Hồng y Pizzaballa ‘thảo luận’ về việc trao đổi con tin

38

Hồng y Pizzaballa ‘thảo luận’ về việc trao đổi con tin

cath.ch, Raphael Zbinden, 2023-10-22

Hồng y Pierbattista Pizzaballa, người Ý là thượng phụ Đất Thánh từ năm 2020 | © Nhà thờ Công giáo Anh và xứ Wales/Flickr/CC BY-NC-ND 2.0

Gần đây hồng y Pierbattista Pizzaballa tuyên bố sẵn sàng chịu làm con tin để trao đổi các con tin do phong trào Hamas bắt giữ ở Dải Gaza. Trong một phỏng vấn, ngài cho biết “các cuộc thảo luận” đang được tiến hành để thực hiện phương pháp này.

Hồng y trong một phỏng vấn vào đầu tháng 10 về việc ngài sẵn sàng làm con tin để đổi cho các trẻ em bị Hamas bắt, ngài nói: “Không có vấn đề gì với tôi, đây là một ý chí tuyệt đối.” Khẳng định này được nhắc lại trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Brazil O Sao Paulo phát sóng ngày 20 tháng 10: “Chắc chắn tôi sẽ làm điều tương tự với người Palestine, vì với tôi, không có phân biệt”, ngài nói rõ trong cuộc phỏng vấn mới này. Ngài cũng cho biết, “người Israel và Palestine đã phản ứng rất mạnh trước đề nghị này.” Khi được hỏi liệu một bước đi theo hướng này đã được thực hiện chưa, ngài trả lời: “Cứ cho là chúng tôi đang thảo luận”.

Trong quá trình xâm nhập từ Dải Gaza vào ngày 7 tháng 10, phong trào Palestine đã bắt cóc gần 200 người, trong đó có lẽ có khoảng 15 trẻ em.

Hoàn toàn chia rẽ

Ngài cũng nói với truyền thông O Sao Paulo, cộng đồng kitô giáo địa phương trải qua cuộc xung đột mới này rất tiêu cực. Trên thực tế, phần lớn người công giáo ở Đất Thánh là người Palestine, một số người sống ở Gaza, trong khi những người khác có nguồn gốc do thái. “Vì vậy, các bạn có thể hình dung các căng thẳng trong cộng đồng để cố gắng đoàn kết và cùng nhau nỗ lực vì hòa bình này lớn như thế nào. Nó rất khó”.

Hồng y Pierbattista Pizzaballa đưa ra một bức tranh khá ảm đạm về tình hình hiện tại trong khu vực: “Ngày nay, sự chia rẽ là hoàn toàn. Mỗi người chỉ nhìn thấy nỗi đau của mình chứ không nhìn nỗi đau của người khác. Nếu nói bất cứ điều gì về Israel, người Palestine sẽ cảm thấy bị phản bội và ngược lại. Đó là điều đã bị phá vỡ rất sâu đậm và theo tôi đó là điều khó xây dựng lại nhất sau cuộc xung đột này.”

Nói chung, hồng y nghĩ rằng sẽ không thể có hòa bình nếu “mọi người đều muốn giữ mọi thứ họ muốn”. Theo ngài, “không có hòa bình ‘đúng nghĩa’, hòa bình không nên nhầm lẫn với chiến thắng (…). Hòa bình đòi hỏi dũng cảm, vì hai bên đều phải từ bỏ một số yêu cầu. (…) Vì thế chúng ta phải tìm ra con đường, phải có can đảm để lựa chọn những gì là ưu tiên và quyết định nên bỏ qua cái gì, cái gì nên bỏ vì lợi ích lớn hơn cho hòa bình, cho ổn định và cho một tương lai được nhìn thấy trước mắt.” 

Hiểu rằng người kia không phải là quỷ

Hồng y đảm bảo: “Nếu muốn, người Israel và người Palestine có thể nhanh chóng đạt được hòa bình vì họ biết vấn đề là gì, điều gì họ có thể từ bỏ và điều gì họ không thể. Các vấn đề đều được biết đến rộng rãi. Đây là những biên giới, các thuộc địa, người tị nạn và Giêrusalem. Tất nhiên, không phải tất cả những người tị nạn đều có thể về lại, nhưng cần xác định rõ biên giới. Dĩ nhiên người Palestine phải có quyền tự chủ hoàn toàn như một quốc gia.”

Hồng y lưu ý: “Là một Giáo hội, trước tiên chúng ta phải làm việc với cộng đồng của mình, để cộng đồng không bị cuốn vào những câu chuyện của người này chống lại người kia”. (…) Chúng ta kêu gọi công lý nhưng chúng ta không thể im lặng trước những vi phạm nhân quyền, không nuôi dưỡng những gì chúng ta thấy hiện nay, oán giận và hận thù trong trái tim và ngay cả trong những gì chúng ta nói trong các bài phát biểu và bài giảng.”

Ngài mong muốn: “Chúng ta phải tạo cơ hội cho các kitô hữu, người do thái và người hồi giáo gặp nhau, không phải ở cấp độ cao, mà ở cấp địa phương, trong các giáo xứ, cộng đồng, trường học, bằng cách đưa trẻ em đi thăm giáo đường do thái, nhà thờ hồi giáo hoặc nhà thờ công giáo. Điều này rất quan trọng vì nó cho phép mọi người hiểu, trên hết, rằng người khác tồn tại và họ không phải là quỷ, đồng thời nhận ra các truyền thống khác nhau này là một phần của cuộc sống của đất nước.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Tại Gaza, các tín hữu kitô “cùng sống chết với nhau”