Người công giáo có buộc phải đồng ý với giáo hoàng không?
fr.aleteia.org, Morgane Afif, 2024-01-17
Người công giáo có buộc phải đồng ý với giáo hoàng về mọi mặt không? Không tuân theo ngài có phải là tội không? Còn với những văn bản chính thức của Vatican công bố thì sao? Với cái nhìn sâu sắc của linh mục Cédric Burgun, giáo sư tại Khoa Giáo luật Paris giải thích trên trang Aleteia.
Người công giáo có bị buộc phải đồng ý với giáo hoàng không? Tuyên bố Fiducia Supplicans gây xôn xao và chia rẽ người công giáo. Có phải là tội khi không tuân theo các quyết định của giáo hoàng trong mọi trường hợp không? Linh mục Cédric Burgun giải thích: “Điều này tùy thuộc vào các cấp huấn quyền.” Điều 750 của Giáo Luật ghi:
1. Chúng ta phải tin vào đức tin thiêng liêng và công giáo tất cả những gì Lời Chúa được truyền thống viết hoặc truyền lại, nghĩa là kho tàng đức tin duy nhất được ủy thác cho Giáo hội, đề xuất như được Thiên Chúa mạc khải cho huấn quyền long trọng hay huấn quyền thông thường và phổ quát của Giáo hội, nghĩa là điều được biểu hiện bằng sự gắn kết chung của các tín hữu dưới sự hướng dẫn của huấn quyền thiêng liêng; vì thế tất cả phải tránh bất kỳ học thuyết trái ngược nào.
2. Chúng ta phải kiên quyết đón nhận và tuân giữ tất cả và từng điều đã được Huấn quyền Giáo hội dứt khoát đề xuất liên quan đến đức tin và luân lý, nghĩa là những điều cần phải giữ một cách thánh thiện và trung thành của kho tàng đức tin; ai từ chối những đề nghị vốn phải kiên quyết giữ là người chống đối học thuyết Giáo hội. Vì thế điều khoản này nhắc chúng ta, có những điều có thể gọi là các cấp độ huấn quyền không nhất thiết đòi hỏi có sự gắn bó giống nhau: có những ‘điểm’ đức tin chúng ta phải tin, đức tin thiêng liêng và công giáo, qua đó chúng ta thuộc về ai và buộc phải tuân thủ. Theo điều khoản §1, chúng ta buộc phải tuân theo những gì liên quan đến huấn quyền long trọng hoặc thông thường, nghĩa là giáo huấn của Giáo hội về các chân lý đức tin và luân lý.
Chính trị hay huấn quyền?
Giáo sư nói rõ: “Điều này bao gồm, trong số những điều khác, tính không thể sai lầm của giáo hoàng, nhưng không chỉ có vậy. Một số tín điều được công bố nhưng không nằm trong tính không thể sai lầm của giáo hoàng. Các Công đồng cũng liên quan đến tính không thể sai lầm, theo điều 749: ‘giám mục đoàn được hưởng tính không thể sai lầm trong huấn quyền khi các giám mục tập hợp trong một Công đồng Đại kết thi hành huấn quyền với tư cách là tiến sĩ và thẩm phán về đức tin và luân lý, và tuyên bố cho toàn thể Giáo hội một học thuyết liên quan đến đức tin hay phong tục phải được tuân thủ một cách dứt khoát. Huấn quyền của Công đồng vì thế là một huấn quyền long trọng: do đó, người công giáo buộc phải tuân theo mọi điều được tuyên bố trong đó.” Do đó, có những chủ đề mà giáo hoàng nói lên nhưng không nhất thiết thuộc về huấn quyền long trọng của Giáo hội: nếu giáo hoàng có quan điểm về một chủ đề chính trị vẫn còn được tranh luận trong thần học, học thuyết xã hội hoặc luật pháp, thì giáo dân có thể không đồng ý với ngài, trong khi vẫn trung thành với Giáo hội công giáo.
Linh mục Cédric Burgun cho biết thêm: “Nếu chúng ta không đồng ý với giáo hoàng về một điểm chưa được huấn quyền quyết định, thì đó không phải là một tội. Ngược lại, nếu chúng ta không đồng ý với giáo hoàng về một quan điểm của huấn quyền, thì trước tiên chúng ta không đồng ý với giáo hoàng; chúng ta không đồng ý với huấn quyền Giáo hội, điều này đặt ra vấn đề liên quan đến hiệp thông trong đức tin mà chúng ta buộc phải sống với Giáo hội.” Vì vậy, một bên là đặt câu hỏi trong lương tâm, nội tâm của mình, bên kia là gieo chia rẽ cách công khai giữa những người công giáo và chống Giáo hoàng Phanxicô một cách có hệ thống, chỉ vì ngài là giáo hoàng Phanxicô.
Phá hoại sự hiệp thông của Giáo hội
Giáo sư nhấn mạnh: “Có những đối lập nuôi dưỡng những khuynh hướng ly giáo hoặc dị giáo. Trong giáo luật, một hành động ly giáo là chống lại chính quyền giáo hội, dị giáo là ngoan cố phủ nhận một chân lý đức tin (bội giáo là chối bỏ toàn bộ đức tin). Điều 205 đòi hỏi mọi tín hữu phải duy trì sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội qua ‘các mối ràng buộc của việc tuyên xưng đức tin, các bí tích và của guồng máy quản lý của giáo hội’. Điều làm tổn thương một trong những mối ràng buộc này ít nhất là tội chống lại Thiên Chúa và Giáo hội của Ngài. §1 của điều 1364, trong luật hình sự kinh điển quy định ‘kẻ bội đạo, kẻ lạc giáo hoặc kẻ ly giáo sẽ phải chịu vạ tuyệt thông latæ sententiæ.”
Dĩ nhiên việc đặt câu hỏi tự chính nó không phải là điều xấu. Linh mục Burgun giải thích: “Nhưng nếu việc đặt câu hỏi hoặc bất đồng lương tâm chuyển thành hành vi khinh thường, nghi ngờ hoặc ly giáo; nếu suy tư trở thành một hành động nổi loạn chống giáo hoàng thì khi đó chúng ta phải đặt câu hỏi về cách hiểu của chúng ta trong các chúng ta nhìn quan hệ dòng dõi của chúng ta với Giáo hội công giáo. Tất nhiên điều này tùy thuộc vào cấp độ huấn quyền: nếu giáo hoàng giải thích tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội thì không giống như khi ngài giảng về vấn đề nhập cư chẳng hạn.”
Một người công giáo thường xuyên bất đồng với giáo hoàng sẽ làm suy yếu sự hiệp thông và hiệp nhất của Giáo hội”
Việc đặt câu hỏi tự chính nó không phải là điều xấu, nhưng là những gì chúng ta làm với nó: chúng ta kiên trì phản đối đến mức độ nào và chúng ta bộc lộ sự bất đồng của mình ở mức độ nào và bằng cách nào? Chúng ta có tự cho mình phương tiện để khám phá những suy nghĩ của giáo hoàng mà chúng ta không đồng ý không? Linh mục Burgun nhấn mạnh: “Thật dễ dàng để có một phản xạ tự ái khi nói ‘vì đó là giáo hoàng Phanxicô nói nên tôi không đồng ý’. Một người công giáo thường xuyên bất đồng với giáo hoàng sẽ làm suy yếu sự hiệp thông và hiệp nhất của Giáo hội.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch