Rời khỏi Giáo hội công giáo hay ở lại với Giáo hội…
renepoujol.fr, René Poujol, 2023-04-12
Hiếm khi câu hỏi này được khơi ra trong những cuộc trò chuyện riêng tư hay trao đổi trên mạng xã hội.
Đã có cơn sóng thần của báo cáo Sauvé (Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp) và sau đó là sự nghi ngờ ngày càng tăng về khả năng tự cải tổ của Giáo hội; có hai báo cáo về hai anh em linh mục Philippe và ông Jean Vanier và sự tự mãn của thể chế bao quanh sự thái quá của họ; có việc các giám mục Pháp đặt vấn đề về các trường hợp lạm dụng… Đối với một số người, các thời điểm mang tính quyết định này đã làm cho họ quyết định cắt đứt với Giáo hội hoặc vĩnh viễn ra đi. Chúng tôi cũng biết việc cách ly khi đại dịch Covid đã làm cho giáo dân bỏ lễ chúa nhật. Cuối cùng, chỉ cần đọc những gì được bày tỏ và tranh luận ngày càng tự do hơn là đủ để hiểu cuộc khủng hoảng đức tin là sâu đậm, là triệt để. Nó ảnh hưởng đến việc quản trị, mục vụ, giáo lý và thậm chí với một số người, nó tác động đến chính nội dung đức tin. Và những lời chỉ trích của Rôma về Con đường đồng nghị ở Đức đã dấy lên lo ngại rằng thượng hội đồng hiện tại, do Đức Phanxicô triệu tập sẽ không đứng vững trước cơn chấn động đang làm rung chuyển Giáo hội. Vì thế với người này người kia, cám dỗ là rất mạnh để đi vào sa mạc…
Trường hợp của ông Jean Vanier và anh em linh mục Philippe: gốc rễ của mù quáng
Trong một thời gian dài, những “ra đi” này vẫn là một ý tưởng hơi trừu tượng đối với tôi.
Giao kèo đạo đức nối tôi với độc giả trang này đòi hỏi tôi phải nói lên sự thật. “Ông Poujol, xin ông cho chúng tôi biết kinh nghiệm của ông trong những chuyện này là gì. Đó là điều chúng tôi quan tâm.” Trong một thời gian dài, những cuộc “ra đi” này vẫn là một ý tưởng hơi trừu tượng đối với tôi, dù tôi nhận thấy nơi một số người thân – hoặc nghi ngờ nơi một số bạn cũ ở đại học – một sự xa cách kín đáo nhưng dứt khoát. Và đột nhiên ở đây tôi bị cho là nhân chứng! Có những người bạn cho tôi biết họ qua đạo tin lành, một trong số họ “căm ghét” Giáo hội vì sáu mươi năm trước đã không biết bảo vệ họ khỏi kẻ săn mồi trong một ca đoàn ở nhà thờ. Cách đây ba ngày, tôi nhận lời tâm sự này: “Tôi nhớ lần tôi trở lại cách đây gần 30 năm đã thay đổi cuộc đời tôi như thế nào. Sau đó, tôi theo một tiến trình đức tin, đào tạo, với một người đã làm cho tôi yêu Giáo hội, người đó là giám mục… Michel Santier. Một người khác cũng rất đáng kể với tôi, người đó đã cho tôi niềm hy vọng lớn lao trong sứ mệnh là người được rửa tội của tôi, người đó là giám mục… Emmanuel Lafont. (1) Vậy, làm sao bây giờ? Tôi đã rất tức giận. Chắc chắn. Nhưng trên hết là một lòng tin đã không còn. Biến mất. Tắt lịm. Chết. Và một phần con người tôi đã không còn tồn tại nữa. Tôi thậm chí không hoài niệm. Tôi sẽ không bao giờ còn là chàng trai trẻ như trước đây, nhiệt tình và thẳng thắn. Tôi làm việc như ông già mà tôi sẽ trở thành, hy vọng ông già này không cay đắng, không tuyệt vọng.”
Khi những người bạn thân nói cho tôi biết họ quay qua vô thần…
Vào ngày 5 tháng 3, tôi nhận một bức thư dài của vợ chồng người bạn lâu năm, tôi xin trích đoạn sau: “Chúng tôi đã rón rén rời xa (Giáo hội công giáo). Không phải tất cả những trường hợp ấu dâm và lạm dụng tình dục làm chúng tôi lo âu: chúng chỉ là triệu chứng bên ngoài của một căn bệnh ung thư ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể Giáo hội ở độ sâu của các tế bào, của nội tạng cấu thành linh hồn của nó. Cơ thể thối rữa từ bên trong; cái ác của nó là chủ nghĩa giáo quyền với hệ lụy của nó là: dối trá. Đó là căn bệnh nhiễm trùng kinh niên, không phải mới có hôm qua… Có rất nhiều điều để nói nhưng chúng tôi đã chọn lưu vong và im lặng vì vấn đề của Giáo hội là rất lớn và đặc biệt hơn là vấn đề “Tôn giáo” với lý do hữu thần và chức năng của nó là thiêng liêng. Chúng tôi không thể ở lại trên ghế nhà thờ để đọc Kinh Lạy Cha, mà bây giờ đối với chúng tôi là vô nghĩa, từ một thời khác, và các bí tích của chúng (bắt đầu với Bí tích Thánh Thể) không còn thích ứng để duy trì sức mạnh thiêng liêng của một tầng lớp giáo sĩ, để truyền hơi thở của Chúa Kitô cho những người đương thời của chúng ta…
Một số người sẽ nói chúng tôi đã trở thành người ‘tin lành’. Như thế là không đúng. Một mặt vì chúng tôi không phản đối bất cứ điều gì – không phải cơ cấu giáo sĩ, cũng không phải giáo hoàng, cũng không phải giáo triều nan y (!) – mặt khác và trên hết vì chúng tôi không còn sống trong thế giới tôn giáo vốn là của chúng tôi từ hơn năm mươi năm nay. Chúng tôi đã từ bỏ, như trong một cuộc tái sinh, con người ‘hữu thần’ cũ để mặc lấy con người ‘vô thần’. Kinh nghiệm tái sinh, chắc chắn là muộn màng và rõ ràng là không ổn định nhưng thật là giải phóng và trẻ trung hóa! Tôi không viết thêm vì mật thiết là không thể tả!”
Bị buộc tội là đồng lõa với đồ tể trong khi tôi tự cho mình – một cách đạo đức giả – là người bảo vệ các nạn nhân
Có cần thiết phải viết ra đây, cú sốc của tôi không, khi nhớ lại số bữa ăn chia sẻ ở nhà họ, nơi có ngọn lửa cháy trước một bức tượng và nơi không bữa ăn nào – không bao giờ – mà không được chúc lành, không có bài hát tạ ơn… Tôi nhớ đến câu này của Emmanuel Carrère trong Vương quốc (Le Royaume): “Tôi thấy thật khủng khiếp với ý nghĩ cho rằng đức tin có thể mất đi và chúng ta không tệ hơn vì bị mất.” Trong những ngày sau đó, trong những lần gặp gỡ tình cờ, tôi đã nói nỗi băn khoăn của tôi với các bạn khác, và thường thường câu trả lời là: “Bạn biết đó, tôi nghĩ tôi cũng nghĩ như vậy.”
Và tôi không đề cập ở đây những người là nạn nhân của đủ loại lạm dụng – nói ngắn gọn – những người mà tôi đã gặp trong vài năm qua, và những người đôi khi bình luận trên blog của tôi, về việc dứt khoát đoạn tuyệt với một Giáo hội mà họ đã chọn để cống hiến cuộc sống và đã phản bội họ. Như vậy, từ chất vấn hoặc xa lánh với người này, đến dứt khoát cắt đứt, thậm chí còn bỏ đức tin với người khác, đó mới thật sự là một hiện tượng có tầm cỡ xuất hiện. Thật khó để tưởng tượng các giám mục không ý thức về chuyện này dù họ tránh khéo hoặc ít nhất nói trại ra cách công khai.
Theo tôi, chắc chắn điều gay go nhất là sự tích tụ của những lời kêu gọi lặp đi lặp lại và công khai, trên mạng xã hội, hãy nhất quán với chính mình và rời bỏ một Giáo hội không thể thay đổi. Hoặc chấm dứt ngay việc bảo đảm sự hiện diện của tôi trong thánh lễ chúa nhật, bằng cách phóng đại con người “thiêng liêng” của linh mục, được cho như người trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, đã tạo nên cái nôi cho chủ nghĩa giáo quyền. Ở đây tôi bị buộc tội là đồng lõa khách quan của những kẻ hành quyết trong khi tôi tuyên bố tôi bảo vệ các nạn nhân một cách đạo đức giả. Tôi đã đọc, ngay sau khi Công giáo trong tự do (Catholique en liberté, nxb. Salvator) phát hành mùa thu năm 2019, rằng tựa đề quyển sách là nghịch lý; rằng tôi phải lựa chọn giữa Giáo hội và tự do. Việc từ bỏ đức tin của tôi sẽ là cách duy nhất để chấm dứt tình trạng “nô lệ tự nguyện” của tôi, mượn tựa đề của nó từ bài luận của Boétie.
Tại sao những người khác ở lại…
Cho đến nay, điều đã cứu tôi khỏi tuyệt vọng chắc chắn là tôi chưa bao giờ thần thánh hóa Giáo hội mà tôi biết, giống như tôi, được tạo ra từ bột nhào của con người. Tôi vẫn còn nghe cha tôi, một người công giáo đạo hạnh, tham dự vào nhiều cấp độ trong đời sống hiệp hội, giáo xứ, giáo phận ở Aveyron, quê hương tôi, gần gũi với một số giám mục liên tiếp, vào một ngày cách đây ba mươi hay bốn mươi năm, ông tâm sự với tôi: “Con biết không, ở Rodez, Chúa Thánh Thần ở ngoài vỉa hè.” Một câu có một ngữ cảnh nào đó và cách chú giải khó hiểu luôn làm tôi phải canh chừng!
Phải tin rằng, “ngoài Giáo hội, không có ơn cứu độ” là một cám dỗ không ai thoát. Song song với bao nhiêu câu chuyện về việc bỏ đi thì cũng có bấy nhiêu câu trả lời thú nhận: “Vì sao tôi ở lại”.
Trong một bài khảo luận, linh mục Dòng Tên Paul Valadier nói, ông biết mình thuộc về một Giáo hội của những người tội lỗi, cả khi ông còn giao du với những người phạm tội ác – và ở cả những địa vị quyền uy – đã nuôi dưỡng trong ông một cảm giác khó chịu. Nhưng cuối cùng ông tự hỏi, đã đến lúc tôi phải rời con tàu chưa? “Chúng ta phải tự hỏi liệu tình liên đới với một dân tộc tội lỗi, họ vẫn liên lỉ đi tìm một hoán cải cần thiết, không phải là một dấu hiệu của tình trạng con người và kitô hữu của chúng ta trong sự thật sao. Trong thời gian gần đây, nhiều người đã xa lánh, nghĩ rằng Giáo hội đã không phát triển đủ nhanh. Nhưng trên thực tế, họ đã nhường hết chỗ cho những người theo chủ nghĩa truyền thống nhất…” (2) Về phần mình, bạn tôi và là nhà xuất bản Michel Cool kêu gọi mỗi người hoán cải, biến suy nghĩ này của Carlo Carretto thành của mình (3) “Không, không sai khi chỉ trích Giáo hội khi chúng ta yêu Giáo hội. Chỉ sai khi chúng ta tự cho mình là những người tinh tuyền để chống lại. Không, không sai khi tố cáo tội lỗi và những đồi bại, chỉ sai khi gán những chuyện này cho người khác, và nghĩ mình vô tội, nghèo nàn, tốt lành. Và đó là cái sai!”
