Các gia đình do thái giáo và hồi giáo truyền đạo tốt hơn các gia đình công giáo
Một báo cáo gần đây của Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế INSEE cho thấy các gia đình do thái giáo và hồi giáo trao truyền tôn giáo cho con cái của họ tốt hơn nhiều so với người công giáo. Điều này đặc biệt được giải thích do sự xã hội hóa tôn giáo được thực hiện nhất quán hơn trong gia đình.
la-croix.com, Marguerite de Lasa và Capucine Licoys, 2023-05-05
Theo nghiên cứu của Viện thống kê INSEE công bố ngày 30 tháng 3 năm 2023, “84% người lớn lên trong các gia đình do thái tiếp tục theo tôn giáo của cha mẹ”.
Người do thái giáo và hồi giáo truyền đức tin tốt hơn là người công giáo. Đó là một trong những khía cạnh nổi bật của cuộc khảo sát này, theo đó “91% người lớn lên trong các gia đình hồi giáo và 84% trong các gia đình do thái tiếp tục giữ đạo của cha mẹ”, so với chỉ 67% các trẻ em được các cha mẹ công giáo nuôi dạy.
Theo nghiên cứu, truyền thống gia đình mạnh mẽ này chủ yếu được giải thích bằng giáo dục tôn giáo trong gia đình. Nghiên cứu nêu lên: “Việc xã hội hóa tôn giáo của cha mẹ trong hai tôn giáo này kiên trì hơn, gần ba phần tư nói điều này rất quan trọng với họ.”
Nhà xã hội học Simona Tersigni đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của cơ thể trong quá trình trao truyền, bà giải thích: “Theo truyền thống hồi giáo, việc học đạo trải nghiệm qua cơ thể và dần dần mang lại kết quả. Chẳng hạn với lễ Ramadan, trẻ em và thanh thiếu niên học cách tuân giữ ở một độ tuổi nhất định.”
Kinh nghiệm cơ thể của tôn giáo
Bà Tersigni giải thích: “Đạo hồi bắt buộc phải đọc năm lời cầu nguyện mỗi ngày và luật buộc ăn chay tháng Ramadan. Giữ đạo được đánh dấu theo ngày và năm.” Cô Kantcho, 25 tuổi, người Mali cho biết cô không nói nhiều về tôn giáo với ba đứa con còn nhỏ, nhưng các con thấy cô làm nghi thức tẩy rửa và cầu nguyện năm lần mỗi ngày.
Bà bảo mẫu Sabrina, 54 tuổi, bà có con đã lớn, bà cho biết: “Các con tôi thấy chúng tôi ăn chay tháng Ramadan, đến lượt chúng, chúng tuân giữ.” Bà nuôi dạy con “trong tinh thần cởi mở” và tôn trọng tôn giáo. Khi chúng còn nhỏ, trước khi ngũ, bà đọc kinh Coran cho các con nghe, bà luôn nhắc các con không ăn thịt heo và không uống rượu.
Bà Simona Tersigni giải thích tiếp: “Đạo hồi mang dấu ấn kinh nghiệm di cư của các thế hệ đầu tiên và đó là trụ cột của bản sắc. Nhưng bản sắc này không cố định, có thể có những người vô thần tự cho mình là người hồi giáo, họ không ăn thịt heo vì họ đã được xã hội hóa trong môi trường hồi giáo.”
Bổn phận của ký ức
Bà Martine Cohen, nhà xã hội học về do thái giáo ở Pháp cho rằng trụ cột của việc trao truyền cũng nằm trong truyền thống hội họp gia đình, với người do thái “mối liên hệ với thần thánh là trên hết, vượt lên mối liên hệ cộng đồng”. Ông Lionel Medioni, 58 tuổi, người cha của ba đứa con cũng đồng ý quan điểm này. Việc giữ đều đặn ngày xa-bát mỗi thứ sáu hàng tuần trong gia đình giúp ông thảo luận sâu sắc với các con, đó luôn là dịp để cả nhà trao đổi và đặt câu hỏi về tôn giáo.
Các sức mạnh khác cũng được phát huy tác dụng trong do thái giáo. Theo bà Martine Cohen, “bản sắc tập thể được xây dựng qua việc người do thái bị đàn áp và có một vai trò quan trọng trong việc trao truyền đạo”. Xuất thân từ một gia đình do thái gốc ma-rốc, cô Andrea Dahan, 24 tuổi, cho rằng “nỗi sợ văn hóa do thái sẽ bị mai một qua nhiều thế hệ” đòi hỏi ký ức phải có một bổn phận đặc biệt quan trọng. Cô giải thích: “Chúng tôi liên tục được nhắc nhở người dân của chúng tôi đã phải chịu đựng nhiều đau khổ, từ việc bị lưu đày ở Ai Cập đến nạn diệt chủng Holocaust, rồi bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha, nên chúng tôi không bao giờ xấu hổ khi phải giải thích vì sao chúng tôi mừng lễ này lễ kia. Ngược lại, chúng tôi còn được khuyến khích.”
Marta An Nguyễn dịch
Tại sao các gia đình công giáo khó trao truyền đạo cho con cái