Chuyển đổi bản tính có phải là tương lai của con người?

296

famillechretienne.fr, Diane Gautre, 2016-02-24

transhumanisme

Chủ trương chuyển đổi bản tính (transhumanisme) là một phong trào văn hóa và trí tuệ quốc tế chủ trương dùng khoa học và kỹ thuật để cải thiện các đặc nét về mặt thể xác cũng như tinh thần của con người. Chủ trương chuyển đổi này xem khuyết tật, đau khổ, bệnh tật, già yếu hay cái chết  là những chịu đựng vô ích và không mong muốn. Trong viễn cảnh này, các tư tưởng gia của phong trào hy vọng rất nhiều ở các kỹ thuật sinh-hóa và các kỹ thuật mới khác. Các điểm lợi cũng như điểm hại của phong trào này làm cho các tư tưởng gia chủ trương phong trào rất quan tâm (chú thích của người dịch).

Linh mục Tanguy-Marie Pouliquen thuộc Cộng đoàn Bảy Mối Phúc Thật là giáo sư luân lý, nhà nghiên cứu giảng dạy của Viện Đại học công giáo Toulouse. Trong cuộc phỏng vấn, linh mục Tanguy-Marie Pouliquen cho biết, “Đứng trước tư tưởng ‘con người được tăng thêm’, chỉ có Chúa Kitô mới trả lời cho sự khát khao tăng trưởng có trong lòng chúng ta.”

Con người có tiến hóa không?

Đó là một sự kiện. Con người ngày nay không sống như con người cách đây năm mươi năm, hai trăm hay hai ngàn năm. Vài chục năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến hai cuộc cách mạng, một là cách mạng kỹ thuật, một là cách mạng số, cả hai với rất nhiều ứng dụng của nó đã làm thay đổi đời sống con người trong nhiều lãnh vực từ trong nhà đến hệ thống truyền thông, hệ thống chuyên chở vv…

Đỡ bớt các công việc tay chân, chúng ta trở nên cá nhân hơn, tự do hơn, từ đó chúng ta có thể hướng cuộc đời theo ý mình, kỹ thuật có thể là sức mạnh để chúng ta hành động dễ dàng hơn cho thế giới cũng như cho chính mình, nhưng nó có thể cũng là miếng mồi đánh lừa.

Phong trào chuyển đổi bản tính là tương lai của con người hay sẽ loại bỏ con người?

Theo một vài người như ông Raymond Kurzweil, giám đốc nghiên cứu ở Google, thì “kỹ thuật-tiên-tri” rất hiếm khi sai lầm, họ loan báo sẽ có một sự sát nhập thông minh con người và thông minh nhân tạo, viễn cảnh của ba mươi năm sắp tới, với sự gia tăng theo hàm số mũ các khả năng của bộ óc chúng ta!

Chúng ta đang thay đổi hệ biến hóa, văn hóa. Sự quy tụ bốn lãnh vực khoa học (NBIC) đang tiến hành và dự trù đến năm 2025 sẽ xong. NBIC là các kỹ thuật siêu vi mô, y-sinh-hóa, vi tính và khoa học nhận thức, (nanotechnologie, biomédecine, informatique và science cognitive). Tất cả đều đang tăng gia tốc và chúng ta không được ngây ngô. Đừng để dụng cụ điều khiển mình, nhưng mình phải điều khiển dụng cụ.

Đâu là các thách thức đưa ra do các kỹ thuật mới này?

Thách thức chính, đó là nhân phẩm con người. Trong Thông điệp Bác ái trong Chân lý (Caritas in veritate, 2009), Đức Bênêđictô XVI đã nói đến các nguy hiểm của kỹ thuật. Đức Phanxicô còn đi xa hơn. Ngài trích Romano Guardini bảy lần (Hồi kết của thời hiện đại, La Fin des temps modernes, 1950), ngài nói trong Thông điệp “Chúc tụng Chúa” về “hệ biến hóa của kỹ thuật quyền”.

Cách mạng kỹ thuật số với tứ trụ GAFA nổi tiếng (Google, Amazon, Facebook, Apple) có nguy cơ xếp xó con người vào hàng thứ nhì. Lý do tồn tại của chúng ta được định dạng qua các con số toán học của các môtơ tìm kiếm. Sắp tới đây, họ sẽ đề nghị chúng ta cấy dưới da, để hoạch định mô hình tối ưu cho mắt thấy xa hơn, tai nghe rõ hơn, đề phòng được bệnh tật, gia tăng khả năng của con người. Mê hoặc bởi tiến bộ cực kỳ mạnh này, lý lẽ tồn tại của chúng ta bị dụng cụ hóa, có nguy cơ đánh mất ý nghĩa nội tại: mong muốn trước hết của con người là mong muốn một con người toàn diện.

Cách mạng kỹ thuật số với tứ trụ GAFA nổi tiếng (Google, Amazon, Facebook, Apple) có nguy cơ xếp xó con người vào hàng thứ nhì. 

Con người có thể tiến hóa về mặt thể xác, con người có thể thật sự thay đổi được trong cấu trúc sâu xa của nó không?

Ngày càng xâm lấn, chắc chắn kỹ thuật sẽ tác động trên các đối xử của chúng ta. Như thế, trong nghĩa này chúng ta có thể nói, nó thay đổi chúng ta về ngoại vi. Nhưng về “bản tính con người” hay “căn tính con người,” một bản tính không làm chúng ta thuộc về loài khỉ lớn hay súc vật trong nhà thì căn bản vẫn là một. Con người có một “miếng đất” và nó được gọi để vun trồng và gìn giữ  (St 2, 15). Như thế con người không phải là một sinh vật đứng im. Con người được mời gọi để lớn lên.

Mặt khác nên tạo cho mình một kinh nghiệm để tìm hiểu chính mình, chúng ta thử vào một tịnh cốc, nơi không có máy móc, không màn hình, nơi chúng ta sống thinh lặng khoảng hai tuần! Khi đó chúng ta thật sự đi vào ‘ổ cứng’ của con người. Sau giai đoạn rối loạn nội tâm sâu đậm, thì sẽ có một chuỗi hình ảnh, bản năng, xúc cảm trồi lên, khi đó chúng ta mới đón nhận các khuynh hướng tự nhiên nhất, các ước muốn sâu xa cho bình an, cho đơn vị hiệp nhật nội tại, cho niềm vui, cho tự do đích thực, cho sự gần gũi người khác, cho tình yêu và cho sự tôn trọng cuộc sống.

Và chúng ta cũng có thể ngạc nhiên khi thấy mình nhận ra ơn sủng, thấy được sự hiện diện sống động của Chúa. Con người đẹp nhất mà tôi gặp là một phụ nữ ở trong sa mạc: một bà nông dân lớn tuổi ở trong căn chòi, nơi bà tỏa ra cả một nhân loại. Nơi bà, mình cảm thấy có sự hiện diện không thể tưởng tượng được của thời gian, không gian, môi sinh, của chính bà, của người khác và của cả Chúa!

Ở trên quan điểm kitô giáo, người ta có thể nói con người “tiến bộ”. Trong mục đích nào? Về cùng đích nào?

Chỉ có bộ môn thần học mới có thể khai thông ra ý nghĩa tối hậu của thiện hướng của con người theo chương trình hoạch định của Đấng Tạo Dựng. Câu trả lời cho chủ trương chuyển đổi con người là chủ trương nhân cách toàn bộ, một khái niệm đã được tư tưởng của triết gia Pháp  Jacques Maritain chuẩn bị và chúng ta thấy dưới ngòi bút của Thánh Gioan-Phaolô II trong tác phẩm triết lý Bản vị và hành động (Personne et acte, 1969) của ngài.

Con người mặc định tìm được bản thể thật của mình khi nhận ơn sủng một cách nhưng không và cho lại cũng một cách nhưng không. Với điều kiện là cảm nhận được lòng biết ơn cho cuộc sống đã nhận được (từ Chúa, từ gia đình, từ môi trường, từ bản tính tự nhiên muốn được tạo ra, từ sự khác biệt giới tính của mình). Và cũng với điều kiện mình tự nhận định được một cái ‘tôi” đơn sơ, gạt ra ngoài các cấp bậc, các nô lệ, các khuynh hướng ái kỷ của mình. Những chặng đào sâu trong khoảng không gian cốt tủy của cầu nguyện.

Tiếp cận một cách cá nhân này là nguồn của mọi giáo huấn xã hội của Giáo hội, nơi lợi ích trọn vẹn của con người hoàn tựu nơi lợi ích chung, lợi ích của tất cả mọi người và của từng người. Nó làm cho gia đình nhân loại được hợp nhất, cho tình huynh đệ được phổ quát. Một cách tối hậu, tổng thể sống động của toàn bộ chủ nghĩa cá nhân là Chúa Kitô, mối dây duy nhất giữa sự thiện và tự do (Thánh Gioan-Phaolô II, Rạng ngời Chân lý), Đấng cho chúng ta sự sống dồi dào (Ga 10, 10). Đây là hậu cảnh giáo huấn của Đức Phanxicô: đức tin trở nên sự sống, trọng tâm huyền nhiệm Thánh giá trong đời sống hàng ngày.

Nói cho tôi biết nhãn quan về con người của bạn

Trong tác phẩm Trở nên con người thật của mình, (Devenir vraiment soi-même), linh mục Tanguy-Marie Pouliquen kể, Đức Bênêđictô XVI thường hay hỏi các chủng sinh có hiểu nhãn quan nhân chủng học của Karl Marx không, họ rất ngạc nhiên khi Đức Bênêđictô XVI hỏi như vậy. Là nhà sư phạm bậc thầy, và cũng là người đã chứng kiến ý thức hệ nazi trong thời niên thiếu ở làng Bavière mộ đạo của mình, Đức Bênêđictô XVI đã hiểu, là tín hữu kitô thì phải hiểu các tiếp cận triết lý khác nhau về con người, nếu không sẽ chao động khi gió xoay ngược chiều, và một ngày nào đó sẽ thấy xác tín của mình bị bật gốc. Tin con người chịu tác động bởi luật sinh hóa (theo chủ nghĩa vật chất), hay tin con người là một bản thể không phân chia của tâm, thân, trí và mở ra với người khác, đồng hợp của xác thịt, của thiêng liêng và của tình yêu (theo ba thứ trật của triết gia Pháp Blaise Pascal), thì tất nhiên không phải cùng một chuyện. Tin, con người được tạo ra theo hình ảnh của Chúa hoặc chính tự nó là một bản thể thần thiêng trong một bản giao hưởng của vũ trụ (theo thuyết duy linh), cũng không phải là cùng một chuyện. Tin, các thực thể giới tính hay các biên giới của sự thiện và sự dữ là do văn hóa chứ không được gắn vào tâm hồn con người, cũng không phải là cùng một chuyện.  Chúng ta phải đặt cho mình một chỗ đứng giữa các ảnh hưởng của các trào lưu nhân chủng thắng thế, nếu không thì các người hướng dẫn ý kiến quần chúng sẽ làm thay thế cho chúng ta, linh mục Pouliquen cảnh báo.

Marta An Nguyễn chuyển dịch