Không còn muốn vắt kiệt sức làm cho thể chế biến đổi, vì điều cốt yếu là ở nơi khác
Vẫn còn những người khác nói lời quyết tâm “ở lại”của họ, dù họ rất đau khổ. Nhưng chắc chắn bài viết dài của ông Antoine Duprez đăng trên trang web Garrigues et Sentiers (4) là phù hợp nhất với cảm xúc cá nhân của tôi. Không phải là ông không biết gì về các nguyên nhân khách quan của cuộc khủng hoảng. Nhưng ông cảm thấy ông “đoàn kết sâu sắc với Giáo hội công giáo” vì không tổ chức nào có thể tồn tại mà không có thể chế, dù bất kể điều gì có thể xảy ra, đã có những hèn nhát và phản bội xảy ra trong những thời điểm nào đó trong lịch sử, nhưng chính nhờ Giáo hội này chúng ta mới biết được khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô và một cách trung thực, không ai có thể biến hai mươi thế kỷ công Giáo thành một tập hợp những tội ác ghê tởm. Hôm nay, ông thú nhận không còn muốn vắt kiệt sức để làm cho thể chế biến đổi – điều mà ông khó tin là có thể làm được – khi với ông, điều cốt yếu là ở nơi khác.
Ông kết luận như sau: “Tôi muốn tham gia vào tương lai Giáo hội, nơi tôi đang ở, thông qua các cộng đồng sống động làm chứng cụ thể cho Tình yêu này được mạc khải bởi tin mừng của Phúc âm. Bởi vì tôi nghĩ điều này có ý nghĩa khi thế giới ngày nay ngày càng trở nên cá nhân hơn, nơi tiền bạc có nguy cơ trở thành chúa tể với quyền lực của nó, để chứng kiến sự sống đích thực trước hết là ở mối quan hệ với người anh em, nhất là với những người thiếu thốn nhất. Trong bí tích “anh em” này và trong các cử hành Thánh Thể ngày càng vui vẻ hơn, giáo dân được cảm hứng từ hành vi đầu tiên của Chúa Giêsu Kitô, hiến mạng sống mình để thế giới được sống và trong tình yêu chia sẻ này có dấu ấn của một Tình yêu xuất phát từ ở trên, mà Giáo hội của tôi đã dạy tôi gọi tên bằng những từ ngữ văn hóa của nó, Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần.”
Những người công giáo ở “ngoại vi” mà các giám mục dường như không nghe thấy
Chắc chắn đây là biểu hiện của một xác tín được nhiều người chia sẻ về những gì như một “phần ngoại vi” của Giáo hội mà các giám mục của chúng ta dường như không vội vàng công nhận, tham gia hoặc lắng nghe. Ngay cả khi cuộc tranh luận không được giải quyết giữa những người đã được rửa tội này, giữa những người xin thay thế việc chia sẻ lời và bánh cho tình huynh đệ bằng bí tích Thánh Thể truyền thống và những người khao khát sự bổ sung giữa hai bên. Ngày 22 tháng 3, trong khuôn viên lịch sử của nhà xuất bản Thời Hiện tại (Temps Présent, 5) đã có một ngày hội thảo để suy ngẫm và trao đổi, các đại diện của nhiều cơ quan công giáo, với tư cách cá nhân cũng như một số nhà báo và nhà xã hội học được biết đến trong giới công giáo. Để nói lên quyết tâm đào sâu suy tư về Giáo hội, để tiếng nói của họ được lắng nghe và mở ra những không gian tự do mới.
Liệu pháp, cơ hội cuối cùng… theo thần học gia Đức Hans Küng
Vậy thì: đi hay ở? Năm 2012, khi bình luận về tình hình đầy kịch tính của Giáo hội Đức, thần học gia Hans Küng đã xuất bản quyển sách không hề mất đi tính chính đáng của nó với tựa đề: Chúng ta còn có thể cứu Giáo hội được không? (Peut-on encore sauver l’Eglise?) Đây là câu cuối cùng mà một số người sẽ thấy rất khiếm nhã đối với lời hứa của chính Chúa Kitô: “Tôi không mất hy vọng rằng Giáo sẽ tồn tại.” (6) Trong phần cuối quyển sách, ông phát triển cái mà ông gọi là “liệu pháp cơ hội cuối cùng”. Ông viết, trong bối cảnh khủng hoảng cấp tính mà chúng ta biết, đã có quyết định không gia nhập vào bất cứ Giáo hội nào, thay đổi hoặc bỏ đi, không đóng thuế cho Giáo hội hoặc không đóng vào Quỹ Giáo hội. Nhưng ngược lại, chúng ta cũng có thể tích cực tham gia cải cách. Ông nói, đó là lựa chọn ông đã chọn. Sau đó ông đưa ra cho mỗi tín hữu đơn thuốc gồm năm món thuốc chữa trị của ông: không được im lặng vì mỗi người đã được rửa tội đều hợp pháp để tham gia vào việc suy tư; hãy tự hành động vì không có sự cải tiến nhỏ nào trong tầm tay mà không mang lại những thay đổi sâu sắc hơn; phối hợp hành động để tránh rủi ro bất lực hoặc bè phái; tìm các giải pháp tạm thời để vượt nhanh hơn những trở ngại mà chúng ta lên án; cuối cùng: đừng bỏ cuộc, đó sẽ là cám dỗ mạnh nhất. “Chính trong giai đoạn phục hồi và đình trệ trong Giáo hội, điều quan trọng là phải tiếp tục với sự thanh thản, trong niềm tin cậy, và không bị hụt hơi.” Đó là sự thật cách đây mười năm…
1.Michel Santier, cựu giám mục Créteil đã bị Rôma trừng phạt năm 2021 vì tội lạm dụng, là đối tượng của một cuộc điều tra mới; Emmanuel Lafont, cựu giám mục Cayenne, đang bị Vatican quản thúc trong lúc điều tra sơ bộ cũng vì các tội lạm dụng.
- Paul Valadier, Rời con tàu? (Quitter le navire? Tạp chí Vie chrétienne số 82).
- Carlo Carretto (1910-1988), lãnh đạo phong trào Công giáo Tiến hành Ý
- Garrigues et Sentiers đã mở ra một cuộc tranh luận lớn xoay quanh chủ đề chúng ta nên bỏ Giáo hội hay ở lại? Bài đọc rất lôi cuốn.
- Được thành lập năm 2009, thừa kế của tuần báo cùng tên, được François Mauriac và Jacques Maritain đưa đến giếng rửa tội năm 1937. Trong mảnh đất ươm mầm này là những người sáng lập tương lai của Thế giới và Đời sống Công giáo…
- Hans Küng, Chúng ta còn có thể cứu được Giáo hội không? (Peut-on encore sauver l’Eglise? Nxb. Du Seuil)
Phụ lục
Vào ngày 11 tháng 3, Hội đồng Công giáo của những người nói tiếng Pháp đã được rửa tội (CCBF) đã trình bày kết quả của một cuộc khảo sát thực hiện trên 1.600 nam nữ đã được rửa tội “ở xa Giáo hội”. Đa số (58%) trong số họ nêu lên một sự tiến hóa gần đây. Các nguyên nhân được tìm kiếm từ phía chấn thương cá nhân, cảm giác bị từ chối của chính họ hoặc của con cái họ, “chính Giáo hội đã rời xa chúng ta”, sự gia tăng của chủ nghĩa giáo quyền trong giáo xứ hoặc giáo phận của họ, sự vắng mặt của bất kỳ cuộc tranh luận nào trong Giáo hội… Chưa hết, 55% cho biết họ sẵn sàng trở lại phục vụ nếu họ được mời… Làm cho chúng ta nghĩ đến câu nói của Đức Phanxicô trong cuộc phỏng vấn mùa hè năm 2013 đăng trong tạp chí Dòng Tên: “Đôi khi người ra đi đã làm với những lý do mà nếu được hiểu và đánh giá đúng đắn, có thể làm cho họ quay trở lại. Nhưng phải cần táo bạo và can đảm.”
Marta An Nguyễn dịch