Ngồi lê đôi mách

918

Chương 5 sách Năng lực tweet của Đức Giáo hoàng, Cách mạng Thiêng liêng với 140 ký tự (The Tweetable Pope. A Spiritual Revolution in 140 Characters), Michael J. O’Loughlin

Đức Phanxicô

Cuộc chiến ngồi lê đôi mách không phải là tác động chính của triều giáo hoàng Phanxicô, nhưng ngài đã hai lần tweet về điều này. Tôi quyết định đưa chuyện này vào chương này vì tuy không phải là chủ đề chính trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, nhưng nó có một chỗ đứng quan trọng. Tôi nghĩ nó cũng là cánh cửa sổ để chúng ta nhìn hoạt động của Đức Phanxicô trên tài khoản Twitter, kết hợp với các nỗ lực và sự vụ chính thức của ngài.

Ngồi lê đôi mách là một trong những cám dỗ hằng ngày mà chúng ta ai cũng có lần rơi vào. Đức Phanxicô không muốn chúng ta cảm thấy tội lỗi về điều này, nhưng ngài nghĩ là phải tránh hết sức có thể. Đàm tiếu là việc không tốt cho gia đình, cho nơi làm việc, và cho cộng đoàn, nhất là khi ra ngoài tầm kiểm soát, nó là thảm họa cho toàn thể Giáo hội. Đức Phanxicô đang cố gắng để các giám mục của ngài thôi đàm tiếu. Như thế, không những là không mang tinh thần kitô hữu mà còn đe dọa khuôn mặt Giáo hội mà Đức Phanxicô mong muốn: thương xót, chào đón và có thể biểu lộ tình yêu Thiên Chúa. Đàm tiếu cũng là mối bận tâm riêng của Đức Phanxicô. Trong khi hầu hết người Công giáo yêu mến ngài, thì có một vài giám chức không thích nghị trình của ngài, và nhiều lúc viện đến đàm tiếu để phá ngang.

Đức Phanxicô quá được yêu chuộng ở Hoa Kỳ. Nhân hai năm ngài được bầu làm giáo hoàng, nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, cho thấy 95% người Công giáo có đi lễ nhà thờ ở Hoa Kỳ, có cái nhìn thiện cảm dành cho ngài. Con số này ngang với Đức Gioan Phaolô II ngay cả trong thời kỳ cực kỳ nổi tiếng của ngài vào thập niên 1990. Trong chương một, chúng ta thấy trên khắp thế giới cũng như thế: đa số ở châu Âu 84%, Hoa Kỳ 78%, và châu Mỹ La tinh 72% đều có cái nhìn thiện cảm với Đức Phanxicô. Tầm đại chúng của Đức Giáo hoàng bao trùm các quan điểm chính trị, lứa tuổi và ngay cả với những người có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng, với 70% số người không tôn giáo có cái nhìn thiện cảm về Đức Giáo hoàng.

Nhưng bên trong Giáo hội, con đường không đầy màu hồng với Đức Phanxicô.

Lúc Đức Bênêđictô XVI thoái vị, Giáo triều Roma, nội các của giáo hoàng với các hồng y và giám mục điều hành thể chế Giáo hội ở trong cơn khủng hoảng. Các tin đồn về nạn đấu đá và vấn đề tài chính đáng ngờ đang nhan nhản. Quản gia riêng của Đức Bênêđictô đã phản bội ngài, ông tiết lộ các tài liệu nội bộ cho truyền thông. Trong những ngày ngay trước mật nghị tháng ba 2013, các hồng y, những người chịu trách nhiệm trong việc bầu giáo hoàng ý thức mình phải làm gì đó. Vatican cần một người đến từ bên ngoài, một người không ngại lay chuyển mọi sự và đưa nhà Giáo hội vào trật tự. Người đó, tất nhiên, là Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Được bầu lên như một nhà cải cách ở tuổi 76, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận ngai tòa Phêrô với ý thức rằng mình không có nhiều thời gian để tạo nên sự khác biệt. Nên ngài vận động nhanh chóng, lập các văn phòng mới để quản lý tình trạng tài chính khó kiểm soát của Vatican. Ngài giới hạn quyền lực của Giáo triều bằng cách lập nhóm chín hồng y cố vấn, họp thường xuyên để định hướng công việc. Và ngài cắt bớt vây cánh của những người đối lập muốn tìm cách phá hoại các nỗ lực của ngài.

