Áo giáp, khiên, mộc và đồng phục trong đời sống của một cận vệ Thụy Sĩ

108

Áo giáp, khiên, mộc và đồng phục trong đời sống của một cận vệ Thụy Sĩ

fr.news.yahoo.com, Clement Melki, 2023-05-06

Kho quân cụ của Cận vệ Thụy Sĩ, kiếm, khiên, kích, áo giáp ngày 26 tháng 4 năm 2023 tại Vatican

Nhiều lần trong tuần, Jérémy và Paul mặc chiếc áo t-shirt và giày thể thao, gác một bên bộ đồng phục thời Phục hưng và cây giáo lớn. Họ sẽ tuyên thệ nhậm chức với tư cách là Vệ binh Thụy Sĩ, được giao nhiệm vụ bảo vệ giáo hoàng tại Vatican.

Anh Jérémy nói với hãng tin AFP: “Cần phải có hai người để mặc bộ đồ này: phần vòng quanh cổ, áo trước ngực, áo sau ngực, miếng đệm vai và mũ bảo hiểm. Mất khoảng 1 giờ 30 phút để mặc. Anh mặc chiếc áo giáp nặng 15 kí lô.

Chung quanh anh là súng trường ngắn, kiếm, mũ bảo hiểm và áo giáp nhắc lại lịch sử chiến đấu của đội quân lâu đời nhất thế giới, được Giáo hoàng Julius II thành lập năm 1506 và nổi tiếng với bộ đồng phục sọc xanh, vàng và đỏ sặc sỡ.

Xuất thân từ gia đình làm nghề nông ở bang Fribourg, anh đã học làm thợ mộc và sẽ tuyên thệ ngày thứ bảy 6 tháng 5 cùng với 22 đồng đội khác – trong tổng số 125 cận vệ – cam kết “hy sinh mạng sống” cho giáo hoàng ít nhất trong 26 tháng.

Chàng trai trẻ tóc vàng với đôi mắt xanh, thân hình cao to cảm thấy tự hào và xúc động khi khoác lên mình bộ đồng phục lần đầu tiên: “Đó là một thế giới khá kỳ lạ: càng quan tâm đến nó thì chúng tôi càng bị thu phục để đến đây”.

“Vô cùng đa dạng”

Cách xa hơn vài mét, trong sân được trang trí bằng cờ của các bang Thụy Sĩ, anh Paul, 22 tuổi – tên họ gia đình không được nêu lên ở đây vì lý do bảo mật – anh cùng nhóm lặp lại các cử chỉ chính xác của lời thề.

Vào Đội tháng 1 năm 2023, anh đã có hai tháng đào tạo, một tháng trước đó với cảnh sát Thụy Sĩ, trước khi bắt đầu phục vụ vào tháng 3.

Đi tuần tra ngày đêm ở các lối vào và những nơi trọng yếu của Vatican. Anh cười nói: “Khi mới đến đây, chúng tôi nói “Ồ!” Chúng tôi dành thì giờ để xem tất cả những tranh ảnh này, thật tuyệt đẹp các kiểu trang trí như cung điện hoàng gia, đằng sau cánh cửa là hàng dài khách chờ vào xem và chụp ảnh Nhà nguyện Sixtine. Năm 2016, trong chuyến đi Rôma với gia đình, anh thấy mình hội đủ điều kiện để vào Đội: công dân Thụy Sĩ, độc thân, giữ đạo, tuổi từ 19 đến 30, cao tối thiểu 1m74 và có hạnh kiểm ‘không chê vào đâu được’.

Như mọi tân binh, anh phải học một số lượng lớn công việc trong một thời gian ngắn: học tiếng Ý, cách chào, hành quân theo đội hình, dùng kích, thủ tục canh gác và phải nhận diện các cộng sự viên của Tòa Thánh.

Anh Paul cho biết: “Đây là một vinh dự cho nước Thụy Sĩ, nhưng nó rất phức tạp, công việc vô cùng đa dạng và Đội luôn kiểm tra các hiểu biết của mình.”

“Ý thức trách nhiệm”

Lịch sử của Đội trong mấy mươi năm qua bị đánh dấu qua hai sự kiện bi thảm: vụ mưu sát Đức Gioan Phaolô II năm 1981 và cái chết bí ẩn của một phó hạ sĩ và cấp trên của ông năm 1998.

Hiến binh Vatican cùng chia sẻ với Đội trong việc bảo vệ an ninh giáo hoàng và liên quan đến việc quản lý hàng triệu khách du lịch đến thăm quốc gia Vatican hàng năm.

Dù khi tuyển chọn phải hội đủ điều kiện sức khỏe tốt, nhưng các tân binh được khuyến khích phải trau dồi thể dục thể thao. Trước phòng tâp thể dục, anh Jérémy nói: “Thật khó khăn khi phải đứng hàng giờ. Và chúng tôi phải luôn sẵn sàng can thiệp nếu có chuyện gì xảy ra”.

Chúng tôi có nhiệm vụ giữ một hình ảnh đẹp cho một công việc được phô bày rất nhiều. Anh nói đùa: “Giáo hoàng nói chúng tôi là danh thiếp của ngài và người ta nói chúng tôi là những người Thụy Sĩ được chụp ảnh nhiều nhất thế giới!”.

Đức Phanxicô bày tỏ lòng biết ơn với các tân cận vệ Thụy Sĩ

Tuy nhiên, cam kết làm việc trong Đội có những ràng buộc: ngược với đa số các bạn trẻ cùng tuổi, chúng tôi không có quyền tự do la cà các quán bar hoặc gặp gỡ mọi người.

Anh Jérémy giải thích: “Tuy không phải tu viện, chúng tôi có quyền ra ngoài, nhưng phục vụ là ưu tiên hàng đầu. Điều này thấm nhuần trong chúng tôi ý thức trách nhiệm”.

Martin, tân cận vệ Thụy Sĩ: “Tôi muốn tìm một việc làm có ý nghĩa”

Giống như anh, nhiều tân binh vào Đội để nuôi dưỡng đức tin qua thánh lễ hoặc các buổi tĩnh tâm, một cách để suy nghĩ về tương lai của họ. Thời gian còn lại, họ có thể đi thăm Rôma, đi biển, leo núi hay đi chơi trong các khu vườn tuyệt đẹp của Vatican.

Jérémy nhắc: “Chúng tôi vinh dự được sống trong một thế giới ngập tràn lịch sử, Đội là một gia đình lớn, ở đây chúng tôi có một tình bạn tuyệt vời, giúp đỡ lẫn nhau”, anh không loại trừ khả năng ở lại phục vụ thêm một năm nữa.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch