Giáo hoàng Phanxicô tiến hành Cách mạng như thế nào

500

Ernesto CardenalHuffingtonpost – Cha Ernesto Cardenal

Linh mục dòng Tên, nhà thơ, và chính trị gia Nicaragua

Hồi tháng 3 năm 2013, có người đã hỏi tôi trong cuộc phỏng vấn rằng: ‘Cha nghĩ gì về một giáo hoàng Argentina?’

Tôi thấy bất ngờ khi người ta không bầu lên một giáo hoàng gốc Âu châu, và hơn nữa lại là một hồng y mà tôi chẳng biết chút gì về ngài. Các hồng y hiện thời đều được phong giám mục bởi Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, mà hai người đều mang tính bảo thủ và không chịu thay đổi. Tôi không kỳ vọng điều gì mới mẻ ở lần bầu giáo hoàng này. Thực sự, tôi chẳng có chút hứng thú nào.

Nhưng từ khi tân giáo hoàng bước ra ban công, tôi thấy có nhiều thay đổi. Ngài bước ra trong bộ áo trắng đơn giản, không mang các phẩm phục giáo hoàng bằng lụa và các họa tiết bằng vàng khác. Trên ban công, trước khi chúc lành theo truyền thống, ngài cúi mình trước đám đông và xin họ chúc lành cho mình.

Thay vì một danh xưng giáo hoàng theo truyền thống, ngài lại chọn tên Phanxicô. Leonardo Boff đã rất đúng khi nói rằng đây không chỉ là một cái tên, nhưng là một dự án cả đời mà ngài đã chọn. Và như thế, đây không chỉ là một giáo hoàng mới, mà còn là một dự án mới cho giáo hội.

Chúng ta đang thấy cuộc cách mạng thực sự ở Vatican. Giáo hoàng Phanxicô không muốn sống như một giáo hoàng. Ngài từ chối ở trong dinh thự giáo hoàng, với 14 gian phòng. Ngài không dùng đến các chuyên xa giáo hoàng. Ngài chuyện trò trực tiếp với mọi người qua điện thoại. Ngài dùng những từ ngữ đơn giản và rõ ràng. Ngài không muốn được gọi là giáo hoàng, nhưng đơn thuần là giám mục (Giám mục thành Roma.)

Giáo hoàng Phanxicô không nói về thần học giải phóng mà tôi biết. Nhưng thần học giải phóng không phải là thứ người ta tin vào, nhưng là những gì người ta thực hành. Tôi nghĩ cái tên ‘thần học giải phóng’ không đủ mạnh với bản chất của thần học này. Đúng hơn nên hiểu đây là ‘thần học cách mạng.’

Thần học này là thần học đích thực của Phúc âm, với gốc từ Hi Lạp nghĩa là ‘tin tốt’ và ‘công bố tin tốt lành.’ Chúa Giêsu đã cho Phúc âm ý nghĩa là một tin mừng cho người nghèo, và tin mừng về sự giải phóng của họ. Cách mạng cũng thế. Hay việc thay đổi thế giới cũng vậy. Lật nhào thế giới này từ gốc đến ngọn. Hay nói đúng hơn, là uốn nắn thế giới, bởi ngay bây giờ, nó đang bị đảo lộn.

Dưới thời giáo hoàng Gioan Phaolô và Bênêđictô, các giám mục và linh mục của thần học giải phóng đã bị thay thế bởi các nhân vật bảo thủ cánh hữu. Và các ngài kìm hãm thần học này. Cùng lúc đó, chính quyền Hoa Kỳ cũng chống lại thần học này bằng cách viện đến những người theo trào lưu chính thống giảng dạy một tin mừng bảo thủ và cá nhân chủ nghĩa. Họ chống lại các nhóm du kích giải phóng bằng các lực lượng phản gián và cuộc đàn áp tàn khốc đã khiến vô số người bỏ mạng vì chính nghĩa của mình.

Trong văn kiện Santa Fe, với tên gọi ‘Một chính sách mới cho châu Mỹ La tinh trong thập niên 1980,’ tổng thống Reagan đã cho rằng nên đấu với các phong trào giải phóng bằng cách thúc đẩy các giáo hội theo trào lưu chính thống của Hoa Kỳ ở châu Mỹ La Tinh. Năm 1999, Trường quân bị Mỹ châu, nơi rèn luyện các binh sỹ, cùng các khóa đàn áp và tra tấn, đã tuyên bố rằng thần học giải phóng đã bị tiêu diệt nhờ sự giúp sức của quân lực Hoa Kỳ.

Trong chuyến công du của giáo hoàng Gioan Phaolô đến Nicaragua, một nhà báo trên chuyến bay đã hỏi ngài về thần học giải phóng, và giáo hoàng nói rằng, đây không còn là một mối lo nữa, bởi chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ. Nhưng, ngay giữa lòng vùng Amazon, giám mục Casaldaliga nói rằng: ‘Khi nào còn người nghèo, sẽ còn thần học giải phóng.’

Với tôi, việc bầu lên giáo hoàng này, như một phép lạ. Giáo hoàng Phanxicô đang đem lại một cuộc cách mạng ở Vatican. Và cũng sẽ là một cuộc cách mạng trên thế giới, uốn nắn thế giới cho ngay thẳng, bởi nó đang bị đảo lộn rồi. Cuộc cách mạng của Giêsu thành Nazareth là:

Kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và người đứng đầu sẽ xuống hàng chót.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

1. Ernesto Cardenal Martínez (20-01-1925) là linh mục Công giáo, nhà thơ, và chính trị gia Nicaragua. Cha là thần học gia thần học giải phóng, từng giữ chức Bộ trưởng Văn hóa Nicaragua từ năm 1979 đến 1987, không chịu từ chức theo lệnh giáo hoàng Gioan Phaolô II.

JohnPaulIISouthAmerica1Năm 1983, tại sân bay Managua, khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II đang chào các thành viên chính phủ Sandino, cha Ernesto đã nhanh chóng bỏ mũ, quỳ xuống khi Đức Thánh Cha đến gần và nâng tay của Đức Thánh Cha lên để hôn. Nhưng Đức Gioan Phaolô đã nhanh chóng rút tay về, mặt ửng đỏ, chỉ ngón tay trỏ của bàn tay phải và phê phán ngài Bộ trưởng: “Cha phải loại bỏ sự nghi ngờ của cha đối với Giáo hội, phải loại bỏ sự chống đối của cha đối với Giáo hội”.

2. Leonardo Boff, linh mục, OFM, tác giả quyển ‘Giáo hội: đoàn sủng và quyền lực,’ đã hoàn tục.