Là những con người của Chúa, các hồng y và giám mục đột nhiên bị tước quyền này, họ nuốt kiêu hãnh xuống và cùng chung sức làm việc với Đức Phanxicô, lãnh đạo mới của mình. Nhưng không phải ai cũng thế. Một số không đi chung đường với Đức Phanxicô, họ mở một chiến dịch xì xào với đủ kiểu đàm tiếu và ức đoán, để làm giảm giá trị các cải cách của Đức Giáo hoàng. Những lời ám chỉ, tin đồn, và dối trá trắng trợn mà một vài cấp lãnh đạo trong Giáo hội đã tiết lộ cho truyền thông làm Vatican phải hổ thẹn.

Một trong những người cốt cán được Đức Phanxicô bổ nhiệm vào Ngân hàng Vatican, bị cáo buộc là có quan hệ đồng tính. Về sau, trong Hội đồng Gia đình, các giám mục có cảm tình với cải cách tự do trong Giáo hội bị cáo buộc là hấp tấp phát hành một báo cáo hội đồng với ngôn từ thân thiện với những người đồng tính và những người ly dị rồi tái hôn. Lại có lời đồn rằng phòng thư từ Vatican đã không chuyển các quyển sách mang tính bảo vệ giáo huấn của Giáo hội hiện thời cho các thành viên hội đồng. Khi các cải cách tài chính của Đức Giáo hoàng được đẩy lên cao độ, thì nhân vật cốt cán được ngài giao phó kiểm tra chuyện tiền bạc, bị đồn là tiêu xài hoang phí cho trang trí văn phòng và trang phục. Đàm tiếu đang hung hăng vượt lên, muốn diệt các đồng minh của Đức Phanxicô.

Một hồng y Mỹ thế giá ở Vatican, trở thành biểu tượng cho những người nghi ngờ cương vị lãnh đạo của Đức Giáo hoàng. Hồng y này nói là “nhiều” người bày tỏ “quan ngại” về Đức Giáo hoàng Phanxicô. Trong buổi phỏng vấn ngày 30 tháng mười, với tờ báo Công giáo Tây Ban Nha Vida Vueave, hồng y này nói, “có một suy nghĩ mạnh cho rằng giáo hội như con thuyền không bánh lái.” Ông nói rằng đây không phải là cảm giác của riêng ông, nhưng là của một người khác, với ý muốn làm rõ là những người chỉ trích Đức Giáo hoàng sẽ có một đồng minh mạnh ở Roma. Chuyện này không kéo dài lâu. Khoảng một tuần sau, ông bị đẩy khỏi vai trò lãnh đạo Tòa Thượng Thẩm, và được bổ nhiệm vào một vai trò mang tính hình thức là tuyên úy cho Hội Hiệp sĩ Malta. Trường hợp đặc biệt này cũng là trường hợp cực đoan nhất, khi một hồng y thế giá công khai chất vấn cương vị lãnh đạo của Đức Giáo hoàng và không lâu sau bị thuyên chuyển chức vụ, nhưng không phải là duy nhất.

