Cầu nguyện như một tín hữu kitô
Ronald Rolheiser, 2023-05-22
Trong kitô giáo có bốn dạng cầu nguyện khác biệt. Có lời cầu nguyện nhập thế, lời cầu nguyện thần nghiệm, lời cầu nguyện cảm xúc và lời cầu nguyện linh mục. Vậy những lời cầu nguyện này là gì và khác nhau như thế nào?
Lời cầu nguyện nhập thế. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta “cầu nguyện luôn mãi”. Làm sao có thể làm được? Chúng ta có thể hay không thể cầu nguyện luôn mãi? Điều mà thánh Phaolô mời gọi chúng ta cũng là điều Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta khi Ngài bảo “hãy đọc dấu chỉ của thời đại”. Khi nói thế, Chúa Giêsu không bảo chúng ta hãy đọc mọi phân tích chính trị, kinh tế, xã hội mình tìm được. Đúng hơn, Ngài mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm ngón tay của Thiên Chúa trong mọi sự kiện trong đời chúng ta. Thế hệ cha mẹ tôi gọi điều này là hòa hợp với “sự quan phòng tối cao”, nghĩa là nhìn vào mọi sự kiện trong đời mình và những sự kiện chính của thế giới rồi tự vấn: “Thiên Chúa nói gì với chúng ta trong những sự kiện này?” Nhưng khi làm việc này, chúng ta phải cẩn thận. Thiên Chúa không gây ra tai nạn, bệnh tật, thương tâm, chiến tranh, nạn đói, động đất, trái đất nóng lên hay đại dịch, Thiên Chúa cũng không cho trúng số hay cho đội bóng chúng ta yêu thích thành vô địch, nhưng Thiên Chúa nói qua những sự việc này. Chúng ta cầu nguyện nhập thế khi tìm ra tiếng nói đó.
Lời cầu nguyện thần nghiệm. Cầu nguyện thần nghiệm không phải là việc có trải nghiệm thiêng liêng phi thường như thị kiến, xuất thần. Thần nghiệm không phải hướng về những điều này. Trải nghiệm thần nghiệm của tôi đơn giản là được Thiên Chúa chạm đến cách thâm sâu hơn những gì chúng ta có thể nắm bắt và hiểu được bằng trí tuệ và tưởng tượng, một hiểu biết vượt trên cả tâm và trí. Nhận thức thần nghiệm hoạt động như sau: Cái đầu bảo cho chúng ta biết suy nghĩ nào của chúng ta là khôn ngoan để thực hiện, trái tim cho chúng ta biết điều chúng ta muốn và trung tâm thần nghiệm cho chúng ta biết chúng ta phải làm gì. Ví dụ như tác giả C.S. Lewis mô tả trải nghiệm trở lại đạo của ông, ông kể lần đầu tiên ông quỳ gối và công nhận Chúa Kitô, ông đã không nhiệt tâm làm. Thay vào đó, theo lời nổi tiếng của ông, ông đã quỳ gối “trong lần trở lại gượng ép nhất trong lịch sử kitô giáo”. Điều gì đã buộc ông làm điều này? Ông nói: “Sự hà khắc của Chúa thì tốt hơn là sự dịu dàng của con người, và sự ép buộc của Chúa là sự giải phóng chúng ta”. Chúng ta cầu nguyện cầu nguyện thần nghiệm bất cứ khi nào chúng ta lắng nghe và nghe thấy tiếng nói cưỡng bức nhất trong chúng ta, tiếng nói mách bảo cho chúng ta biết điều mà Thiên Chúa và bổn phận kêu gọi chúng ta làm.
Lời cầu nguyện cảm xúc. Đó là mọi lời cầu nguyện sốt mến (chầu Thánh Thể, đọc kinh cầu, kinh mân côi, những lời cầu nguyện xin Đức Mẹ hay các thánh cầu bàu) xét cho cùng, đây là lời cầu nguyện cảm xúc, là những dạng chiêm nghiệm và suy niệm. Chúng đều như nhau về ý chỉ. Đó là gì vậy? Trong Phúc âm thánh Gioan, những lời đầu tiên Chúa Giêsu phán là một câu hỏi. Dân chúng tò mò nhìn Ngài, và Ngài hỏi họ, “Các anh tìm gì?” Câu hỏi đó tồn tại xuyên suốt toàn bộ các phúc âm như một câu nền. Nhiều điều diễn ra trên bề mặt, nhưng bên trong luôn có một câu hỏi day dứt, băn khoăn: “Các anh tìm gì?”
Chúa Giêsu chính xác trả lời cho câu hỏi này vào sáng ngày phục sinh. Khi bà Maria Magđala đi tìm Ngài, đem theo thuốc thơm để xức xác Ngài. Chúa Giêsu gặp bà, nhưng bà không nhận ra. Rồi Ngài lặp lại cùng câu hỏi đã mở đầu Phúc âm: “Bà tìm ai?” và cho chúng ta câu trả lời thực sự. Ngài gọi tên bà đầy yêu thương: “Maria”. Khi làm như thế, Ngài mặc khải điều mà bà và hết thảy chúng ta đều luôn mãi tìm kiếm, đó là tiếng Chúa phán trực diện, với tình yêu thương vô điều kiện đang gọi tên chúng ta. Mọi lời cầu nguyện sốt mến dù cho chúng ta, cho người khác hay cho thế giới, đều có mục đích tối hậu này.
Lời cầu nguyện linh mục. Lời cầu nguyện linh mục là lời cầu nguyện của Chúa Kitô cho thế giới thông qua giáo hội. Kitô giáo tin rằng Chúa Kitô vẫn ở với chúng ta bằng lời của Ngài và bằng phép Thánh Thể. Và chúng ta tin rằng bất cứ khi nào chúng ta tụ họp với nhau, trong nhà thờ hay nơi nào khác, để quây quần quanh Kinh thánh hoặc để cử hành phép Thánh Thể, là chúng ta đang bước vào lời cầu nguyện này. Lời cầu nguyện này thường được gọi là lời cầu nguyện phụng vụ, đó chính là lời cầu nguyện của Chúa Kitô chứ không phải của chúng ta. Hơn nữa, đây không phải là lời cầu nguyện trước hết cho bản thân chúng ta hay cho hội thánh, mà là lời cầu nguyện cho thế giới – “Thịt Ta là của ăn đem lại sự sống cho thế gian”.
Chúng ta đọc lời cầu nguyện phụng vụ, lời cầu nguyện linh mục, bất kỳ lúc nào chúng ta quây quần quanh Kinh thánh, phép Thánh Thể hay bất kỳ bí tích nào. Chúng ta cũng cầu nguyện theo cách này khi cầu nguyện các giờ kinh phụng vụ, riêng tư hay với cộng đoàn. Chúng ta được yêu cầu hãy đều đặn cầu nguyện cho thế giới nhờ thiên chức linh mục được truyền cho chúng ta trong phép rửa.
Một tín hữu kitô lành mạnh về mặt thiêng liêng và trưởng thành cầu nguyện theo bốn cách này, và phân biệt rõ ràng bốn dạng cầu nguyện này có thể hữu ích để chúng ta cầu nguyện luôn mãi và cầu nguyện với Chúa Kitô.
J.B. Thái Hòa dịch