Đức Phanxicô: Cách mạng ở Vatican
jeuneafrique.com Christophe Le Bec, 26-1-2015
Đức Phanxicô đã khơi lên trong Giáo hội Công giáo một làn sóng cải cách mà tầm rộng lớn của nó đã làm người ta nghĩ đến việc cải tổ (perestroka) của Mikhạl Gorbatchev hay New Deal của Tổng thống Mỹ Roosevelt. Đó là quan điểm của Marco Politi, tác giả quyển sách bán chạy về chủ đề này.
Phỏng vấn
Người giải mã các vấn đề thời sự của Giáo hội Công giáo từ gần 40 năm nay, ký giả người Ý Marco Politi đã sống qua năm đời giáo hoàng, từ Giáo hoàng Phaolô VI đến Đức Phanxicô. Ông là ký giả của tờ La Repubblica ở Vatican, sau đó, năm 2009 ông đồng sáng lập nhật báo Il Fatto Quotidiano, ông vừa xuất bản quyển ‘Phanxicô giữa đàn sói’ phân tích làn gió mới thổi đến Vatican và các chống đối mà giáo hoàng được bầu lên vào tháng 3 năm 2013 gặp khi ngài muốn đưa cuộc cải cách của mình đến nơi đến chốn.
Tuổi trẻ Phi châu: Ông có ngạc nhiên khi Đức Bergoglio người Argentina được bầu chọn không?
Marco Politi: Đầu năm 2013, Giáo hội đã lâm vào đường cùng khi một loạt khủng hoảng xảy ra liên tục lặp đi lặp lại và chịu nhiều căng thẳng ở tất cả mọi góc cạnh: với thế giới Hồi giáo, với người Do thái, với những người bảo thủ chính thống, với những người tiến bộ và ngay cả với những nhà khoa học. Rất nhiều giám mục cảm thấy Giáo hội không còn ai cai quản và họ muốn thay đổi. Cũng như tất cả mọi người, tôi ngạc nhiên khi mật viện bầu Đức Jorge Bergoglio, dù trong lần mật viện năm 2005 ngài cũng đã có một số phiếu – lần đó thì Đức Joseph Ratzinger được bầu vào ngai thánh Phêrô. Tuy nhiên khi đó tôi tin chắc khuynh hướng cải cách đang lên như diều và tôi không nghĩ mật viện sẽ bầu hồng y Angelo Scola, Tổng giám mục địa phận Milan và là người thân cận của Đức Bênêđictô XVI.
Điều không chối cãi là Đức Phanxicô không muốn mình là một «giáo hoàng cứng đơ như bức tượng» không ai tới gần được, nhưng ngài muốn ngài là một mục tử, một người nói với nam nữ tín hữu thời của mình, và chấp nhận con người thật của họ chứ không phải con người mà Giáo hội mong muốn họ phải là. Ngài cũng muốn thay đổi một cách sâu xa cách quản trị thể chế. Đức Phanxicô gắn chặt với tinh thần công đồng của Công đồng Vatican II (1962-1965) và không bao giờ thật sự đi vào lề thói tập quán. Ngài thành lập nhóm C8, một nhóm các Tổng giám mục ở khắp các châu lục, trong số đó có hồng y Laurent Monsengwo đại diện Phi châu.
Trong nhóm làm việc này, không phải chỉ toàn bạn của ngài, Đức Phanxicô muốn tất cả mọi khuynh hướng đều có ở trong nhóm. Ngài cũng đặt một tầm quan trọng cho Thượng Hội đồng, để ngài có thể tham khảo các đại diện của Giáo hội và các phong trào của Giáo hội Công giáo ở trên khắp thế giới. Và ngài muốn Giáo triều phục vụ tất cả các tổ chức này chứ không phải như một tham mưu trưởng của đạo Công giáo. Đức Phanxicô đã khơi lên trong Giáo hội Công giáo một làn sóng cải cách mà tầm rộng lớn của nó đã làm người ta nghĩ đến việc cải tổ (perestroka) của Mikhạl Gorbatchev hay New Deal của Tổng thống Mỹ Roosevelt.
Đức Phanxicô được quần chúng mến chuộng nhưng cũng khêu lên các kháng cự nơi hàng giáo sĩ và Giáo triều…
Khi muốn dân chủ hóa một thể chế xưa cũ đã hai ngàn năm thì những chuyện kháng cự là chuyện đương nhiên. Ngay khi Đức Phanxicô được bầu chọn, hồng y người Pháp Roger Etchegaray đã cảnh báo, dù cho tầm mức mến chuộng ngài lớn lao, ngài sẽ nhanh chóng rơi vào chân tường.
Ai là những con chó sói đe dọa Đức Phanxicô mà ông nói trong quyển sách? Có phải đó là những người cầm đầu cuộc chống đối trong lần họp Thượng Hội đồng vào tháng 10-2014 vừa qua không?
Đúng, đó là những người đó. Những người chống đối đến từ châu Mỹ và Âu châu. Cuối tháng 9 năm 2014, chỉ một thời gian ngắn trước khi Thượng Hội đồng họp, một nhóm 5 hồng y do hồng y người Mỹ Raymond Burke dẫn đầu đã ký một văn bản chống đối hồng y Walter Kasper. Với sự hỗ trợ của giáo hoàng, nhà thần học người Đức đề nghị một giải pháp để cho những người ly dị tái hôn được rước lễ và đưa ra một vài yếu tố tích cực cho các cặp đồng tính.
Hồng y Burke – với sự hỗ trợ của hồng y Marc Ouellet người Canada, của hồng y người Úc George Pell, phụ trách vấn đề kinh tế và thành viên của Nhóm C8, của hồng y người Đức Gerhard Müller, hồng y Bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin và hồng y Angelo Scola đã khẳng định Giáo hội không thể nào tiến triển trên những chủ đề này. Và họ đặt tên cho bản văn của họ là ‘Ở trong ý Chúa’ – như thử những người mâu thuẫn với họ – đứng đầu là Đức giáo hoàng, ở ngoài ý Chúa! Các giám chức bảo thủ này nhận sự ủng hộ của một số người, chẳng hạn như Tổng giám mục Francis George, giáo phận Chicago, của hồng y Camillo Ruini người Ý hay Jozef Michalik, chủ tịch hội đồng giám mục Ba Lan.
Song song với các kháng cự này là một cuộc vận động ráo riết trên mạng để vô hiệu hóa tính hợp pháp của Đức Phanxicô. Cuộc vận động này do các người viết blog, những người chủ trương theo truyền thống, họ lên án sự mến chuộng của quần chúng, sự mị dân, sự xâm phạm vào tính thiêng liêng của huấn quyền Công giáo của Đức Phanxicô.
Đâu là sức nặng của các chống đối này? Đức Phanxicô có bị «chó sói» ăn thịt không?
Sức nặng của những người chống đối này là trong lần họp Thượng Hội đồng 2014, họ đã ngăn không cho công bố những đoạn tranh cãi về đồng tính và về những người ly dị tái hôn. Nhưng Thượng Hội đồng cũng cho Đức giáo hoàng có dịp để đối thoại. Các chủ đề tranh cãi sẽ được thảo luận lại ở địa phương, sau đó sẽ đem ra thảo luận lại trong lần họp Thượng Hội đồng tháng 10 năm nay. Các bạn hữu của Đức Phanxicô tiếc là ngài đã không cắt nhiều đầu hơn, ngài đã cải cách giáo triều quá chậm. Họ sợ bị sa lầy.
Sự thật là Đức Phanxicô rất kiên nhẫn, ngài không muốn ép ai, là một tu sĩ Dòng Tên thánh thiện, ngài biết ngài muốn dẫn đàn chiên của mình đi về đâu. Tôi đặt tên quyển sách ‘Phanxicô giữa đàn sói’ là muốn nói đến thánh Phanxicô Đaxi, người mà với tình dịu dàng và lòng tốt của mình đã làm cho con chó sói Gubbio thuần phục sau khi nó đã làm cho cả vùng kinh sợ. Việc làm sẽ không dễ nhưng Đức Phanxicô, ngài có khả năng thuần phục các «con chó sói». ở Vatican hoặc ở các nơi khác.
Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Đức Phanxicô là mục tiêu của các vận động chính trị
Đức Phanxicô: Cách mạng ở Vatican
Giáo hoàng núp giữa lòng giáo dân, tránh xa đàn sói của Giáo triều