Một giám mục Hoa Kỳ nói rằng Đức Phanxicô đang hạ bệ những người Công giáo bảo thủ. Một hồng y khác chất vấn không biết Đức Giáo hoàng có thực sự hiểụ được các bài diễn văn và bài giảng của ngài có tác động toàn cầu thế nào hay không. Và nhiều linh mục cũng như giáo dân, tiếp tục tỏ ra khó chịu mỗi khi Đức Phanxicô bỏ qua bài soạn sẵn, mà nói tự phát, từ trái tim và làm cho báo giới tốn nhiều giấy mực. Vài người ở Vatican nghĩ, cách tốt nhất để chống lại các thay đổi của Đức Giáo hoàng là làm rò rỉ thông tin và nói bóng gió cạnh khóe để loại trừ các đồng minh của Đức Phanxicô. Những chiến thuật này thường được các giám chức muốn giữ ghế áp dụng, và đôi khi bất chấp tác hại của nó với công việc phúc âm hóa. Đức Phanxicô đã có một thông điệp gởi đến các giám mục này: hãy thôi đi.

Các câu tweet của Đức Giáo hoàng về ngồi lê đôi mách cũng giống như “quả trứng Phục Sinh” với nhiều ẩn nghĩa mà tôi đã mô tả trong chương trước, và thực sự có tác động đến những người này. Chỉ có hai tweet trực tiếp nói về thói đàm tiếu, nhưng khi hiểu được những gì sau màn ảnh, chúng ta thấy đây là cú đấm mạnh hơn nhiều. Đức Phanxicô muốn các giám mục hãy thôi ám ảnh về quyền lực và danh tiếng của mình, và phải biết đi vào trong thế giới. Chặn đứng thói đàm tiếu là một trong các bước đầu tiên của ngài. Nhưng ngài không tweet về đàm tiếu chỉ để chấn chỉnh hàng ngũ (dù chắc chắn là chúng có tác động tốt này.) Nhưng ngài muốn mỗi một tín hữu biết noi gương Chúa Giêsu hơn nữa, mà chuyện đàm tiếu lại kéo chúng ta đi lui trên con đường này. Cuộc Cách mạng Phanxicô không diễn ra với những thay đổi lớn trong giáo huấn của Giáo hội, hay bán các tác phẩm nghệ thuật vô giá để lấy tiền phát cháo cho người nghèo. Nhưng cuộc Cách mạng Phanxicô sẽ đến khi các tín hữu bắt đầu sống giống Chúa Giêsu hơn, từ những giáo dân bình thường cho đến các hồng y cao cấp của Giáo triều.

@Pontifex 09-06-2014

Mong sao chúng ta đừng bao giờ nói về người khác sau lưng họ, nhưng hãy cởi mở nói với họ những gì chúng ta nghĩ.

Khi tấn phong các tân hồng y năm 2014, Đức Giáo hoàng thúc giục mọi người đang hiện diện trong Đền thờ Thánh Phêrô hãy chống lại cám dỗ muốn làm một quân vương trong Giáo hội, đừng cố gắng củng cố địa vị của mình như trò chơi hơn thua. Các chiến dịch thì thầm rỉ tai có lợi cho trò hơn thua này, và Đức Phanxicô không ngây thơ. Trong bài giảng với các tân hồng y, ngài nói, “Làm hồng y là đi vào trong Giáo hội La Mã, chứ không phải đi vào triều đình… Mong sao tất cả chúng ta biết tránh và biết giúp người khác tránh những thói quen và cách hành xử kiểu triều đình, là mưu đồ, đàm tiếu, bè phái, thiên vị, và ưu đãi.” Trong khi những thói xấu này chắc chắn tồn tại trong Giáo hội, nhưng Đức Phanxicô nài nỉ các hồng y đừng để mình chìu theo cám dỗ đó. Ngài không chỉ nói, mà còn hành động. Đức Phanxicô biết rằng đưa được Giáo hội về lại những điều căn bản, sẽ cần đến nhiều tâm hồn biết biến đổi, và chấm dứt thói đàm tiếu là một bước quan trọng để đạt được mục tiêu đó.

Những người ủng hộ Đức Phanxicô khen ngợi việc ngài khuyến khích trao đổi và tranh luận trong Giáo hội, ngay cả khi bàn về những chủ đề gây nhiều tranh cãi như phụ nữ, tránh thai, ly hôn, và tính dục. Các vấn đề này là chủ đề nổi bật của Hội đồng về Gia đình. Nhưng với các giám mục và giáo dân Công giáo đã ổn định đường hướng của mình trong suốt nhiều thập niên qua, cả trong Giáo hội lẫn đời sống công, thì sự lay chuyển này thật khó mà chấp nhận. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, Giáo hội mới tự đặt cho mình những chất vấn hóc búa, nhìn nhận thực tế rằng đã không chăm sóc mục vụ cho đủ với các vấn đề mà nhiều gia đình đang phải đối mặt ngày nay. Người Công giáo ly dị rồi tái hôn có được rước lễ không? Giáo xứ có nên cởi mở hơn với các cặp đồng tính? Vai trò của phụ nữ trong Giáo hội nên thế nào? Các hồng y nổi bật của mỗi bên tranh luận đều lên tiếng tố cáo bên kia ném đá giấu tay để củng cố cho lý lẽ của mình. Mỗi buổi sáng, khi đi vào sảnh Hội đồng, các hồng y và giám mục, đều có vài lời cho báo giới, cập nhật liên tục. Một câu tweet của Đức Phanxicô được đăng lên giữa giai đoạn kịch tính này cho thấy ngài biết chuyện, và muốn người của ngài chấm dứt nó.

@Pontifex 07-10-2014

Chúng ta hãy xin Chúa ơn đừng nói xấu về người khác, đừng chỉ trích, đừng đàm tiếu, nhưng hãy yêu mến tất cả mọi người.

Khoảng 30.000 người re-tweet và thích câu tweet này. Nhưng có vẻ như một vài hồng y và giám mục không nằm trong số đó.

Vài tháng sau, vài ngày trước khi Đức Giáo hoàng chuẩn bị công bố các thay đổi trong những ban bộ Vatican có liên quan đến tài chính, đã có ai đó tiết lộ các hóa đơn tiền trang trí văn phòng và trang phục của hồng y George Pell người Úc, được Đức Giáo hoàng chỉ định kiểm soát chuyện tiền bạc. Câu chuyện tràn ngập trên các báo Công giáo. Những người chỉ trích cho rằng một trong những người mà Đức Giáo hoàng chọn đã không đồng chí hướng với Đức Phanxicô là đường đơn sơ tiết kiệm. Ý định rõ ràng là muốn phá giáo hoàng, phá hỏng các cải cách của ngài, và giữ mọi chuyện y như cũ. Dù cho Đức Giáo hoàng lãnh đạo mà không cần ai kiểm tra, nhưng thực tế là các bài báo truyền thông về các quyết định của ngài vẫn có một tác động to lớn. Nếu những người Công giáo không đồng lòng, thì một giáo hoàng có thể trở nên vô lực. Các giám mục cố gắng chất vấn cương vị lãnh đạo của Đức Giáo hoàng biết rõ điều này, và họ rất vui khi góp tay xây dựng các hoài nghi này, một phản ứng rất không có tinh thần kitô của nhưng người cảm thấy mình bị đe dọa trước cuộc Cách mạng Phanxicô.

“Tôi là ai mà phán xét?” có lẽ là câu nói nổi tiếng nhất của Đức Phanxicô, cũng là đề tài của những chuyện đàm tiếu. Từ tháng 6 năm 2013, Đức Giáo hoàng đã chỉ định linh mục Battista Ricca làm đại diện riêng của ngài ở Ngân hàng Vatican. Ngay lập tức, những người nói xấu đã loan tin đồn rằng giám mục Ricca từng có chuyện tình đồng tính thời còn ở Uruguay vào những năm 2000. Vatican bác bỏ các luận điệu này. Tháng bảy năm 2013, trên chuyến bay từ Rio về Rome, có người hỏi Đức Giáo hoàng về các linh mục đồng tính. Ngài trả lời, “Tôi là ai mà phán xét.” Giám mục Ricca vẫn tại vị, và đây là thông điệp mạnh mẽ không thể làm ngơ, gởi đến tất cả những cái loa đàm tiếu ở Vatican rằng, những chước cách cũ không còn tác dụng nữa đâu.

