của tòa giám mục, kể từ thế kỷ IV. Có trước cả mũ miter và gậy mục tử, hai biểu tượng của chức giám mục.’

Tổng Giám mục Quinn nói rằng, Giáo hoàng đã đưa ra thông lệ mới này ‘để nhấn mạnh tính công đồng trong Giáo hội,’ đồng thời nhắc lại rằng vào ngày 29 tháng 6, 2013, giáo hoàng đã nói rõ rằng, ‘Tính công đồng là con đường của Giáo hội Công giáo.’ Như thế, quyết định của giáo hoàng ‘là một lời nhắc nhở với các tổng giám mục, với giáo phận của ngài, và các giám mục cũng như giáo phận trong Giáo tỉnh Tông tòa rằng, họ được mời gọi mở ra với những con đường mới hướng đến tính công đồng của việc dự phần và thông hiệp trong Giáo hội của mình.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch