Hồng y François Bustillo: “Cơn khát thiêng liêng vẫn còn”
lejdd.fr, Élisabeth Caillemer, Charlotte d’Ornellas, 2023-09-24
Giám mục François Bustillo được phong hồng y ngày 30 tháng 9 năm 2023
Giám mục François Bustillo dòng Phanxicô phát biểu trong một tuyển tập các cuộc phỏng vấn có chủ đề Hiệp nhất của Giáo hội. © Marc Charuel
Trong tác phẩm của cha, cha đề cập nhiều đến vấn đề hiệp nhất. Vấn đề này vẫn còn quan trọng với cha ngày hôm nay?
Tân hồng y François Bustillo. Hiệp nhất là vấn đề cơ bản. Trong đời sống xã hội, chính trị, văn hóa và truyền thông, mọi người đều chống đối, đôi khi bằng bạo lực. Việc có những bất đồng là bình thường. Làm thế nào để vượt qua chúng? Tôi thấy sự mất đoàn kết cũng đe dọa Giáo hội. Ở châu Âu, người công giáo đang ở trong một tình trạng phức tạp: số lượng ít, ơn gọi hiếm và tín hữu thì già nua. Nỗi sợ biến mất làm mọi người nghĩ họ đã có giải pháp và sự chia rẽ xuất hiện. Chúng ta phải tập trung lại vào điều làm chúng ta đoàn kết: Thiên Chúa.
Thượng Hội đồng sắp tới đặt ra những vấn đề gây chia rẽ Giáo hội… Tuy nhiên, mọi người đều bảo vệ quan điểm của mình bằng cách trích dẫn Tin Mừng!
Những câu hỏi sẽ được giải quyết là rất cần thiết trong thời đại chúng ta. Nhưng chúng ta không được nghĩ kết luận đã được viết ra. Chúng ta phải thành công trong việc gạt bỏ cảm xúc để đối đầu với trí thông minh của mình. Chúng ta cũng phải thành công trong việc tách con người ra khỏi hành động họ thực hiện. Giáo Hội lên án một số hành vi như một bà mẹ lo cho mình: vì yêu thương! Đạo đức khách quan là cần thiết, nhưng điều quan trọng là đừng bao giờ phán xét con người, những người mà chúng ta không bao giờ biết được sự phức tạp của họ. Chỉ có Chúa mới có thể phán xét.
Cha khẳng định chúng ta không thể đòi hỏi sự hiệp nhất nếu không bám rễ vào Thiên Chúa. Nhưng Chúa khó tìm chỗ đứng của Ngài trong xã hội Pháp… Thế giới vẫn có thể đòi hỏi hiệp nhất chứ?
Vào cuối những năm 1960, khẩu hiệu “không Chúa, không chủ” đã chiến thắng. Xã hội có tốt hơn kể từ đó không? Chúng ta đã trở nên tốt hơn chưa? Hạnh phúc hơn không? Tôi là giám mục và tôi tin việc mất đức tin vào Thiên Chúa đã dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ kiến trúc xã hội về lòng tin tưởng. Chúng ta đã mất niềm tin vào Thiên Chúa, cũng như vào chính trị, báo chí, đôi khi còn vào y học… Trong các khoảng trống này, cơn khát thiêng liêng vẫn còn. Gần đây, ở Corsica, 150 bạn trẻ đã xin rửa tội. Một người trong số họ nói với tôi: “Bà của con đã mất, con muốn biết bây giờ bà ở đâu.” Họ gõ cửa Giáo hội để được giải đáp cho những thắc mắc hiện sinh của họ về sự sống, về cái chết… Chúng ta có một kho tàng lớn lao như vậy, kho tàng này phải được chia sẻ. Không kiêu ngạo, nhưng cũng không mặc cảm.
Chúng ta thường nghe nói Giáo hội không biết theo kịp thời đại, cha nói gì trước những lời buộc tội này?
Giáo Hội sống với thời đại. Làm sao Giáo hội có thể sống khác được? Điều này không có nghĩa chúng ta phải đồng ý một cách có hệ thống tất cả mọi thứ. Khi chúng ta thấy xã hội bạo lực, sợ hãi, lo lắng, tuyệt vọng, mọi thứ trên thế giới này đều không mấy thành công, điều này thúc giục Giáo hội tham gia vào đó! Giáo huấn của Giáo hội buộc phải khởi đi từ Phúc âm, phi thời gian đã có hàng thế kỷ suy nghĩ về bản chất con người: điều này áp dụng cho mọi thời, mọi người, dù con người ở thời nào, có lối sống như thế nào. Từ đó là tiếp nối lời huấn quyền đạo đức mà một số người khó hiểu được. Vì thế Giáo hội phải nhớ chính cuộc gặp với Thiên Chúa sẽ giúp hình thành cách hành xử của mình. Chúng ta phải bắt đầu từ đầu: Tin Mừng đòi hỏi người công giáo phải trở thành muối cho đời, nghĩa là mang lại hương vị cho trái đất. Chúng ta phải làm chứng cho hương vị cuộc sống, niềm hy vọng vượt lên cái chết, tình yêu, sự tha thứ.
Cha muốn nói gì về tha thứ?
Thời đại chúng ta rất khó tha thứ, ngay cả khi có người cầu xin tha thứ. Dĩ nhiên chúng ta phải tố cáo tội, tố cáo những kẻ gây rối và hận thù, nhưng chúng ta cũng đừng quên phải cứu tội nhân. Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm, đôi khi chúng ta khó nhớ lỗi lầm của mình, khi chúng ta cùng nhau tấn công ai đó, dù công khai hay không. Thật không bình thường khi chúng ta sống từ rình rập này đến rình rập khác, từ tố cáo tập thể đến thú tội công khai. Chúng ta phải thành công trong việc tha thứ cho những ai sa ngã, đây là thông điệp mang tính tiên tri từ Tin Mừng! Và tôi muốn nói, điều này không cách nào có thể thay thế được công lý, vốn rõ ràng phải thực thi và trừng phạt những kẻ đáng bị phạt.
“Người trẻ đang gõ cửa Giáo hội với những câu hỏi mang tính hiện sinh”
Khi chúng ta nghe nói về Giáo hội, đó là vì những vụ tai tiếng hoặc vì những cam kết chính trị, như trường hợp của người di cư. Cụ thể thì Giáo hội còn phải nói gì nữa?
Thông thường, trên các phương tiện truyền thông, khi người ta nói với tôi về Giáo hội, tôi thấy đây là cả một cuộc diễu hành những điều xấu xa của các cuộc Thập tự chinh, của Tòa án Dị giáo, của nạn ấu dâm, của những cấm đoán đạo đức, của các vụ tai tiếng tiền bạc ở Vatican. Rất đúng, nhưng quý vị có nghĩ có phải vì những chuyện này mà tôi hiến cuộc sống của tôi để làm linh mục không? Chúa Giêsu đã hiến mạng sống của Ngài để cứu chúng ta, vì tình yêu, đó là điều Giáo hội phải nói. Một số người cho rằng điều đó thật ngớ ngẩn, nhưng tình yêu đích thực, thứ tình yêu vô điều kiện lại mạnh mẽ như nó đòi hỏi. Tình yêu sẽ là tiếng nói cuối cùng. Giáo Hội phải nói về những cùng đích cuối cùng, về cái chết làm con người đau khổ một cách hợp lý. Giáo Hội đã có câu trả lời, và tôi nói điều đó vì tôi tin: Chúa Kitô đã phục sinh, chúng ta đi từ bóng tối đến ánh sáng, từ cái chết đến sự sống. Đó là thông điệp đặc biệt mà chúng ta không được tước đoạt của bất kỳ ai.
Cha ở bên cạnh Đức Phanxicô, cha có biết vì sao ngài từ chối chuyến đi cấp nhà nước tới Pháp, khăng khăng cho rằng ngài chỉ đến Marseille không? Có phải nước Pháp phi-kitô giáo là “vùng ngoại vi” nói theo từ vựng quen thuộc của ngài?
Đức Phanxicô đến dự cuộc họp vùng Địa Trung Hải, ngài đã làm như vậy nhiều lần, không cần phải đi thăm chính thức các quốc gia nơi các cuộc họp được tổ chức. Nhưng đúng là nước Pháp là một nước ngoại vi theo cách riêng của mình, và việc đầu tư vào đó cũng tùy thuộc vào người công giáo ở Pháp!
Chính xác thì cuộc họp mà cha đến tham dự là gì?
Chúng tôi gặp các giám mục vùng Địa Trung Hải. Tôi thấy thật hữu ích khi có thể lắng nghe các giám mục đến từ Lebanon, Ai Cập, Algeria, Ma-rốc, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Khi nói về Địa Trung Hải, chúng ta chỉ nói về vấn đề nhập cư. Nhưng chúng ta nên hướng cái nhìn biển cả về mẹ, vì Địa Trung Hải là nền văn minh của chúng ta. Có những trận đánh nhau, có những buôn bán, tranh luận triết học tầm cao, những căng thẳng, không thể tránh khỏi… Người mẹ này đặt câu hỏi chúng ta là ai, và câu hỏi này ám ảnh chúng ta. Vì vậy chúng ta phải tiếp tục gắn kết vào nó.
Đôi khi giáo hoàng tạo chia rẽ khi ngài nói về vấn đề nhập cư… Có phải đồng ý với ngài về các vấn đề chính trị để là người công giáo hay để đến gần với Giáo hội?
Chúng ta phải theo Chúa Giêsu, thế thôi! Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của giáo hoàng, việc ngài đánh thức tâm hồn chúng ta trước nỗi đau khổ của các em bé có phải là một việc bình thường không? Tôi nghĩ ngài ý thức việc bác ái cá nhân không nhất thiết phải là một phản ứng chính trị, mỗi quốc gia sẽ làm những gì họ có thể. Ngài nói những gì ngài cho là đúng, nhưng ngài nói với những người mà ngài tôn trọng trí thông minh. Chúng ta không nên ngại đồng ý hay không đồng ý, vì Giáo hội không phải là một giáo phái. Có giáo điều, có những chân lý áp đặt lên người công giáo trong lãnh vực đức tin. Sau đó là trí thông minh, là tự do của chúng ta.
Cha hiểu chủ nghĩa thế tục như thế nào, vì một số người có cái nhìn không tốt về việc tổng thống Emmanuel Macron tham dự thánh lễ Đức Phanxicô cử hành ở thành phố Marseille?
Tôi xem đây là sự phân bổ vai trò một cách lành mạnh. Tôi có thể chia sẻ quan điểm của tôi, đặt câu hỏi hoặc đưa ra câu trả lời mà không bao giờ nói với các chính trị gia họ phải làm gì. Tôi cũng muốn họ làm ngược lại: họ không cần phải nói với những người trong Giáo hội, họ phải nói gì, phải làm gì hay phải suy nghĩ gì. Giáo hội không phải là một quyền lực, đó là một thẩm quyền vì thế không cần phải sợ hãi. Ở góc nhỏ Corsica trong nước Pháp của tôi, với tôi, sự cân bằng ở đây có vẻ tốt: chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau, chúng tôi rất tôn trọng nhau, tôi lắng nghe, tôi đưa ra ý kiến của tôi, nhưng tôi không cố gắng quyết định thay mặt các chính trị gia.
Cha là tu sĩ, linh mục, giám mục trẻ và sẽ là hồng y trong vài ngày tới. Vậy vai trò này trong Giáo hội là gì? Là giáo hoàng tương lai?
Xin Chúa gìn giữ tôi! Trên thực tế, hồng y là người cố vấn cho giáo hoàng. Không nhất thiết họ phải làm việc với giáo hoàng mỗi ngày, nhưng thông qua một chức năng được giao phó cho họ trong việc quản trị Giáo hội. Tôi sẽ tiếp tục chăm sóc những người được giao phó cho tôi ở Corsica, nhưng tôi điều hướng từ địa phương đến phổ quát, ở Rôma và những nơi khác. Công việc này giúp tôi được gặp các hồng y đến từ khắp nơi trên thế giới. Ở châu Âu, chúng ta có kinh nghiệm cổ điển về kitô giáo, nhưng những người khác có trải nghiệm mới mẻ hơn và có thể thú vị hơn. Chúng ta đừng sợ. Hãy tiến về phía trước! Đừng sợ!
“Trái tim không bị chia cắt” (Le cœur ne se divise pas, François Bustillo, Edgar Peđa Parra và Nicolas Diat, lời nói đầu của Đức Phanxicô, nxb. Fayard)
Marta An Nguyễn dịch