Đức Phanxicô tin rằng các chước cách cũ này ngăn chặn đối thoại và gạt đi Thần Khí. Các giám mục và giáo dân đã sợ không dám lên tiếng, đã không dám phản đối vì sợ bị báo thù hay bị vu khống. Đức Phanxicô muốn chuyện này phải thay đổi, nên ngài khích lệ những người bất đồng với ngài hãy nói ra, nói thành thật và tôn trọng. Đức Phanxicô chấp nhận có những bất đồng quan điểm, nhưng ngài không dung dưỡng chuyện đàm tiếu.

Năm 2014, trong bài diễn văn chúc mừg Giáng Sinh với các thành viên giáo triều Thượng Hội Đồng, lâu nay đây là bài tổng kết và khen ngợi công việc của mọi người trong năm qua, đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô biến thành một bản xét mình, trong đó ngài tuyệt đối không chấp nhận “những bệnh tật phần hồn” đang làm ung hoại Giáo hội. Và nạn “khủng bố của đàm tiếu” được dùng để “giết thanh danh các đồng sự và anh em mình, giết một cách máu lạnh.” Mọi người hiện diện, vốn chờ đợi một bài diễn văn khen ngợi, đã chưng hửng, vỗ tay đứt đoạn. Đức Phanxicô lại nói tiếp. “Đây là căn bệnh của những người hèn nhát, không có can đảm để nói trực tiếp, nên nói sau lưng người khác.” Đức Giáo hoàng của chúng ta không e ngại gì. Ngài biết bục giảng là một trong các khí cụ mạnh nhất của mình, và ngài không ngại khi dùng đến, bằng chính lời mình hay trên Twitter.

Tất nhiên, đàm tiếu không chỉ làm băng hoại các hồng y và giám mục. Những lời của Đức Giáo hoàng cũng áp dụng cho tất cả mọi người Công giáo nữa. Đức Phanxicô dành nhiều buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư cho chủ đề này, ngài nói với đám đông đang quy tụ nơi quảng trường thánh Phêrô rằng ngồi lê đôi mách chắc chắn làm chệch hướng con đường nên thánh. “Cha tin chắc rằng nếu mỗi người chúng ta chủ tâm tránh chuyện đàm tiếu, thì cuối cùng sẽ được nên thánh. Đây là con đường thật đẹp!” Đức Phanxicô biết được sức cám dỗ của đàm tiếu, một trò tiêu khiển “có vẻ thú vị và vui vẻ, như kẹo ngọt vậy.” Nhưng, như nhiều thứ ngọt ngào khác, cuối cùng đàm tiếu dẫn đến “chèn kín tâm hồn với sự chua cay và đầu độc chúng ta.” Suy niệm về bài đọc Tin mừng trong ngày kể chuyện Chúa Giêsu bảo các môn đệ rằng nói xấu người khác cũng như dùng bạo lực vậy, và Đức Phanxicô cũng nói thẳng: “Đàm tiếu cũng có thể giết người, bởi nó giết thanh danh của người đó.”

Các Kitô hữu phải là người yêu thương nhau, nhưng có nhiều lúc chúng ta hành xử chẳng khác gì thế gian, và đàm tiếu là một những chuyện như thế. Đức Phanxicô muốn chúng ta dừng chuyện này lại.

Tháng ba 2015, khi ngài đến Napoli, một tỉnh miền Nam nước Ý để nói chuyện với các lãnh đạo các dòng tu. Bất kỳ ai từng ở trong tu viện, đều biết là có những lúc, chuyện đàm tiếu nổi lên rất mạnh. Đức Phanxicô cho rằng, trong cộng đoàn mà có đàm tiếu thì đó là dấu chỉ của bệnh hoạn. “Với cha, có một dấu chỉ cho thấy tình huynh đệ không tồn tại trong nhà dòng hay tu viện. Dấu chỉ đó là đàm tiếu, là khủng bố của đàm tiếu. Một người đàm tiếu là kẻ khủng bố đánh bom, phá hoại, họ không dùng kiểu cảm tử kamikaze … Họ yên ổn đứng ngoài, họ hủy hoại người khác mà thôi.” Thông điệp của Đức Phanxicô rất mạnh: “Đàm tiếu là khủng bố.” Khi nói cũng như khi viết các câu tweet, Đức Phanxicô dùng các danh từ, các câu dễ nhớ, ngắn gọn, nhắm vào ý chính và có sức đẩy mạnh. Đây là lý do vì sao ngài rất hợp với tài khoản Twitter, nhiều câu tweet được ủng hộ nhất của ngài được rút ra từ các bài nói chuyện. Ngài biết là hầu hết người Công giáo không có thời gian để đọc hết mọi lời ngài nói, nên ngài có thể chọn ra những điểm chính và truyền đạt thẳng chỉ trong vài giây là đủ.

Đức Phanxicô thường dùng cách này như một lợi khí để nói về sự độc hại của đàm tiếu. Ngài gọi đàm tiếu là hành vi “tội ác” gần giống như giết người. Ngài muốn bảo đảm thông điệp của mình được truyền đi mạnh mẽ. “Không có gì khác hết. Nếu nói xấu về anh em mình, là giết anh em mình. Và mỗi khi làm thế, là chúng ta làm theo Cain, kẻ sát nhân đầu tiên trong lịch sử.”

Đàm tiếu không hiếm trong thế giới. Đức Phanxicô tin rằng nó là một chiến thuật không xứng với người Kitô hữu. Các giám mục và các linh mục muốn  leo thang đã dùng đàm tiếu và các vũ khí khác để có được những công việc danh giá hơn, chức vụ cao hơn. Như thế là không theo tinh thần của Tin mừng, và Đức Phanxicô đã nhận lấy sứ mạng nhổ triệt đàm tiếu trong Giáo hội.

Nhưng còn về những người không chống nổi cám dỗ đàm tiếu thì sao? Ngay cả các mục tử cũng vậy, và Đức Phanxicô cho chúng ta một vài ý kiến. Trước khi nói xấu về người khác, thì một Kitô hữu, người cũng có thiếu sót như ai, cần phải cầu nguyện, và rồi đối diện với người kia, mặt đối mặt. “Hãy đi và cầu nguyện cho người đó! Hãy đi và đền tội cho người đó! Rồi, nếu cần, thì nói với người đó, để họ có thể sửa đổi.” Ngài đã làm điều này vào tháng mười một 2013, gọi điện cho một ký giả vừa đăng một bài báo chỉ trích giáo hoàng. Lời khuyên thiêng liêng của Đức Giáo hoàng về cách xử lý thói đàm tiếu, về cách sống sao cho giống Chúa Giêsu hơn, được truyền đạt mà không cần dài dòng.

Tháng mười hai 2013, Đức Phanxicô đã có vài lời khuyên rất thực tế cảnh báo về thói đàm tiếu mà ngài từng nói đến trên Twitter: “Hãy luôn luôn chào hỏi mọi người thật dễ thương, luôn luôn với nụ cười.”

Trong khi Đức Phanxicô chỉ tweet về thói đàm tiếu có hai lần, nhưng những thông điệp của Đức Giáo hoàng rõ ràng đã truyền tải được cảm nhận của ngài. Kitô hữu cần phải thôi trò bắn lén và hãy đi về lại với Tin mừng.

J.B.Thái Hòa chuyển dịch